Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Thai nhi 23 tuần tuổi: Làm quen với âm thanh bên ngoài bụng mẹ

Thai nhi 23 tuần tuổi: Làm quen với âm thanh bên ngoài bụng mẹ

TS.BS Nguyễn Hữu Trung

Ở tuần thứ 23 của thai kỳ, em bé đã có thể cảm nhận được những chuyển động của cơ thể mẹ.

Thai nhi 23 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 23 tuần tuổi trong bụng mẹ dài khoảng 29cm và nặng khoảng hơn 500g, tương đương với kích cỡ của một trái xoài lớn. Mẹ lúc này đôi khi còn có thể nhìn thấy bé con đang nhào lộn hay vặn mình bên dưới lớp da nữa. Mạch máu trong phổi của thai nhi ở giai đoạn này đang phát triển để chuẩn bị cho quá trình hô hấp ở thế giới bên ngoài bụng mẹ sau khi kết thúc 40 tuần thai.

Thính giác của em bé gần như đã phát triển giúp thai nhi có thể nghe được hầu như toàn bộ những âm thanh từ trong ra ngoài. Những âm thanh lớn như tiếng chó sủa hay tiếng máy hút bụi lúc này dần dần trở nên quen thuộc với con giúp con không sợ hãi hay giật mình khi bước ra thế giới bên ngoài tử cung của mẹ.

Cuộc sống mẹ bầu 23 tuần thay đổi như thế nào?

Ở tuần thứ 23 của thai kỳ, bà bầu có thể nhận thấy mắt cá chân và bàn chân của mình bắt đầu sưng lên đôi chút và hiện tượng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những tuần và tháng tới, đặc biệt là vào thời điểm cuối ngày hay giữa cái nắng gay gắt của mùa hè.

Tốc độ lưu thông máu có phần chậm chạp ở chân, cùng với những biến đổi trong máu có thể gây ra tình trạng tích nước, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sưng hay còn được gọi là phù nề. Nhưng các mẹ bầu không nên quá lo lắng vì sau khi sinh em bé, cơ thể mẹ sẽ loại bỏ những chất lỏng dư thừa này.

Trong giai đoạn này, mẹ bầu cũng nên ghi nhớ lời khuyên khi ngủ hãy nằm nghiêng về phía bên trái, duỗi thẳng chân khi ngồi và tránh ngồi hay đứng một chỗ quá lâu. Tuy nhiên, có một số mẹ bầu nằm nghiêng trái cảm thấy không thoải mái, khó thở… Khi đó, mẹ bầu vẫn có thể thay đổi tư thế sang nằm nghiêng phải hoặc nằm ngửa. một nguyên tắc chung rằng người mẹ phải khỏe thì con mới khỏe được.

Ngoài ra, mẹ cũng nên tập thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi lội hoặc yoga để tăng tốc độ lưu thông máu trong cơ thể. Tuy nhiên, việc tập thể dục cần được tư vấn trực tiếp bởi bác sĩ sản khoa đang theo dõi thai cho mẹ bầu. Một số trường hợp như mẹ bầu đang bị dọa sẩy thai, dọa sinh non, nhau tiền đạo… thì việc tập thể dục cần được cẩn trọng.

Bà bầu đừng hiểu lầm rằng hạn chế uống nước sẽ giảm thiểu việc tích nước của cơ thể. Việc uống đầy đủ một lượng nước nhất định mỗi ngày (2-2,5 lít) thậm chí còn giúp ngăn ngừa việc tích nước gây phù nề. Thực chất, việc bị phù nề một chút ở chân trong quá trình mang thai là điều hết sức bình thường, song nếu hiện tượng này trở nên nặng nề hơn như phù nề xuất hiện ở cả bàn tay, mặt và bọng mắt, mẹ nên đi gặp bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn để tránh gặp phải những hậu quả khôn lường như hội chứng tiền sản giật.

Về ăn uống khi mang thai 23 tuần, mẹ bầu cần tiếp tục cần bổ sung những món thực phẩm giàu dinh dưỡng và nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bên cạnh đó, uống những loại nước trái cây ít đường như nước dừa, nước cam ép,… sẽ giúp mẹ vừa đảm bảo được lượng nước cần thiết cho cơ thể, vừa cung cấp đủ các loại vitamin và khoáng chất. Quan điểm “tăng cường uống nước mía để cho con sinh ra sạch” là quan điểm sai lầm và rất có hại cho cả mẹ và con. Việc uống nước mía quá nhiều sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tăng đường huyết thai phụ, mẹ bị bệnh đái tháo đường thai kỳ. Thai nhi trong bụng dễ có tình trạng thừa cân hoặc thai lưu. Trẻ sinh ra dễ bị các sang chẩn sản khoa lúc sinh và có nguy cơ bị đái tháo đường và các bệnh lý rối loạn chuyển hóa về sau.

Ngoài ra trong thời gian này mẹ cần hạn chế ăn những loại thực phẩm có chứa natri như vừng lạc, xúc xích, khoai tây chiên,… bởi natri có thể gây tác động không tốt đến khả năng giải phóng nước của cơ thể.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về việc lưu trữ máu cuống rốn

Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp dưỡng chất cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Đây là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.

Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Vì vậy, máu cuống rốn đã được ứng dụng trong ghép tế bào gốc tạo máu.

Hiện nay, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường).

Những nghiên cứu gần đây cũng đã cho biết tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy… Vì thế, từ nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học. Trong đó, có bốn bệnh lý vừa được nghiên cứu ứng dụng điều trị là: tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.

Với việc lưu trữ máu cuống rốn, trong trường hợp bản thân đứa trẻ mắc bệnh thì có thể lấy nguồn tế bào gốc này ghép, điều trị cho chính bé. Hoặc nguồn tế bào gốc này có thể điều trị cho ba mẹ hay anh chị em trong gia đình.

Ở Việt Nam hiện nay, chi phí trích máu cuống rốn ban đầu là khoảng 25 triệu đồng và chi phí để lưu trữ mẫu trong ngân hàng máu cuống rốn quốc gia là khoảng 2,2 triệu đồng/năm (chưa kể tới chi phí cho việc ghép máu cuống rốn).

Tuy khá đắt đỏ nhưng với những lợi ích trong việc điều trị những bệnh nan y kể trên, rất nhiều bố mẹ Việt đang quan tâm và thực hiện việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho con.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Để lại một bình luận