Chuyên mục
Phụ Khoa

TUỔI TIỀN MÃN KINH

Tìm hiểu về thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Hiểu rõ về thời kỳ tiền mãn kinh sẽ giúp giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp cho phụ nữ.
Trong đời sống của người phụ nữ, từ lúc sinh ra cho đến tuổi xế chiều, ngoài thời kỳ dậy thì thì tiền mãn kinh, mãn kinh là giai đoạn người phụ nữ có những thay đổi về tâm sinh lý nhiều nhất.

Thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh là thời kỳ trước khi dứt hẳn kinh nguyệt của người phụ nữ, có thể xảy ra rất sớm và kéo dài từ 4-5 năm, trước khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hoàn toàn. Mãn kinh là thời kỳ từ khi một người phụ nữ bình thường dứt hẳn kinh nguyệt được một năm. Tiền mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên nhưng có thể đến sớm ở phụ nữ trẻ hơn mà bị cắt buồng trứng do bệnh lý. Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng bị suy yếu dần dần cho đến khi mất đi chức năng nội tiết. Khi buồng trứng không còn chức năng nội tiết, người phụ nữ sẽ ngưng hẳn kinh nguyệt và chấm dứt khả năng sinh sản của mình. Buồng trứng tiết ra hai nội tiết tố quan trọng là Estrogen và Progesteron, trong đó Estrogen có một vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Nó tác động lên hầu hết các cơ quan, đặc biệt là xương khớp, cơ quan sinh dục nữ, hệ thần kinh và tim mạch.

phu-nu22

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy tuổi mãn kinh của mỗi dân tộc không phụ thuộc vào yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa mặc dù tuổi dậy thì lại rất phụ thuộc vào các yếu tố này, nhất là yếu tố xã hội và văn hóa. Tuổi mãn kinh của người Việt Nam là 48 – 52 tuổi, độ tuổi này không thay đổi theo vùng miền, dân tộc và tôn giáo. Còn tuổi tiền mãn kinh thì có sự khác biệt một chút. Sự sớm hay muộn của tuổi tiền mãn kinh có liên quan đến các yếu tố như: khí hậu, di truyền, tình hình kinh tế gia đình, xã hội, độ cao so với mực nước biển… Người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, thói quen vệ sinh tốt thì tuổi tiền mãn kinh sẽ muộn hơn. Ngược lại, người có chế độ dinh dưỡng không đảm bảo trong thời gian dài, trọng lượng nhẹ, sống ở cao nguyên, nghiện thuốc lá thì tuổi tiền mãn kinh sẽ sớm hơn. Việc dùng thuốc tránh thai, có kinh sớm, chủng tộc… không ảnh hưởng đến tuổi tiền mãn kinh. Ngoài ra, tuổi tiền mãn kinh và số lần sinh đẻ của phụ nữ cũng có ảnh hưởng lẫn nhau.

Làm sao nhận biết mình bắt đầu bước vào thời kỳ tiền mãn kinh?

Các triệu chứng hay dấu hiệu cho biết người phụ nữ bắt đầu vào giai đoạn tiền mãn kinh thay đổi mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Dấu hiệu thường gặp là sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt cũng như tính chất của kinh nguyệt. Người phụ nữ sẽ thấy tự nhiên vòng kinh thay đổi như là kinh ít, kéo dài và thưa dần, 1 tháng rưỡi, 2 tháng hoặc 3 tháng mới có kinh một lần. Có phụ nữ thì bị rong kinh, cường kinh hoặc là băng kinh. Dạng này thì thường nguy hiểm, gây rắc rối nhiều hơn dạng kinh thưa dần.

Ngoài dấu hiệu phổ biến là thay đổi chu kỳ cũng như tính chất khác của kinh nguyệt thì còn có những dấu hiệu khác cũng gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hàng ngày của người phụ nữ như:

  • Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon hay rối loạn giấc ngủ.
  • Thay đổi tính tình, thay đổi tâm lý, tình cảm, dễ xúc động, hay khóc hay giận hờn, lo lắng, cáu gắt, mất bình tĩnh…
  • Rối loạn vận mạch biểu hiện bằng: nóng bừng mặt hay xuất hiện cơn bốc hỏa, toát mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực…
  • Đau nhức cơ, xương khớp.
  • Tăng cân, béo phì do rối loạn chuyển hóa chất mỡ.
  • Rối loạn ham muốn tình dục, rối loạn khoái cảm với biểu hiện có người thì giảm ham muốn, có người thì tăng ham muốn nhưng thường thì giảm khoái cảm xuất hiện nhiều hơn và khó đạt cực khoái hơn.
  • Xuất hiện lão hóa da, tóc bạc màu và dễ rụng, gãy.
  • Xuất hiện các rối loạn chuyển hóa như: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch…
  • Có nguy cơ xuất hiện các bệnh lý của ung thư đường sinh dục nữ như: ung thư vú, cổ tử cung, tử cung và buồng trứng.
Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người phụ nữ?

Bước vào thời kỳ mãn kinh, người phụ nữ sẽ dứt hẳn kinh nguyệt, các dấu hiệu khó chịu ở thời kỳ tiền mãn kinh mất đi, nhưng có thể sẽ có những thay đổi bất lợi sau:

  • Vóc dáng: cột sống thay đổi làm thay đổi tư thế: lưng ngày càng còng xuống, bụng chảy xệ, các cơ trở nên mềm nhão, da trở nên nhăn nheo, kém và mất đàn hồi, tóc ngày càng bạc trắng.
  • Bệnh loãng xương, dễ gãy xương thường là xương đùi và xương cổ tay.
  • Nhức mỏi cơ xương khớp.
  • Cơ quan sinh dục ngoài và trong đều bị teo nhỏ lại, giảm ham muốn hoạt động tình dục do niêm mạc âm đạo teo, khô, dễ trầy sướt và chảy máu. Sa sinh dục do cơ, dây chằng vùng chậu bị nhão hơn.
  • Xuất hiện nhiễm trùng đường tiểu do nội tiết, người phụ nữ có biểu hiện tiểu lắt nhắt nhiều lần, tiểu không kiểm soát.
  • Tim mạch: xơ cứng thành mạch, chủ yếu là tăng nguy cơ bệnh mạch vành hay nhồi máu cơ tim.
  • Các ung thư đường sinh dục nữ cũng vẫn còn là mối lo ngại mặc dù tỷ lệ có giảm đi ở lứa tuổi này.
Làm gì để giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa các rối loạn hoặc các bệnh lý thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh?

Tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn phát triển bình thường của cuộc sống người phụ nữ mà ai cũng phải trải qua. Có người giai đoạn tiền mãn kinh ngắn, qua đi nhẹ nhàng êm ả nhưng cũng có người giai này xảy ra sớm, kéo dài gây rất nhiều sự khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, việc làm, gia đình và hạnh phúc.

Như đã nói trên, tuổi mãn kinh không thay đổi nhưng tuổi tiền mãn kinh lại rất khác nhau. Vì vậy, để giai đoạn tiền mãn kinh ngắn ngủi, nhẹ nhàng người ta khuyên nên chuẩn bị từ lúc còn trẻ bằng một chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục, duy trì một lối sống lành mạnh…

Rất nhiều phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh mặc dù không phải chịu sức ép của công việc, gánh nặng gia đình, nhưng lại có nhiều lo lắng khi một số đặc trưng của sự lão hóa sớm bắt đầu xuất hiện. Sự lão hóa này là sự thay đổi tự nhiên do các bộ phận trong cơ thể suy giảm dần chức năng. Vì vậy, người phụ nữ ở vào thời kỳ này nên giữ được thái độ lạc quan để giúp cho tinh thần tốt, tư duy nhẹ nhàng. Người phụ nữ cũng cần tạo cho mình có một cuộc sống với môi trường vui tươi, thoải mái, tránh những lo âu phiền muộn, xây dựng một kế hoạch làm việc thật khoa học để không ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe.

Về mặt dinh dưỡng: phụ nữ cần một chế độ dinh dưỡng tốt ngay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh bằng cách ăn uống đầy đủ, cân đối các chất. Cân bằng chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các chất bằng cách ăn cơm gạo trắng thường ngày có xen lẫn gạo lức để bổ sung nhiều vitamin nhóm B. Ngoài ra, cần bổ sung lượng can – xi có trong sữa, trứng, yaourt giúp làm giảm thay đổi tính khí, đau đầu. Ăn nhiều trái cây, rau quả để tăng lượng magnesium, qua đó tăng lượng serotonin giúp giảm stress. Nên ăn dưa hấu để cung cấp một phần chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể chống được táo bón và đặc biệt là để cung cấp một lượng nước cho cơ thể. Tránh các thức ăn có nhiều mỡ, muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Đặc biệt là nên bổ sung các thực phẩm giàu estrogen tự nhiên từ các loài thực vật như: đậu nành (đậu tương) và các thực phẩm được chế biến từ mầm đậu nành.

Thường xuyên tập thể dục thể thao như: khiêu vũ, yoga… để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan.

Một điều nữa mà phụ nữ cũng phải chú ý là việc đi khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và xử trí sớm các bệnh phụ khoa, trong đó có ung thư.

Trả lời