Chuyên mục
Chuyên đề Hiếm muộn

Các câu hỏi thường gặp trong khám hiếm muộn – vô sinh

Thời điểm nào thuận tiện để bạn đến khám hiếm muộn lần đầu tiên?

– Người vợ: Ngày 2 của chu kỳ kinh nguyệt

– Người chồng: Kiêng xuất tinh từ 2 đến 5 ngày

Các giấy tờ bệnh nhân cần chuẩn bị là gì?

– Giấy đăng ký kết hôn (bản photocopy và bản chính để nhân viên y tế đối chiếu)

– CMND hoặc passport của hai vợ chồng (bản photocopy và bản chính để nhân viên y tế đối chiếu)

– Các xét nghiệm liên quan trước đó, kết quả các xét nghiệm có thể được sử dụng trong vòng 6 tháng. Việc làm lại các xét nghiệm có thể được yêu cầu nếu cần thiết.

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung là gì ????

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung hay thụ tinh nhân tạo (Intra Uterine Insemination – IUI) là kỹ thuật đưa tinh trùng đã được lọc rửa trực tiếp vào buồng tử cung.

Bơm tinh trùng còn có lợi điểm là mang tinh trùng có độ di động tốt, khả năng thụ tinh cao, cô đặc trong một thể tích nhỏ đến gần trứng hơn quanh thời điểm rụng trứng.

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung được thực hiện khi nào?

 Đối với nam:
  • Rối loạn xuất tinh: lổ tiểu đóng thấp, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương.
  • Tinh trùng ít, tinh trùng kém di động, tinh trùng dị dạng, hoặc phối hợp các yếu tố trên với mức độ nhẹ.
  • Kháng thể kháng tinh trùng ở nam giới, hoặc kháng thể kháng tinh trùng ở nữ giới.

Đối với nữ:

  • Rụng trứng không đều.
  • Lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ và trung bình.
  • Vô sinh chưa rõ nguyên nhân.

Điều kiện thực hiện:

  • Ít nhất 1 trong 2 ống dẫn trứng phải thông.
  • Buồng trứng còn hoạt động.
  • Tinh trùng bất thường mức độ nhẹ hoặc vừa (dựa theo kết quả tinh dịch đồ).

Người chồng nên ngưng xuất tinh 1-2 ngày trước khi lấy tinh trùng thực hiện thủ thuật. Đây là thời điểm tinh trùng được chuẩn bị tốt nhất để có khả năng thụ tinh cao nhất.

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung được thực hiện ra sao?

Quy trình bơm tinh trùng vào buồng tử cung sẽ được bắt đầu vào ngày thứ 2 của kỳ kinh.

Người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng hàng ngày trong khoảng 8 đến 10 ngày. Trong thời gian này, người vợ sẽ được hẹn siêu âm, đánh giá tình hình phát triển của nang trứng khoảng 2-3 lần.

Vào ngày được hẹn bơm tinh trùng, người chồng sẽ lấy tinh trùng bằng cách thủ dâm. Sau đó, tinh trùng được lọc rửa để chọn lọc những tinh trùng di động tốt, loại một phần chất kích thích co thắt tử cung trong tinh dịch, loại tế bào chết, vi sinh vật có hại.

IUI-2-01

Tinh trùng sau lọc rửa sẽ được bơm vào buồng tử cung bằng một ống nhỏ chuyên dụng, là catheter mềm, đầu tù dễ đưa vào buồng tử cung đồng thời hạn chế được tổn thương tử cung.

Sau khi bơm, người vợ sẽ nằm nghỉ tại chỗ khoảng 15 phút và ra về, bắt đầu sử dụng thuốc theo toa bác sĩ.

Sau 14 ngày thực hiện bơm tinh trùng, người vợ đến Phòng khám Hoàng Gia thử thai theo lịch hẹn.

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm là từ để chỉ kỹ thuật điều trị hiếm muộn-vô sinh, trong đó, trứng của người phụ nữ/người vợ sẽ được lấy ra ngoài và kết hợp (thụ tinh) với tinh trùng của người nam/người chồng bên ngoài cơ thể để tạo thành phôi. Sau một thời gian nuôi cấy bên ngoài (thường 2-5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người phụ nữ/người vợ.

Thụ tinh trong ống nghiệm khi nào?

IVF-01

Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật điều trị có hiệu quả trong các trường hợp sau:

  • Phụ nữ lớn tuổi
  • Phụ nữ có tổn thương ống dẫn trứng (tắc, ứ dịch…)
  • Phụ nữ có các bệnh lý liên quan lạc nội mạc tử cung
  • Người nam có tinh trùng bất thường (ít, yếu, dị dạng)
  • Các cặp vợ chồng vô sinh chưa rõ nguyên nhân
  • Các cặp vợ chồng đã thất bại với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung

Thụ tinh trong ống nghiệm được tiến hành ra sao?

Bước 1: Chuẩn bị
Sau khi đã được các bác sĩ khám, tư vấn và có chỉ định thực hiện TTTON, vợ chồng sẽ được:

  • Hướng dẫn thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho TTTON.
  • Khám tiền mê để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của người vợ, xem có khả năng làm TTTON và mang thai hay không.
  • Người vợ được hẹn quay lại bệnh viện vào ngày có kinh thứ 2 hay thứ 3 của chu kỳ.
IVF-2-01

Bước 2: Ươm mầm

Vào ngày 2 hoặc 3 của chu kỳ, người vợ sẽ được:

  • Tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày, thường trong khoảng thời gian 10-12 ngày.
  • Trong thời gian tiêm thuốc, người vợ sẽ được siêu âm và xét nghiệm máu, nhằm theo dõi sự phát triển của nang noãn.
  • Khi nang noãn đạt kích thước theo yêu cầu, người vợ sẽ được hướng dẫn tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành. Mũi thuốc này cần phải tiêm đúng giờ chỉ định.

Bước 3: Thu hoạch

  • Bác sĩ tại  trung tâm hỗ trợ sinh sản sẽ tiến hành lấy trứng (qua đường âm đạo, dưới hướng dẫn của siêu âm) vào khoảng 36 giờ sau mũi tiêm thuốc cuối cùng.
  • Vào buổi sáng ngày lấy trứng của người vợ, người chồng sẽ được hướng dẫn lấy tinh trùng hoặc được thông báo rã mẫu tinh trùng đông lạnh (nếu đã được trữ đông tại trung tâm hỗ trợ sinh sản trước đó).

Bước 4: Giao lưu

  • Trứng và tinh trùng sau khi lấy ra, sẽ được chuyển đến phòng labo để tiến hành thụ tinh và tạo phôi.
  • Phôi sẽ được nuôi cấy bên ngoài cơ thể 2-5 ngày. Trong thời gian này, người vợ sẽ được dùng thuốc nội tiết (thường là đường uống và đặt âm đạo) để chuẩn bị cho chuyển phôi.

Bước 5: Ra mắt

  • Vào ngày chuyển phôi, nhân viên y tế tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản sẽ cung cấp thông tin về số lượng, chất lượng phôi được tạo thành. Số phôi chuyển vào buồng tử cung, cũng như số phôi dư có thể đông lạnh cũng sẽ được thống nhất.
  • Sau khi chuyển phôi, người vợ sẽ nằm nghỉ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản khoảng 60 phút và ra về.
  • Trong thời gian 2 tuần sau chuyển phôi, người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết theo hướng dẫn của Bác sĩ chuyên khoa.

Bước 6: Thử thai

  • Khi đến ngày hẹn thử thai (thường là 2 tuần sau ngày chuyển phôi), người vợ sẽ đến Phòng khám Hoàng Gia để thử máu. Nếu kết quả thử thai dương tính (theo dõi có thai), người vợ sẽ được hẹn quay lại siêu âm vào 1-2 tuần sau.

Trưởng thành trứng non trong ống nghiệm là gì?

Nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm và thụ tinh trong ống nghiệm về cơ bản khá giống nhau, bao gồm lấy trứng ra ngoài, tạo thành phôi, nuôi phôi rồi chuyển vào tử cung.

Vấn đề khác biệt là thụ tinh ống nghiệm phải tốn thời gian tiêm thuốc kích thích trứng lớn lên rồi mới lấy trứng đã trưởng thành ở cơ thể ra ngoài. Với kỹ thuật nuôi trứng non, chỉ tiêm khoảng 3 ngày thuốc với liều lượng thấp. Trứng còn non sau khi lấy ra ngoài được nuôi cho trưởng thành trong ống nghiệm, sau đó mới tiến hành quy trình thụ tinh thường quy. Do không tiêm thuốc kích thích trứng nên loại trừ hẳn 100% nguy cơ quá kích buồng trứng.

IVM-01-01

Kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và tỉ mỉ. Do buồng trứng không được kích thích nên có kích thước rất nhỏ, khâu hút trứng đòi hỏi phải khéo léo mới hút được nhiều. Khi nuôi trưởng thành cũng đòi hỏi phải tuân thủ điều kiện hết sức nghiêm ngặt và mất thời gian theo dõi thường xuyên.

Kỹ thuật IVM mang lại hàng loạt các lợi ích cho bệnh nhân như: thuận tiện hơn, thời gian điều trị ngắn hơn, tiêm thuốc ít hơn, chi phí điều trị thấp hơn, kỹ thuật điều trị an toàn hơn.

Tại các Trung tâm hỗ trợ sinh sản, IVM được áp dụng cho các trường hợp buồng trứnng đa nang và có nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng cao.

Hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

Sau khi được nuôi cấy và chuyển vào buồng tử cung, phôi phải thoát ra khỏi vỏ bao quanh phôi (màng trong suốt – zona pellucida) để có thể bám vào nội mạc tử cung, sau đó làm tổ và phát triển thành thai. Trong nhiều trường hợp, vỏ bao quanh phôi quá dày hay cứng chắc bất thường, phôi sẽ không thoát ra ngoài được, nên không thể làm tổ vào nội mạc tử cung.

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (assisted hatching) được áp dụng để làm mỏng vỏ bao quanh phôi. Kỹ thuật này thực hiện trước khi chuyển phôi vào buồng tử cung. Nhờ đó, phôi sau khi được chuyển vào buồng tử cung sẽ tiếp tục phát triển và dễ dàng thoát ra ngoài vỏ bao để làm tổ.

AH-01

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng hiện được áp dụng ở hầu hết các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) trên thế giới. Kỹ thuật này được chứng minh là một kỹ thuật an toàn và có khả năng làm tỷ lệ có thai khi thực hiện TTTON tăng thêm khoảng 7%.

Kỹ thuật này thường được thực hiện cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân thất bại nhiều lần mặc dù chất lượng phôi tốt
  • Bệnh nhân chuyển phôi trữ lạnh
  • Bệnh nhân ít phôi, lớn tuổi
  • Bệnh nhân có phôi có màng trong suốt dày bất thường
  • Bệnh nhân thực hiện kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM)

Nguồn: IVFMD 

Hệ thống phòng khám phụ sản  Hoàng Gia

Trả lời