Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Dây rốn quấn cổ thai nhi là gì?

Dây rốn quấn cổ là gì? có nguy hiểm không?

 

Tình trạng dây rốn cổ thai nhi là như thế nào?

Dây rốn quấn cổ là tình trạng rất hay gặp nó chiếm tỷ lệ khoảng chừng trên 30% các trường hợp mang thai. Trong thực tế, có rất nhiều dạng dây rốn quấn cổ, có những trường hợp quấn rất nhiều vòng, 2 đến 3 vòng… và có thể nhiều hơn nữa… và cũng có thể vừa quấn cổ vừa kèm theo bất thường khác như dây rốn thắt nút…

Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi thường hay xảy ra vào giai đoạn nào của thai kỳ?

Dây rốn quấn cổ thai nhi có thể xảy ra ở mọi thời điểm của thai kỳ, có thể 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và có thể là 3 tháng cuối. Tuy nhiên, thông thường người ta hay chú ý đến tình trạng dây rốn quán cổ trong 3 tháng cuối cùng của thai kỳ, lúc gần ngày sinh. Vì sao vậy? Trong giai đoạn cuối cùng của thai kỳ, nhất là từ lúc 33-34 tuần của thai kỳ, khi đầu thai nhi đã xuống sâu vào trong khung chậu của người mẹ thì đa số các trường hợp dây rốn quấn cổ thai nhi sẽ không tự tháo ra được nữa.

Dây rốn quấn cổ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến với mẹ và thai nhi?

Dây rốn quấn cổ thai nhi không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Đối với thai nhi, dây rốn quấn cổ trong đa số các trường hợp đều không ảnh hưởng đến sức khỏe thai trong suốt quá trình mang thai và cả trong quá trình chuyển dạ. Thai nhi được bao bọc trong một môi trường là nước ối và đa số các trường hợp dây rốn đủ dài để không có tình trạng chèn ép mạch máu ở dây rốn. Tuy nhiên một số trường hợp nếu dây rốn quá ngắn hoặc tình trạng dây rốn quấn cổ nhiều vòng…thì mạch máu ở dây rốn sẽ bị chèn ép dẫn đến tình trạng thiếu oxy cho thai.

Những nguyên nhân chính nào dẫn đến tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi?

Có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng dây rốn quấn cổ là do… “ngẫu nhiên”. Thai nhi trong bụng mẹ có tình trạng cử động vô thức, không bị ảnh hưởng của ý muốn của người mẹ và cả ý muốn của thai nhi. Những cử động vô thức này, ngẫu nhiên vào một lúc nào đó, tạo ra cảnh dây rốn tự quấn quanh cổ thai nhi vài vòng…

Làm sao để nhận biết một thai phụ đang mắc phải tình trạng dây rốn quấn cổ?

Bình thường thì không thể nhận biết được tình trạng dây rốn quấn cổ qua thăm khám bên ngoài. Tình trạng này thường được chẩn đoán qua siêu âm đặc biệt qua siêu âm màu. Khi đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thấy được vùng cổ thai nhi có 1 hoặc 2 hoặc 3 vòng dây rốn với hình ảnh mạch máu đặc trưng bên trong dây rốn.

Một số thai phụ khi mắc phải tình trạng này họ thường tỏ ra lo lắng và mong muốn được mổ để lấy thai nhi ra sớm thì đó có đúng hay không?

Chỉ định mổ lấy thai phụ thuộc vào những yếu tố liên quan tới bà mẹ hoặc thai nhi và có thể là liên quan đến phần phụ (dây rốn, bánh nhau) của thai nhi. Dây rốn quấn cổ khá thường gặp và đa số các trường hợp thai phụ có thể sinh bình thường ngả âm đạo. Do đó, nếu chỉ vì chuyện dây rốn quấn cổ mà tiến hành phẫu thuật thì không đúng. Sản phụ có thể được chỉ định mổ lấy thai vì các nguyên nhân khác như ngôi thai không lọt vào khung chậu mẹ, thai suy…. Và dây rốn quấn cổ thai nhi chỉ là yếu tố phụ trợ thêm vào.

Một số trường hợp thai nhi tử vong trước hoặc trong lúc chuyển dạ và khi sinh ra, phát hiện dây rốn quấn cổ. Vậy dây rốn quấn cổ có phải là nguyên nhân gây tử vong thai nhi hay không?

Thai nhi tử vong trong bụng mẹ trước khi sinh có thể nói rằng một tình trạng mà không một ai mong muốn. Nguyên nhân của thai nhi tử vong có thể nói rằng là khá nhiều tùy vào tuổi thai của em bé. Đối với những trường hợp thai chết lưu sau 20 tuần, y học phân nhóm thành:

  • Thai chết lưu sớm là những trường hợp thai tử vong trong bụng mẹ ở tuổi thai 20-27 tuần.
  • Thai chết lưu muộn là những trường hợp thai tử vong trong bụng mẹ ở tuổi thai 28-36 tuần.
  • Thai chết lưu đủ tháng là những trường hợp thai tử vong trong bụng mẹ ở tuổi thai gần ngày sinh (sau 37 tuần).

Nguyên nhân của thai chết lưu sớm (20-27 tuần) thường là bất thường bẩm sinh, nhiễm trùng bào thai, thai chậm phát triển trong tử cung hoặc mẹ bị bệnh lý nội khoa nặng (đái tháo đường không được kiểm soát tốt, tiền sản giật nặng…

Về thai chết lưu muộn (28-36 tuần), nguyên nhân hàng đầu là mẹ có bệnh lý nội khoa nặng, hoặc bị các biến chứng của sản khoa như nhau bong non, nhau tiền đạo, dây rốn bám mép bánh nhau sa dây rốn. Ngoài ra, y văn cũng ghi nhận nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân sau khi khảo sát hết tất cả các nguyên nhân có thể xảy ra (Unexplained stillbirth).

Thai chết lưu không rõ nguyên nhân (Unexplained stillbirth) chiểm tỷ lệ từ 25-60% các trường hợp thai chết lưu. Theo ACOG (hội sản phụ khoa Hoa kỳ), thai chết lưu gần ngày sinh thường không tìm thấy nguyên nhân hơn so với thai chết lưu xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ. 2/3 các trường hợp thai chết lưu không rõ nguyên nhân xảy ra ở thai sau 35 tuần.

Thai phụ sẽ làm gì khi được thông báo tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi?

Các thai phụ không nên lo lắng nhiều quá mức. Các bà mẹ chỉ nên là theo dõi kỹ vấn đề thai nhi máy (đạp) có bình thường hay không. Cách theo dõi thai máy đơn giản nhất là theo dõi tình trạng thai cử động trong vòng 1 giờ sau ăn sau những bữa ăn chính. Nếu thai máy trên 4 lần có nghĩa là bình thường. Nếu mà thai không máy được 4 lần trong vòng 1 giờ sau ăn thì nên thông báo cho bác sĩ sản khoa biết.

Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi có thể phòng ngừa được hay không?

Không có cách phòng ngừa tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi. Tuy nhiên, các mẹ bầu cần phải hiểu rằng tình trạng này rất hay gặp và rất nhiều các trường hợp không gây nguy hiểm cho thai nhi.

TS.Nguyễn Hữu Trung

Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược TP HCM

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia Healthcare

 

Book

Để lại một bình luận