1. Định nghĩa:
Virus Cytomegalo (CMV) là loại virus thuộc nhóm Herpes, tên gọi từ tế bào bị nhiễm virus phồng to lên. Đây là tác nhân có thể gây nhiều bệnh cho mọi nhóm tuổi, từ những bất thường bẩm sinh đến các rối loạn bệnh lý, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch.
2. Sự lây truyền và dịch tễ:
– CMV có mặt ở khắp nơi trên thế giới, chỉ gây dịch nhỏ. Cuộc sống cộng đồng và vệ sinh cá nhân kém là điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền bệnh; khoảng 1% sơ sinh nhiễm CMV, tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển.
– CMV có thể hiện diện trong sữa mẹ, nước miếng, phân người và nước tiểu. Sự lây truyền theo nhiều kiểu khác nhau. Nhiễm ở tuổi chu sinh và trẻ em nhỏ xảy ra rất thường xuyên. Giai đoạn sớm thì truyền qua nhau thai, trong lúc sinh và trong sữa mẹ. Ở trẻ nhỏ thì truyền qua nước bọt. Lúc lớn thì truyền qua đường sinh dục, CMV hiện diện âm thầm trong tinh dịch và dịch tiết cổ tử cung. Nó cũng truyền qua đường máu hoặc ghép cơ quan. 80% người lớn có kháng thể.
3. Tính chất:
CMV có tính đặc hiệu loài và tế bào, về cấu trúc và hình dạng tương tự như những herpesvirus khác, nhưng CMV chỉ có đơn độc 1 serotýp .
4. Sinh bệnh học:
– Người là ký chủ tự nhiên. Lây truyền từ người sang người. Dòng CMV động vật không gây bệnh cho người. Đa số người bị nhiễm phát hiện được nhờ xét nghiệm.
– Tỉ lệ mắc tăng lên ở những người nhận cơ quan ghép, hóa trị trong ung thư… Biến chứng thường gặp là viêm phổi, đặc biệt viêm phổi kẽ.
– Một khi đã bị nhiễm thì người bệnh sẽ mang CMV suốt đời dù cho không có triệu chứng. CMV thường ngủ yên trong tế bào bạch cầu, sự tái hoạt CMV có thể xảy ra khi các tế bào miễn dịch Lympho T bị suy yếu, do bệnh như nhiễm HIV hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
5. Bệnh học:
Nhiễm CMV ở người lớn và trẻ em lớn:
Nhiễm CMV chu sinh:
– Đa số các trẻ này đều không có triệu chứng, một số trẻ có thể có triệu chứng viêm phổi kẽ kéo dài. Một số triệu chứng khác hay gặp như cân nặng lúc sinh thấp, viêm hạch, nổi mẩn, viêm gan, tế bào lympho tăng và thiếu máu.
Nhiễm CMV bẩm sinh:
– Hầu như chỉ những thai nhi có mẹ bị nhiễm CMV lần đầu trong khi mang thai mới có triệu chứng lâm sàng.
Xét nghiệm cận lâm sàng: men gan tăng, tiểu cầu giảm, bilirubin cao, tán huyết, protein trong dịch não tủy cao.
6. Chẩn đoán:
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định nhiễm CMV: phân lập siêu vi CMV, tìm kháng thể – kháng nguyên CMV, thử nghiệm PCR tìm CMV-DNA hoặc quan sát trực tiếp bằng kính hiển vi điện tử.
Phân lập virus:
– Bệnh phẩm: nước rửa họng, nước tiểu.
– Cấy bệnh phẩm vào tế bào và quan sát sự thay đổi tế bào sau 1-2 tuần lễ sẽ cho hình ảnh tế bào bị phồng to chứa nhiều thể vùi trong nhân tế bào.
– Do sự hủy hoại tế bào xảy ra chậm (1-2 tuần) nên khuyết điểm của phương pháp này là thời gian đọc kết quả lâu.
– Phân lập virus kết hợp với chuyển đổi huyết thanh là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán sơ nhiễm CMV ở người bình thường.
Chẩn đoán huyết thanh học:
– Thử nghiệm trung hòa, miễn dịch huỳnh quang tìm kháng thể rất hữu ích trong chẩn đoán các trường hợp nhiễm trùng bẩm sinh nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
– Kháng thể đặc hiệu chống virus Cytomegalo là IgM, IgA và IgG. Kháng thể có trong sữa mẹ không ngăn chặn được sự lây truyền từ mẹ sang con và hạn chế được sự trầm trọng của bệnh.
– Khi nhiễm CMV thì mang IgG dương tính suốt đời
7. Phòng bệnh:
– Hiện vẫn chưa có vaccine dự phòng CMV.
– Sàng lọc kĩ máu trước khi truyền máu, sàng lọc tủy xương tạng ghép trước khi đưa vào người nhận
– Trẻ bị bệnh thể vùi tế bào khổng lồ thải virus qua nước tiểu phải cách ly với những trẻ khác.
8. Điều trị:
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm CMV.
Ganciclovir có thể làm giảm triệu chứng ở người suy giảm miễn dịch nhiễm CMV.
Tài liệu tham khảo:
1. Lý Văn Xuân.Virus học. Nhà xuất bản y học
2. Bộ y tế. Trường ĐHYD TPHCM.Virus học. Bộ môn vi sinh
3. Hương Cát. Viện Thông tin y học Trung ương VN.CDC
16/06/2010
K. Xét nghiệm – BV Từ Dũ