Chuyên mục
Khám thai Sản Khoa

KHÁM THAI 3 THÁNG CUỐI

Tam cá nguyệt thứ 3 (từ khi thai nhi được 27 tuần cho đến khi sinh) được xem là giai đoạn thai nhi tăng trưởng nhanh nhất. Vì vậy, sự chăm sóc của mẹ trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng, vừa có tác dụng hỗ trợ cho sự phát triển, vừa chuẩn bị cho sự chào đời của con một cách tốt nhất

1/ Tầm quan trọng của việc chăm sóc tiền sản 3 tháng cuối thai kỳ

Về cơ bản, sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn cuối thai kỳ gần như đã hoàn chỉnh về mặt cấu trúc các cơ quan. Tuy nhiên, không phải cấu trúc thai nhi trong giai đoạn 3 tháng giữa được xác định bình thường có nghĩa là trong giai đoạn 3 tháng cuối cũng bình thường. Có những bất thường về mặt cấu trúc của thai nhi đã có trong giai đoạn 3 tháng đầu nhưng chưa thể phát hiện được. Đến giai đoạn này, các bất thường cấu trúc thai nhi bộc lộ rõ hơn, và có thể phát hiện được qua thăm khám.

Việc khám thai 3 tháng cuối giúp phát hiện và điều trị các bệnh lý nội khoa của mẹ như đái tháo đường, tiền sản giật, sản giật, tim, tuyến giáp. Những bệnh lý này không những có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ trong suốt quá trình mang thai mà có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cả mẹ và em bé trong cuộc sinh và sau sinh.
Ngoài ra, việc khám thai ba tháng cuối còn giúp phát hiện và chuẩn bị xử trí các bất thường về “phần phụ” như các bất thường về bánh nhau, dây rốn, nước ối… Gọi là “phần phụ” vì nó không phải là “phần chính”- thai nhi. Tuy nhiên, những bất thường của “phần phụ” này ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi. Dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, dây rốn có một động mạch, dây rốn bám màng…, nhau tiền đạo, bánh nhau phụ, mạch máu tiền đạo…, thiểu ối, đa ối…, dãi sợi ối… là những bất thường không chỉ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi mà còn cả người mẹ.

2/ Chế độ dinh dưỡng chuẩn cho thai phát triển toàn diện nhất

Trong giai đoạn “nước rút” này, mỗi ngày, bầu nên cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây, đồ biển, cá, tôm, cua, ốc…
Những quan điểm sai lầm như “uống nước mía cho con sinh ra sạch” cần nên loại bỏ! Việc uống nước mía chỉ cung cấp nước cho các thai phụ. Thành phần đường trong nước mía ngoài việc cung cấp năng lượng cho thai phụ thì không có lợi gì cả. Đường trong nước mía chỉ góp phần đưa các thai phụ vào tình trạng đái tháo đường nhanh thai kỳ nhanh hơn, trẻ sinh ra dễ bị sang chấn sản khoa, kẹt vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…

3/ Tập thể dục 3 tháng cuối: Lợi mẹ, lợi con!

Thể dục khi mang thai, nhất là những bài tập thể dục trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ giúp mẹ bầu kiểm soát mức cân nặng, ngăn ngừa đái tháo đường thai kỳ và những biến chứng nguy hiểm mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, việc tập thể dục cũng tùy từng tình trạng thai kỳ. Không phải thai phụ nào cũng tập thể dục như nhau. Những người bị dọa sinh non hoặc tiền sử sinh non, khâu eo cổ tử cung, những người bị nhau bám thấp, nhau tiền đạo, những người đang mang song thai hoặc đa thai…, việc “đi bộ quá nhiều cho dễ sinh” như quan điểm được truyền miệng xưa nay có thể làm cho các thai phụ chuyển dạ sinh sớm hơn, sinh non…

4/ Học cách“hít thở”

Hít thở có gì phải học?
Con người sinh ra phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chuyện hít thở là chuyện tự nhiên, ai cũng biết, không cần phải học!
Đúng vậy. Nếu chỉ để bản thân sống được thì không cần phải học “hít thở”. Nhưng để sinh đẻ ra được đứa con khỏe mạnh thì phải học “hít thở”. Hít thở sao cho hơi thở dài hơn, lượng oxy hít vào nhiều hơn, chuẩn bị cho một hơi rặn dài hơn để rặn sinh. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình chào đời của bé, giúp các bà mẹ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào phòng sinh.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Một bình luận trong “KHÁM THAI 3 THÁNG CUỐI”

Để lại một bình luận