Các nguyên nhân gây chậm kinh nguyệt thường gặp
Bên cạnh những bạn gái có chu kỳ đều đặn, nhiều phụ nữ thường bị gián đoạn chu kì kinh nguyệt do thói quen và lối sống chưa phù hợp sức khỏe.
Tình trạng chậm kinh nguyệt hay trễ kinh là một trong những rối loạn kinh nguyệt rất thường gặp ở nhiều chị em phụ nữ,. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên bộ môn Phụ Sản Đại học Y dược TP HCM- Trưởng phòng khám Phụ Sản Bệnh viện đại học Y Dược (cơ sở 2), Giám đốc chuyên môn phòng khám Hoàng Gia – tình trạng chậm kinh nguyệt thường do một số nguyên nhân sau:
1. Mang thai
Nếu người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có quan hệ tình dục nhưng không dùng bất kì biện pháp tránh thai, chậm kinh, mất kinh là dấu hiệu chứng tỏ đã mang thai. Để biết chính xác chậm kinh có phải do mang thai hay không, bạn cần dùng que thử thai để xác định. Việc sử dụng que thử thai có thể thực hiện ở bất kỳ nơi đâu, rất thuận lợi. Khi kết quả thử cho thấy bạn có thai, bạn cần đi khám các bác sĩ chuyên khoa phụ sản để xác định vị trí của thai, đơn thai hay song thai, tình trạng hoạt động của tim thai, thai bình thường hay thai trứng….
2. Buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân thường gặp ở những người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản gây chậm kinh hoặc không có kinh vài tháng, nhất là ở những người phụ nữ có thể tạng béo phì, rậm lông, mụn trứng cá…. Qua thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa siêu âm có thể thấy hình ảnh buồng trứng có nhiều nang nhỏ. Đây là một rối loạn có thể ảnh hưởng đến đa cơ quan, liên quan đến nhiều chuyên khoa như phụ sản, hiếm muộn, nội tiết, thẩm mỹ, da liễu. Việc can thiệp điều trị những phụ nữ bị hội chứng này tùy theo những triệu chứng mà bệnh này gây ra, có thể phối hợp nhiều chuyên khoa…
3. Giảm cân quá nhiều hoặc luyện tập thể thao quá sức
Điều này khiến nữ giới bị mất năng lượng, cơ thể bị căng thẳng cũng gây ức chế đến hệ thống điều hòa cơ quan sinh dục nữ, dẫn đến kinh nguyệt chậm.
4. Stress
Gần đến chu kỳ kinh nguyệt nhưng bạn lại gặp một chuyện buồn phiền, đau khổ, tâm trạng không ổn định, căng thẳng, lo âu, stress, suy nghĩ quá nhiều… tất cả những yếu tố tâm lý đó sẽ ức chế sự rụng trứng, khiến trứng rụng muộn và kì kinh sẽ đến muộn hơn bình thường.
5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Nếu chị em phụ nữ đang sử dụng thuốc dài ngày (thuốc nội tiết tố, thuốc chống đông máu, thuốc giảm cân, hoặc các loại thuốc chống rối loạn đông máu, an thần…) hoặc sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp cũng như thuốc tránh thai hàng ngày cũng là những yếu tố khiến chị em phụ nữ bị chậm kinh nguyệt.
Để cải thiện tình trạng chậm kinh trong trường hợp này thì chị em phụ nữ cần hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để ngưng việc sử dụng thuốc. Đối với những chị em phụ nữ bị chậm kinh do thuốc tránh thai hàng ngày hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xem có nên tiếp tục thuốc tránh thai không, nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bạn quá nặng thì nên ngưng sử dụng thuốc và có thể thay thế các biện pháp tránh thai an toàn khác.
6. Uống rượu bia- sử dụng thuốc lá
Rượu bia, thuốc lá đều là những chất kích thích khiến cơ thể khó có chu kỳ kinh đều đặn. Uống quá nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng đến hệ thống điều hòa nội tiết sinh dục nữ, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt. Trong khi đó, hút thuốc lá làm giảm phân phối oxy đến các cơ quan trong đó có các cơ quan sinh dục nữ trong vùng chậu (vùng bũng dưới), hội chứng tiền kinh nguyệt lúc này có thể nặng hơn. Ngoài ra, thuốc lá có thể khiến cho nhu động của niêm mạc bên trong các ống dẫn trứng bị rối loạn. Điều này có thể là nguyên nhân giảm chất lượng cũng như số lượng trứng, dẫn đến hiếm muộn hoặc thai ngoài tử cung.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên có cân nặng ở mức bình thường theo chiều cao của mình là lý tưởng nhất. Những phụ nữ thừa cân, béo phì hoặc quá gầy (do giảm cân đột ngột, tập luyện quá sức) thường có kinh nguyệt không đều. Tất cả những bất thường về mặt cân nặng đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng rối loạn rụng trứng. Giải pháp để khắc phục tình trạng này là phụ nữ nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, giữ cơ thể không quá béo cũng như không quá gầy. Khi cơ thể bạn trở lại bình thường, hiện tượng chậm kinh sẽ tự động được điều chỉnh.
7. Tăng cân hoặc giảm cân đột ngột
Việc tập luyện thể thao quá sức, hoặc tình trạng giảm cân, sụt cân quá nhanh, quá nhiều cũng khiến nữ giới bị mất năng lượng, vỏ não bị stress trong thời gian dài. Điều này cũng gây ức chế đến hệ thống điều hòa cơ quan sinh dục nữ, dẫn đến kinh nguyệt chậm.
8. Mãn kinh sớm
Mãn kinh là tình trạng người phụ nữ không có kinh trong vòng 12 tháng. Tuổi mãn kinh trung bình từ 48-53 tuổi. Tuy nhiên, một số người phụ nữ từ 40 tuổi có thể đã rơi vào tình trạng mãn kinh. Mãn kinh sớm thường do yếu tố di truyền quy định. Do đó, một số phụ nữ có thể gặp hiện tượng mãn kinh sớm do di truyền từ gia đình. Ngoài các yếu tố trên, tiến sĩ Hữu Trung cho biết phụ nữ mãn kinh sớm có thể do di chứng của phẫu thuật buồng trứng trước đây như bóc u nang buồng trứng, cắt buồng trứng…
Ngoài ra, một số phụ nữ gặp các rối loạn tiêu hóa, chế độ sinh hoạt không hợp lý, hay thức khuya… có thể bị chậm kinh hoặc gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Những bé gái trong độ tuổi đi học, thỉnh thoảng bị chậm kinh trong những kỳ ôn thi, có thể là do những nguyên nhân này.
Tiến sĩ Hữu Trung khuyến cáo tình trạng chậm kinh có thể do nhiều nguyên nhân, cả những nguyên nhân đơn giản cho đến những nguyên nhân phức tạp. Do đó, để biết chính xác tình trạng và nguyên nhân, phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa phụ sản thăm khám và điều trị sớm.
Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)
Giảng viên Đại học Y dược TP HCM
Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương
Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia Healthcare