Chuyên mục
keyword Sản Khoa

SINH CON TO CÓ PHẢI LÚC NÀO CŨNG TỐT?

SINH CON TO- CÓ PHẢI LÚC NÀO CŨNG TỐT?

Thai nhi là một quà tặng của tạo hóa cho những cặp đôi yêu nhau. Xã hội càng phát triển, các cặp đôi thường quan tâm nhiều hơn đối với đứa con yêu dấu sắp chào đời củ mình. Làm sao trẻ sinh ra thật khỏe mạnh, thật đẹp và “phải to để dễ nuôi”. Thật sự sinh con to có phải dễ nuôi hay không?

Nếu các bà mẹ hay ông bố tương lai có dịp ghé thăm khoa “dưỡng nhi”- khoa chăm sóc nhi khoa tích cực (NICU)- của các bệnh viện phụ sản sẽ thấy có một điều nghịch lý rằng bên cạnh các bé có trọng lượng nhỏ ký, nhẹ cân… vẫn có không ít các bé có trọng lượng quá to, trên 4000 gram vẫn phải cần sự hỗ trợ của các dịch vụ y tế đặc biệt cho trẻ. Tại sao vậy?

THẾ NÀO LÀ MỘT TRẺ SƠ SINH CON TO?

Để xác định một trẻ sơ sinh con to, cần xác định một trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường là như thế nào? Một trẻ sơ sinh đủ tháng bình thường có trọng lượng từ 2500 gram đến 3999 gram. Nếu trọng lượng của trẻ từ 4000 gram trở lên, trẻ được xem là có cân nặng quá lớn và được gọi là trẻ sơ sinh con to. Đối nhóm trẻ sơ sinh con to, các nhà nhi khoa chia thành 3 loại là loại 1 (4000 gram- 4500 gram), loại 2 (4500 gram đến 5000 gram) và loại 3 (> 5000 gram). Các nhà nhi khoa quan tâm đến những trẻ sơ sinh con to này vì nguy cơ bệnh tật trong giai đoạn sinh đẻ, sau sinh và khi trẻ lớn hơn đều tăng cao hơn so với những trẻ có trọng lượng lúc sinh bình thường (từ 2500 gram đến 3999 gram).

AI LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ SINH CON TO >4000 GRAM?

Mặc dù các cơ chế kiểm soát tăng cân và tăng trưởng của thai nhi trong bụng mẹ vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng sự phát triển của thai nhi quá mức có thể là do sự tăng cường chất dinh dưỡng cho thai nhi. Điều này có thể là do các yếu tố môi trường trong tử cung hoặc di truyền.

Các nghiên cứu cho thấy những bà mẹ từng sinh con to trên 4000 gram có nguy cơ sinh con to lặp lại trong lần sinh sau. Những bà mẹ bị béo phì, mắc bệnh tiểu đường và tăng cân quá mức khi mang thai cũng có nguy cơ cao sinh con to. Những tình trạng này của bà mẹ dẫn đến việc cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng cho thai nhi góp phần làm gia tăng sự phát triển của bào thai.

Yếu tố chủng tộc cũng ảnh hưởng đến nguy cơ sinh con to. Trong một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ cho thấy các bà mẹ da trắng, người Mỹ da đỏ dễ sinh con to hơn những bà mẹ thuộc các chủng tộc khác.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có liên quan đến sự ra đời của trẻ sơ sinh con to bao gồm thai quá ngày dự sinh, trọng lượng lúc sinh của người mẹ trước đây lớn hơn 4000 g.

TẠI SAO NHỮNG TRẺ SƠ SINH CON QUÁ TO THƯỜNG KHÔNG KHỎE?

Trẻ sơ sinh con to trên 4000 gram có nguy cơ cao bị chấn thương khi sinh. Đó là biến chứng kẹt vai thai nhi ở khung chậu của người mẹ sau khi đầu thai nhi đã ra khỏi cửa mình người phụ nữ. Bình thường, thai nhi có kích thước đầu to hơn thân mình của thai. Khi đầu của những thai nhi có cân nặng bình thường sinh ra khỏi “cửa mình” của người mẹ, vai và thân mình của trẻ được “trôi ra” một cách nhẹ nhàng.

Ở những trường hợp thai quá to, kích thước thân mình của trẻ thường quá lớn so với đầu thai nhi. Trong trường hợp thai to lớn này được sinh thường qua ngả âm đạo, lúc đầu thai đã ra ngoài “cửa mình” của người mẹ, vai và thân mình của thai vẫn còn “kẹt” lại bên trong mà không thể ra được. Lúc này, để cuộc sinh tiếp tục, người bác sĩ sản khoa phải dùng những lực mạnh hơn mức bình thường và có thể sử dụng những thủ thuật đặc biệt. Nguy cơ chấn thương xương, khớp và có thể cả các dây thần kinh của thai rất cao. Đây là những tình huống rất khó khăn, rất khó tiên lượng trước được, mà thai nhi con to có thể gặp phải khi trãi qua cuộc chuyển dạ sinh ngả âm đạo.

Ngay sau sinh, trẻ sơ sinh lớn ký có thể có những nguy cơ như hạ đường huyết, nguy cơ suy hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ sơ sinh càng lớn ký, nguy cơ phải nhập các đơn vị chăm sóc nhi khoa đặc biệt càng cao. Ngoài ra, khi lớn lên, những trẻ này rất dễ bị béo phì, đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa khác.

NGƯỜI MẸ NẾU ĐANG MANG THAI CON TO, CÓ CẦN LƯU Ý GÌ KHÔNG?

Đa số các thai phụ khi mang thai đều vui mừng khi nghe bác sĩ chuyên khoa báo thai to. Cần biết rằng thai to chỉ có ý nghĩa rằng thai nhi đang được dinh dưỡng tốt trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu dinh dưỡng quá nhiều cũng không phải lúc nào cũng tốt. Điều này tương tự như một đứa trẻ nếu được cho ăn uống nhiều quá thì sẽ béo phì và xuất hiện nhiều bệnh lý. Lúc này, thai phụ cần được các bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá nhiều, nhất là đồ ngọt, tinh bột… để tránh tăng cân quá mức.

Thai phụ mang thai quá to khi trãi qua cuộc sinh sẽ đối diện nhiều nguy cơ. Đó là nguy cơ phải mổ sinh, chấn thương cơ quan sinh dục khi sinh ngả âm đạo, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung… Những tai biến này nếu không được xử trí đúng, kịp thời sẽ kết sức nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

Để lại một bình luận