Chuyên mục
Chuyên đề Hiếm muộn

Các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình cần khám sức khỏe tiền hôn nhân

Hiện nay, không có xét nghiệm tiêu chuẩn bắt buộc cho bạn trước khi lập gia đình. Tùy theo từng cặp “vợ- chồng” tương lai, bác sĩ sẽ tư vấn các xét nghiệm cần thực hiện cụ thể. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp “vợ- chồng” chuẩn bị tốt trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân nhiều thú vị nhưng cũng có không ít khó khăn.

Mục tiêu của khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm kiểm tra sức khỏe tổng quát của mỗi người, cả người nam và người nữ, những vấn đề về sức khỏe tổng quát, cơ quan sinh dục- sinh sản, các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Kế hoạch có con của từng cặp vợ chồng để có thể tư vấn các biện pháp ngừa thai thích hợp. Các chủng ngừa cần thiết cho mỗi người, nhất là của người nữ trước khi mang thai.

Thông thường, cả nam và nữ hàng năm cần thực hiện các xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, thận, huyết học… Khi chuẩn bị lập gia đình, bên cạnh các xét nghiệm trên, cả hai người cần khám và thực hiện các xét nghiệm về các bệnh lây lan qua đường tình dục như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, giang mai,… Cơ quan sinh dục cần được thăm khám qua khám phụ khoa và khám nam khoa. Ở người nữ, khi khám phụ khoa cần được tư vấn để thực hiện các xét nghiệm như phết tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung, siêu âm phụ khoa để đánh giá về mặt giải phẫu của đường sinh dục. Tùy theo một số trường hợp đặc biệt, các bác sĩ sẽ cho thực hiện các xét nghiệm nội tiết tố sinh dục. Ở người nam, xét nghiệm tinh dịch đồ có thể thực hiện nhất là ở những người có tiền sử bị quai bị lúc nhỏ…

Qua khám tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ hỏi kỹ về kế hoạch có thai của thừng cặp vợ chồng. Nếu chưa muốn có thai ngay, các biện pháp tránh thai sẽ được tư vấn nhằm cùng nhau lựa chọn phương pháp ngừa thai hợp lý nhất. Chúng ta cần chú ý rằng không có phương pháp ngừa thai tốt nhất, chỉ có phương pháp ngừa thai phù hợp nhất cho từng cặp vợ chồng trong từng giai đoạn cụ thể mà thôi. Nếu cặp vợ chồng muốn có thai ngay sau khi cưới, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn về thời điểm quan hệ tình dục sao cho khả năng có thai cao nhất.

Việc chủng ngừa trước khi lập gia đình, sanh em bé rất cần thiết, nhất là ở người nữ. Khi mang thai, nếu thai phụ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu, nguy cơ dị tật thai nhi rất cao. Đa phần các dị tật cho thai nhi do Rubella gây ra rất khó phát hiện được như dị tật mù mắt, đục thủy tinh thể, điếc do thần kinh. Người phụ nữ cần xét nghiệm xem có nhiễm Rubella chưa. Nếu xét nghiệm thấy chưa có kháng thể Rubella trong máu, người nữ cần được tiêm ngừa Rubella để phòng tránh nhiễm Rubella trong thai kỳ. Các chủng ngừa khác như cúm, viêm gan siêu vi B, thủy đậu, sởi, quai bị cũng rất cần thiết. Sau khi chủng ngừa Rubella, người phụ nữ nên tránh có thai trong vòng 3 tháng sau, tối thiểu là 1 tháng.

Các bệnh về di truyền của cả hai vợ chồng sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Những người có tiền sử gia đình bị thiếu máu Thalassemia, bệnh Down, nhóm máu hiếm Rh (-)… sẽ được tư vấn kỹ về cách dự phòng hoặc phát hiện sớm khi mang thai. Acid folic có thể được sử dụng hàng ngày cho người nữ trước mang thai nhằm giảm nguy cơ bị các bất thường thai nhi, nhất là các bất thường về ống thần kinh như não úng thủy, thoát vị não, màng não…

– Hỏi tiền sử bệnh lý bản thân, gia đình.

– Khám nội tổng quát (đo chiều cao, cân nặng, dấu hiệu sinh tồn, khám tim mạch, hô hấp, tiêu hóa).

– Siêu âm ổ bụng tổng quát: gan, mật, lách, tụy, thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt với nam và phụ khoa với nữ.

– Siêu âm tuyến vú (nữ).

– Soi tươi dịch âm đạo (nữ).

– Khám nam khoa.

– Xét nghiệm tinh dịch đồ (nam).

– Xét nghiệm nhóm máu.

– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

– Đường huyết.

– Mỡ máu.

– Chức năng gan.

– Chức năng thận.

– Tổng phân tích nước tiểu.

– Kiểm tra huyết thanh nhằm phát hiện các bệnh hoa liễu, viêm gan B, HIV, bệnh rubella (nữ).

– Kiểm tra hormone sinh dục: estrogen, FSH, LH, progesterone (nữ), testosterone (nam).

Để lại một bình luận