X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Archives

Thai nhi 23 tuần tuổi: Làm quen với âm thanh bên ngoài bụng mẹ

By on 08/07/2018

Thai nhi 23 tuần tuổi: Làm quen với âm thanh bên ngoài bụng mẹ

TS.BS Nguyễn Hữu Trung

Ở tuần thứ 23 của thai kỳ, em bé đã có thể cảm nhận được những chuyển động của cơ thể mẹ.

Thai nhi 23 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 23 tuần tuổi trong bụng mẹ dài khoảng 29cm và nặng khoảng hơn 500g, tương đương với kích cỡ của một trái xoài lớn. Mẹ lúc này đôi khi còn có thể nhìn thấy bé con đang nhào lộn hay vặn mình bên dưới lớp da nữa. Mạch máu trong phổi của thai nhi ở giai đoạn này đang phát triển để chuẩn bị cho quá trình hô hấp ở thế giới bên ngoài bụng mẹ sau khi kết thúc 40 tuần thai.

Thính giác của em bé gần như đã phát triển giúp thai nhi có thể nghe được hầu như toàn bộ những âm thanh từ trong ra ngoài. Những âm thanh lớn như tiếng chó sủa hay tiếng máy hút bụi lúc này dần dần trở nên quen thuộc với con giúp con không sợ hãi hay giật mình khi bước ra thế giới bên ngoài tử cung của mẹ.

Cuộc sống mẹ bầu 23 tuần thay đổi như thế nào?

Ở tuần thứ 23 của thai kỳ, bà bầu có thể nhận thấy mắt cá chân và bàn chân của mình bắt đầu sưng lên đôi chút và hiện tượng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những tuần và tháng tới, đặc biệt là vào thời điểm cuối ngày hay giữa cái nắng gay gắt của mùa hè.

Tốc độ lưu thông máu có phần chậm chạp ở chân, cùng với những biến đổi trong máu có thể gây ra tình trạng tích nước, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sưng hay còn được gọi là phù nề. Nhưng các mẹ bầu không nên quá lo lắng vì sau khi sinh em bé, cơ thể mẹ sẽ loại bỏ những chất lỏng dư thừa này.

Trong giai đoạn này, mẹ bầu cũng nên ghi nhớ lời khuyên khi ngủ hãy nằm nghiêng về phía bên trái, duỗi thẳng chân khi ngồi và tránh ngồi hay đứng một chỗ quá lâu. Tuy nhiên, có một số mẹ bầu nằm nghiêng trái cảm thấy không thoải mái, khó thở… Khi đó, mẹ bầu vẫn có thể thay đổi tư thế sang nằm nghiêng phải hoặc nằm ngửa. một nguyên tắc chung rằng người mẹ phải khỏe thì con mới khỏe được.

Ngoài ra, mẹ cũng nên tập thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi lội hoặc yoga để tăng tốc độ lưu thông máu trong cơ thể. Tuy nhiên, việc tập thể dục cần được tư vấn trực tiếp bởi bác sĩ sản khoa đang theo dõi thai cho mẹ bầu. Một số trường hợp như mẹ bầu đang bị dọa sẩy thai, dọa sinh non, nhau tiền đạo… thì việc tập thể dục cần được cẩn trọng.

Bà bầu đừng hiểu lầm rằng hạn chế uống nước sẽ giảm thiểu việc tích nước của cơ thể. Việc uống đầy đủ một lượng nước nhất định mỗi ngày (2-2,5 lít) thậm chí còn giúp ngăn ngừa việc tích nước gây phù nề. Thực chất, việc bị phù nề một chút ở chân trong quá trình mang thai là điều hết sức bình thường, song nếu hiện tượng này trở nên nặng nề hơn như phù nề xuất hiện ở cả bàn tay, mặt và bọng mắt, mẹ nên đi gặp bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn để tránh gặp phải những hậu quả khôn lường như hội chứng tiền sản giật.

Về ăn uống khi mang thai 23 tuần, mẹ bầu cần tiếp tục cần bổ sung những món thực phẩm giàu dinh dưỡng và nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bên cạnh đó, uống những loại nước trái cây ít đường như nước dừa, nước cam ép,… sẽ giúp mẹ vừa đảm bảo được lượng nước cần thiết cho cơ thể, vừa cung cấp đủ các loại vitamin và khoáng chất. Quan điểm “tăng cường uống nước mía để cho con sinh ra sạch” là quan điểm sai lầm và rất có hại cho cả mẹ và con. Việc uống nước mía quá nhiều sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tăng đường huyết thai phụ, mẹ bị bệnh đái tháo đường thai kỳ. Thai nhi trong bụng dễ có tình trạng thừa cân hoặc thai lưu. Trẻ sinh ra dễ bị các sang chẩn sản khoa lúc sinh và có nguy cơ bị đái tháo đường và các bệnh lý rối loạn chuyển hóa về sau.

Ngoài ra trong thời gian này mẹ cần hạn chế ăn những loại thực phẩm có chứa natri như vừng lạc, xúc xích, khoai tây chiên,… bởi natri có thể gây tác động không tốt đến khả năng giải phóng nước của cơ thể.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về việc lưu trữ máu cuống rốn

Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp dưỡng chất cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Đây là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.

Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Vì vậy, máu cuống rốn đã được ứng dụng trong ghép tế bào gốc tạo máu.

Hiện nay, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường).

Những nghiên cứu gần đây cũng đã cho biết tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy… Vì thế, từ nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học. Trong đó, có bốn bệnh lý vừa được nghiên cứu ứng dụng điều trị là: tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.

Với việc lưu trữ máu cuống rốn, trong trường hợp bản thân đứa trẻ mắc bệnh thì có thể lấy nguồn tế bào gốc này ghép, điều trị cho chính bé. Hoặc nguồn tế bào gốc này có thể điều trị cho ba mẹ hay anh chị em trong gia đình.

Ở Việt Nam hiện nay, chi phí trích máu cuống rốn ban đầu là khoảng 25 triệu đồng và chi phí để lưu trữ mẫu trong ngân hàng máu cuống rốn quốc gia là khoảng 2,2 triệu đồng/năm (chưa kể tới chi phí cho việc ghép máu cuống rốn).

Tuy khá đắt đỏ nhưng với những lợi ích trong việc điều trị những bệnh nan y kể trên, rất nhiều bố mẹ Việt đang quan tâm và thực hiện việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho con.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Thai nhi 22 tuần phát triển ra sao?

By on 08/07/2018

Thai nhi 22 tuần tuổi: Cơ thể được phủ bởi lớp lông tơ

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Thai nhi 22 tuần phát triển ra sao?

Thai nhi 22 tuần dài khoảng 27,8cm và nặng khoảng 430g, tương đương một quả bí ngô dài. Thai nhi giai đoạn này bắt đầu mang dáng dấp một đứa trẻ sơ sinh thu nhỏ. Môi, mí, mắt, lông mày của bé ngày càng rõ rệt. Đôi mắt đã hình thành nhưng màng mắt vẫn còn thiếu sắc tố.

Nếu có thể nhìn thấy bên trong tử cung, mẹ sẽ phát hiện bé có lớp lông tơ khá tốt trên cơ thể và các nếp nhăn trên da. Các nếp nhăn này sẽ giảm dần ở quý thứ 3 thai kỳ khi bé tích lũy dần chất béo. Bên trong bụng, tuyến tụy – rất cần thiết cho việc sản xuất một số hormone quan trọng – cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Cuộc sống mẹ bầu 22 tuần thay đổi thế nào?

Mẹ có thể bắt đầu nhận thấy các vết rạn da trên bụng bởi bụng bầu đang dần căng ra tạo điều khiện cho thai nhi không ngừng phát triển.

Ít nhất một nửa số phụ nữ trong thời gian thai kì đều xuất hiện các vết rạn da. Những vết rạn trên da thường có màu sắc khác nhau từ màu hồng đến màu nâu đậm (tùy thuộc vào màu da của mẹ). Bình thường chúng thường xuất hiện trên bụng của mẹ, nhưng đôi khi các vết rạn da còn có thể xuất hiện trên mông, đùi, hông và ngực. Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy kem dưỡng da giúp ngăn ngừa tuyệt đối các vết rạn da, nhưng việc giữ cho làn da của mẹ được dưỡng ẩm là có thể và còn giúp da giảm ngứa ngáy.

Kiến thức cho mẹ: Bên cạnh bụng bầu, mẹ còn trải qua những thay đổi gì?

Vào tuần thai thứ 22, có thể bạn dễ dàng nhận ra kích thước bụng và ngực phát triển không ngừng, nhưng những thay đổi vật lý sau đây có thể khiến mẹ vô cùng ngạc nhiên. Cùng với vô vàn sự thay đổi khi mang thai, hooc môn đóng một vai trò quan trọng là nguyên nhân gây ra hầu hết các thay đổi ở vẻ ngoài của mẹ.

Tóc dày hơn, sáng bóng hơn

Trong thời gian mang thai, quá trình rụng tóc chậm hơn nhiều so với trước đây vì vậy nhiều mẹ thường nghĩ tóc mọc ra nhưng thực tế là tóc bớt rụng đi.

Nếu tóc dày hơn khiến mẹ thích thú, hãy tận hưởng nó. Nhưng nếu hiện tượng này làm cho tóc của mẹ xù lên một cách khó chịu, hãy nhờ thợ cắt tóc tỉa thưa bớt. Tuy nhiên những thay đổi này sẽ không kéo dài mãi mãi. Sau khi em bé chào đời, tóc mẹ sẽ bị rụng khá nhiều.

Lông trên cơ thể tăng rõ rệt

Hoóc môn có tên gọi androgens có thể khiến lông mọc trên cằm, mép, má và cả tay chân. Những sợi lông kì lạ cũng có thể xuất hiện trên bụng, cánh tay và lưng của mẹ.

Móng tay mọc nhanh hơn

Móng tay của bà bầu có thể phát triển nhanh hơn bình thường. Một số mẹ bầu cho biết móng tay cứng hơn nhưng cũng có người thấy mềm hoặc giòn hơn. Vậy mẹ nên làm gì? Mẹ nên bảo vệ móng tay bằng cách đeo găng tay cao su khi vệ sinh và sử dụng kem dưỡng ẩm nếu chúng dễ gãy.

Xuất hiện các vết rạn da

Khi bụng của mẹ giãn ra để phù hợp với kích thước bé con đang lớn, mẹ có thể bị các vết rạn da nhỏ như những giọt nước mắt nằm ngay dưới da, với các màu sắc khác nhau. Những dấu hiệu này sẽ bắt đầu mờ đi trong khoảng từ 6 đến 12 tháng sau khi mẹ sinh con. Giải pháp cho vấn đề này là mẹ không thể làm gì ngoài cố gắng không tăng quá nhiều cân so với quy định hoặc sử dụng các loại kem chống rạn để giúp da đàn hồi tốt hơn.

Nám da

Việc tăng các sắc tố melanin có thể gây ra các mảng da sậm màu trên khuôn mặt của bà bầu. Những thay đổi sắc tố này có thể tăng nhiều hơn nếu mẹ tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời. Mẹ nên bảo vệ khuôn mặt bằng cách sử dụng kem chống nắng bảo vệ khỏi tia UVA và UVB với chỉ số chống nắng SPF 30 hoặc cao hơn, đội mũ có vành, mang khẩu trang khi đi ra ngoài và tránh ánh nắng vào những giờ cao điểm trong ngày (10 giờ sáng đến 2 giờ chiều).

Núm vú lớn hơn và sẫm hơn

Bà bầu có thể thấy núm vú và khu vực sắc tố xung quanh nhũ hoa đang ngày càng lớn hơn. Những nốt sần trên đó cũng rõ rệt hơn. Nốt sần này là các tuyến sản xuất dầu giúp chống lại vi khuẩn và bôi trơn da. Một số phụ nữ cũng nhận thấy các tĩnh mạch xuất hiện rõ rệt hơn ở ngực.

Chân to hơn

Bàn chân của mẹ có thể tăng một nửa cỡ giày trở lên. Dây chằng lỏng lẻo có thể làm cho bàn chân mẹ to ra một chút. Triệu chứng phù chân có thể làm cho đôi giày của mẹ bầu khá chật, tuy nhiên chân mẹ sẽ trở về trạng thái bình thường sau khi sinh.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 22 tuần: Thay giày dép mới

Bên cạnh việc sắm cho mình những bộ quần áo mới, mẹ cũng cần mua những đôi giày mới phù hợp với đôi chân tăng thêm kích cỡ của mình. Mẹ bầu nên chọn những loại giày đế bằng hoặc chỉ cao 3cm để đảm bảo việc đi lại được an toàn.

Ngoài ra, vào giai đoạn này, tay mẹ cũng thường to hơn một chút. Nếu cảm thấy nhẫn cưới đã quá chật, bạn nên tháo chúng ra để bớt khó chịu hơn. Mẹ có thể đeo ở ngón tay nhỏ hơn hoặc đeo trong dây chuyền trên cổ.

Mẹ bầu cũng cần nhớ lịch khám thai ở mốc 22 tuần quan trọng này. Đây là mốc khám thai quan trọng hàng đầu nhằm khảo sát hình thái thai nhi qua siêu âm 4 ciều.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Thai nhi 21 tuần phát triển ra sao?

By on 08/07/2018

Thai nhi 21 tuần phát triển ra sao?

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Thai nhi ở tuần thứ 21 có trọng lượng khoảng 360g và dài chừng 26,7cm, tương đương chiều dài của một củ cà rốt. Các mẹ sẽ sớm cảm thấy những chuyển động liên hồi như thể đang tập võ của em bé trong bụng.

Trong khoảng thời gian này, lông mày và mí mắt của em bé đã bắt đầu xuất hiện. Phần xương tai trong của em bé đã hoàn thiện, giúp thai nhi nghe được gần như hầu hết mọi âm thanh bên ngoài tử cung. Bé con trở nên ‘thấu hiểu’ hơn khi biết phân biệt những âm thanh vui, buồn hay tức giận của mẹ. Ba mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con hay cho con nghe nhạc để kích thích sự phát triển tư duy cho bé.

Và nếu mẹ đang mang bầu một bé gái, vùng âm đạo của bé cũng sẽ được hình thành trong khoảng thời gian bé chạm mốc 21 tuần tuổi. Những chuyển động có vẻ yếu ớt ở những tuần trước đó sẽ phát triển thành những cú đạp hay thúc với lực đủ mạnh để mẹ cảm nhận được.

Cuộc sống mẹ bầu 21 tuần thay đổi thế nào?

Mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy khá thoải mái trong những ngày này khi mà cơ thể của mẹ vẫn chưa thực sự quá lớn và những cảm giác khó chịu ở thời gian đầu thai kỳ cũng biến mất. Mẹ hãy tranh thủ tận hưởng sự dễ chịu trước khi chạm mặt những ‘thách thức’ ở giai đoạn cuối của thai kỳ.

Nói là dễ chịu song không có nghĩa là mẹ sẽ không phải đối mặt với vấn đề nào ở tuần thứ 21 này. Ví dụ điển hình có thể kể đến là vấn đề da mẹ tiết nhiều dầu hơn, tạo điều kiện để mụn trứng cá ghé thăm. Nếu mẹ bầu nào đang gặp phải vấn đề này, hãy siêng năng rửa mặt nhưng cũng phải thật nhẹ nhàng 2 lần 1 ngày. Cùng với đó, mẹ nên sử dụng các loại phấn hay kem trang điểm có chức năng kiềm dầu tốt, an toàn với bà bầu.

Lưu ý quan trọng trong giai đoạn này là kể cả khi mọc nhiều mụn, mẹ không nên sử dụng các loại thuốc trị mụn dạng uống bởi rất có thể nó sẽ gây hại đến em bé trong bụng. Tốt nhất bà bầu nên xin ý kiến của bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Ngoài ra, mẹ cũng dễ rơi vào tình trạng giãn tĩnh mạch trong thời gian thai nhi được khoảng 21 tuần tuổi. Khi em bé phát triển, áp lực sẽ tăng lên đối với các tĩnh mạch ở chân của bà bầu. Cùng với nồng độ progesterone tăng cao hơn, vấn đề có thể sẽ trở nên tệ hơn, thậm chí là ở cả những lần mang thai sau này. Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu khả năng bị giãn tĩnh mạch, mẹ nên tập những bài thể dục phù hợp hàng ngày hay khi ngủ nằm nghiêng về phía bên trái. Ví trí ngủ này đã được chứng minh là rất có lợi cho mẹ bầu và thai nhi.

Mẹ cũng có thể sớm nhận thấy những hệ thống tĩnh mạch nhỏ có hình dạng như mạng nhện nổi trên bề mặt da, đặc biệt là trên mắt cá chân, đùi hoặc mặt. Mặc dù chúng có thể gây ảnh hưởng không tốt về măt thẩm mỹ, song ‘tĩnh mạch mạng nhện’ không gây khó chịu cho mẹ và thường sẽ biến mất sau khi sinh.

Kiến thức cho mẹ: Vì sao mẹ cần bổ sung canxi?

Về ăn uống trong giai đoạn này, mẹ cần nạp các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung canxi bởi xương của bé đang phát triển và dần trở nên cứng cáp hơn.

Mẹ bầu cũng nên ăn nhiều rau xanh để cung cấp đủ lượng vitamin B cho cả cơ thể mẹ và bé. Uống đủ lượng nước mỗi ngày cũng là một nhiệm vụ mà mẹ phải ghi nhớ. Khoảng 6-8 ly nước mỗi ngày là cần thiết. Mẹ cũng nên dùng thêm nhiều nước hoa quả ít ngọt như nước dừa hay nước cam sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Cần hạn chế tối đa nước mía vì nước mía quá ngọt sẽ làm tăng đường huyết của mẹ, mẹ dễ bị đái tháo đường thai kỳ.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 21 tuần: Lên lịch đi khám thai

Giai đoạn mang thai 21-22 tuần là một trong các mốc khám thai quan trọng nhất. Vì vậy ngay từ tuần này, mẹ cần lên kế hoạch trong lần khám thai ở tuần sau.

Ngoài ra, các cặp đôi cũng nên rút ngắn danh sách tên bạn muốn đặt cho con để chọn được cái tên ưng ý nhất.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Thai nhi 20 tuần phát triển ra sao?

By on 08/07/2018

Thai nhi 20 tuần phát triển ra sao?

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Vào tuần 20 của thai kỳ, bé con nặng khoảng 300g và dài ước chừng 16,4cm tính từ đầu đến mông và tầm 25,6cm tính từ đầu đến gót chân – tương đương chiều dài của một quả chuối to.

Trong 20 tuần đầu tiên, chân của em bé cuộn lên trên thân mình nên khó đo được kích cỡ toàn cơ thể, chiều dài của bé chỉ được đo từ đầu đến mông, được gọi là chiều dài đầu – mông.

Thai nhi 20 tuần tuổi đang tập nuốt nhiều hơn. Đây là bài thực hành rất tốt cho hệ tiêu hóa của em bé sau này. Con cũng sản sinh ra phân su, một sản phẩm có màu xanh đen, dính và không  mùi từ đường tiêu hóa. Chất này sẽ tích tụ trong ruột và mẹ sẽ thấy trên tã lót vào những ngày đầu tiên sinh con (tuy nhiên có một số bé sẽ để lại phân su trong tử cung hoặc trong quá trình sinh)

Cuộc sống mẹ bầu 20 tuần thay đổi như thế nào?

Chúc mừng bạn vì đã đi được nửa quãng đường của thai kỳ. Vào tuần thai này, phần trên tử cung của mẹ bầu sắp chạm đến rốn, và lúc này cân nặng của mẹ có thế tăng thêm 4,5kg. Ước tính cân nặng của mẹ sẽ tăng 0,5kg mỗi tuần. (Nếu các mẹ hơi gầy lúc bắt đầu mang thai thì cần cố gắng tăng cân nhiều hơn 1 chút, còn với người lúc bắt đầu mang thai hơi thừa cân thì nên tăng vừa phải). Vào giai đoạn này, mẹ bầu phải đảm bảo cơ thể mình được cung cấp đủ sắt, khoáng chất vì đó là những thành tố chính tạo ra huyết sắc tố (một thành phần của hồng cầu giúp vận chuyển oxy).

Trong suốt thai kỳ, cơ thể mẹ cần được cung cấp thêm sắt để tương thích với lượng máu đang tăng lên của mẹ, cũng như cung cấp cho quá trình phát triển của bé con và nhau thai. Thịt đỏ là loại thực phẩm cung cấp nhiều sắt tốt nhất cho mẹ vào thời kì này. Gia cầm (đặc biệt các loại thịt sẫm màu) cũng là loại chứa nhiều sắt. Một số thực phẩm không phải thịt nhưng cũng rất giàu sắt gồm có các loại đậu, các sản phẩm từ đậu nành, rau chân vịt, nước ép mận, nho khô và ngũ cốc.

Kiến thức cho mẹ: Làm thế nào để ngủ ngon khi mang thai?

Trong quá trình thai nghén, mẹ có thể sẽ rất khó ngủ tròn giấc bởi một vài sự thay đổi vô hình hay hữu hình đang diễn ra trong cơ thể mẹ. Vì vậy mẹ có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng:

  • Ngủ ngáy: Trong giai đoạn này, mẹ có thể mắc chứng ngủ ngáy, một phần vì nhau thai sản sinh nhiều estrogen. Hooc môn này làm cho màng nhầy lót đường thở phù nề lên và thậm chí khiến niêm mạc đường hô hấp tiết ra nhiều chất nhầy hơn. Vậy khi đó mẹ phải làm gì? Phương pháp hiệu quả là bà bầu nên nằm nghiêng một bên và kê đầu cao lên một chút.
  • Ợ nóng: Ợ nóng và khó tiêu có thể cũng là nguyên nhân khiến mẹ khó ngủ về đêm. Để tránh sự phiền toái đó thì mẹ không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây ợ nóng. Bà bầu nên dành 2-3 giờ để cơ thể có thể tiêu hóa thức ăn trước khi đi ngủ và thử chèn thêm gối ở phần thân trên cơ thể có thể sẽ giúp mẹ ngủ ngon hơn.
  • Chuột rút: mẹ có thể bị chuột rút trong thời kì này và triệu chứng này khiến bạn khó có thể có một giấc ngủ sâu vì nó có thể xảy ra trong lúc ngủ. Giải pháp là mẹ nên duỗi thẳng chân, gót chân và từ từ uốn cong các ngón chân về đầu gối của bạn hoặc đi bộ vài phút.
  • Tư thế ngủ sai: Bà bầu có thể trằn trọc cả đêm để tìm một tư thế ngủ thật thoải mái. Cách tốt nhất là mẹ nên nằm một bên và chèn gối vào giữa 2 chân. Để thêm phần thoải mái và hỗ trợ cho giấc ngủ sâu mẹ có thể sắp xếp gối ở dưới bụng và sau lưng. Hoặc bạn có thể sử dụng những chiếc gối dành riêng cho bà bầu.
  • Đổ mồ hôi đêm: Cơ thể bạn khi mang thai thường ấm hơn người bình thường một chút bởi quá trình trao đổi chất, hooc môn và thay đổi cân nặng., gây ra chứng đổ mồ hôi vào ban đêm. Vậy mẹ nên làm gì? Giải pháp tốt nhất là đảm bảo phòng ngủ của mẹ luôn mát mẻ và mặc ít quần áo.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 20: Nuông chiều bản thân

Vào giai đoạn tuần 20 thai kì, mẹ có thể thử vài bộ đồ ngủ mới, đi massage dành cho bà bầu, có thể chụp một vài bức ảnh để đánh dấu dấu mốc quan trọng này sẽ giúp cho tâm trạng mẹ bầu cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.

 

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Trao đổi cùng Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung về “”Viêm” Lộ Tuyến Cổ Tử Cung

By on 23/10/2017