X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Archives

Những điều cần biết khi thai nhi được 36 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi tuần 36: Bé sẵn sàng cho việc chào đời

Thai nhi 36 tuần phát triển ra sao?

Ở thời điểm này, trọng lượng cơ thể thai nhi tiếp tục tăng nhanh với cân nặng khoảng 2,6kg và dài 47,4cm.

Lúc này, cơ thể bé bắt đầu rụng dần lông tơ cùng bã nhờn –  chất đặc biệt quan trọng được hình thành khi bé phát triển trong bụng mẹ với mục đích bảo vệ da bé khi ngâm mình trong nước ối. Do em bé nuốt phải các bã nhờn cùng các chất tiết ra khác trong tử cung nên kết quả là mẹ sẽ thấy vài ngày đầu sau khi sinh, phân trẻ sơ sinh thường có màu xanh lá cây, màu đen và có tính chất dính.

Thông thường thai nhi 36 tuần đã quay đầu ở ngôi thai thuận (đầu hướng xuống phía xương chậu) và có tư thế thuận lợi nhất để bé dễ dàng đi qua ống sinh của mẹ. Một số trường hợp, thai nhi không tự quay đầu (ngôi mông- ngôi ngược) mà phải nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ thông qua các thao tác gây áp lực lên bụng gọi là ngoại xoay thai.

Vì phổi của bé đã có đủ khả năng để có thể thích nghi với môi trường bên ngoài nên nếu mẹ chuyển dạ trong tuần này thì hãy yên tâm vì sức khỏe của bé sẽ ít có nguy cơ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sinh con ở tuần 36 chỉ nên diễn ra trong tình huống bắt buộc và có sự chỉ định về mặt sản khoa sau khi được bác sĩ chuyên khoa phụ sản thăm khám và tư vấn kỹ.

Cuộc sống mẹ bầu 36 tuần thay đổi như thế nào?

Đến tuần thai 36, thai nhi đã chiếm rất nhiều diện tích trong bụng và tử cung chứa thai nhi quá to đã chèn ép lên dạ dày của mẹ khiến mẹ bầu có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống thông thường. Chính vì thế, cách tốt nhất là mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và ăn thành nhiều bữa.

Mặt khác, các bạn sẽ nhận thấy hiện tượng ợ nóng sẽ giảm đi và bạn dễ thở hơn do lúc này em bé đã bắt đầu chuyển dần vị trí xuống xương chậu của mẹ. Quá trình này gọi là sa bụng và thường xảy ra một vài tuần trước khi sinh nếu đây là em bé đầu tiên của bạn. Nếu bạn đã sinh em bé trước đó, thì có lẽ quá trình này sẽ không xảy ra cho tới khi bạn thật sự vào chuyển dạ với những cơn đau bụng.

Ở tuần thai thứ 36, khi thai nhi di chuyển xuống xương chậu, bạn sẽ cảm thấy tăng áp lực ở bụng dưới khiến việc đi lại sẽ ngày càng khó khăn. Đồng thời đây có thể là nguyên nhân làm cho mẹ bầu phải đi tiểu thường xuyên. Nếu em bé nằm ở vị trí thấp, mẹ có thể cảm thấy rất nhiều áp lực cũng như sự khó chịu, không thoải mái ở âm đạo.

Đặc biệt ở thời điểm này, mẹ bầu có thể sẽ nhận thấy các cơn co thắt tử cung của chuyển dạ giả (Braxton Hicks) xuất hiện thường xuyên hơn. Chính vì thế, bạn cần trang bị đầy đủ các kiến thức về dấu hiệu chuyển dạ và đừng quên giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ của mình khi không thể phân biệt được cơn co thắt tử cung Braxton Hicks với cơn co thắt tử cung của chuyển dạ thật sự. Cần nhớ rằng không ít trường hợp sản phụ đã sinh rớt tại nhà vì không phân biệt được hai loại cơn gò này.

Theo quy tắc chung, nếu mẹ mang thai đủ tháng, quá trình mang thai sẽ không có nhiều rắc rối và nước ối của mẹ không bị vỡ sớm. Khi ấy mẹ có thể sẽ phải chờ cho đến khi cơn co thắt kéo dài mỗi lần khoảng một phút và cứ mỗi 5 phút hoặc ngắn hơn thì cơn co thắt lại xuất hiện một lần. Tất nhiên, nếu nhận thấy bé yêu giảm chuyển động hoặc thấy ra nước ở vùng kín nghĩ đến nước ối đã bị vỡ, chảy máu âm đạo, sốt, đau đầu dữ dội và dai dằng, đau bụng liên tục, thị lực giảm… thì bạn cần đi bệnh viện ngay.

Một lưu ý dành cho mẹ bầu ở những tuần cuối thai kỳ là cho dù quá trình mang thai của bạn có khỏe đến đâu thì vẫn nên tránh đi máy bay hoặc thực hiện chuyến du lịch xa nhà ở giai đoạn này bởi bạn có thể sinh em bé bất cứ lúc nào.

Kiến thức cho mẹ bầu: Nhận biết dấu hiệu sắp sinh con

Những dấu hiệu sắp sinh dễ dàng thấy nhất bao gồm:

Bụng tụt xuống thấp

Trong vài tuần cuối của thai kỳ, chị em có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. Điều này báo hiệu cho bạn biết em bé sẽ chào đời trong một thời gian ngắn sắp đến.

Đi tiểu thường xuyên hơn

Vì đầu của thai nhi đã nằm gần sát bàng quang của chúng ta nên chị em sẽ thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu và đi tiểu nhiều lần. Khoảng 2 tuần trước sinh thì thậm chí khoảng 1 giờ các mẹ đi tiểu một lần. Chị em bầu nhớ là đừng nhịn tiểu, sẽ làm không chỉ mẹ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến con nữa.

Đau lưng dưới

Những ngày cuối thai kỳ bạn có thể bị đau lưng ghê gớm. Do lúc này em bé đã khá nặng và tụt xuống dưới sẽ tạo áp lực cho lưng và kéo dãn dây chằng ở tử cung, xương chậu khiến mẹ bầu đau nhức. Sau sinh, triệu chứng bệnh sẽ giảm dần. Khi thấy lưng thường xuyên đau đớn, chứng tỏ mẹ sắp được gặp mặt con yêu rồi.

Tiêu chảy

Kích thích tố khi sinh nở sẽ tác động lên ruột và gây ra đau bụng, đi phân lỏng và đi thường xuyên. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, những kích thích tố này là thuốc sổ tự nhiên đào thải cặn bã trong ruột để thai nhi thoải mái trong bụng mẹ. Những hormone này cũng có thể khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.

Tăng tiết dịch âm đạo

Thông thường 1 tuần trước ngày sinh nở, mẹ bầu sẽ nhận thấy âm đạo tiết nhiều dịch như lòng trắng trứng hoặc dịch lẫn máu hồng. Thông thường máu hồng này xuất hiện trước khi sinh nở khoảng 1 tuần.

Bong nút nhầy

Trong thời gian mang thai, chất nhầy ở trong cổ tử cung có nhiệm vụ “đóng nắp” bọc nước ối nhưng đến những ngày cuối thai kỳ, chấy nhầy này loãng ra. Chất nhầy này thường có tính chất “nhầy nhầy như nước mũi”, màu hồng nhạt. Chính vì vậy, trong khoảng 1 tuần trước ngày lâm bồn, chị em thường thấy âm đạo xuất hiện dịch nhầy màu hồng nhạt. Đó là dấu hiệu của cổ tử cung bắt đầu hé mở, nút niêm dịch nhầy của cổ tử cung đã bị bong ra.

Khi thấy xuất hiện triệu chứng này chứng tỏ cổ tử cung của bạn đã bắt đầu mở và quá trình sinh nở diễn ra trong 1-2 ngày tới hoặc cũng có thể lên đến 1 tuần. Bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định xem cổ tử cung đã “mở” bao nhiêu cm và tư vấn thời điểm nhập viện.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 36 tuần

  • Lên lịch khám thai tuần 37
  • Hoàn tất thủ tục nghỉ thai sản
  • Chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ: Tham khảo chế độ ăn uống, cách kích sữa, cách đối mặt với những vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ…
  • Đọc sách về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Chọn bác sĩ đỡ sinh.
  • Gọi cho bác sĩ theo dõi thai kỳ cho bạn hoặc đến bệnh viện khi nhận ra bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào.
  • Chọn nơi sinh là các bệnh viên phụ sản uy tín trong TP HCM, phù hợp với nơi ở của mẹ bầu, tình trạng thai kỳ của bạn, điều kiện kinh tế của bạn, có được cơ quan bảo hiểm y tế (mà bạn đăng ký) chấp nhận thanh toán hay không. Các lựa chọn như bệnh viện công lập tại TP HCM như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược; các bệnh viện tư nhân và quốc tế khác tại TP HCM như quốc tế Mỹ (AIH), Hạnh Phúc, Vinmec, An Sinh, FV…
  • Lên kế hoạch sắm đồ sơ sinh cho con

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 35 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 35 tuần tuổi: Bé bớt nhào lộn

Thai nhi 35 tuần tuổi phát triển ra sao?

Do sự lớn lên nhanh chóng về cả cân nặng và chiều cao nên ở trong bụng mẹ, thai nhi dường như không còn nhiều không gian để chuyển động như trước nữa. Ở tuần 35 của thai kỳ, thai nhi sẽ nặng khoảng 2.38 kg và cao 46cm tương đương với kích thích của một quả dưa xanh.

Do khoảng trống trong bụng mẹ ngày một bị thu hẹp nên bé không thể thực hiện được các cú lộn nhào nhưng tần suất những cú huých, cú đạp của bé vẫn đều đặn. Chính vì thế, các mẹ cần phải học thói quen theo dõi số lần đạp của con để nhận biết xem bé có đang an toàn hay không.

Ở tuần 35, các cơ quan trong cơ thể bé đã dần hoàn thiện với thận phát triển đầy đủ và gan đã bắt đầu hoạt động. Trong vài tuần tới, bé sẽ có sự thay đổi rõ rệt về cân nặng nên mẹ cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình.

Cuộc sống mẹ bầu 35 tuần thay đổi thế nào?

Ở thời điểm này, cân nặng và chiều cao của thai nhi phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng sẽ lớn dần đáng kể. Nếu có thể nhìn trực tiếp bên trong tử cung, bạn sẽ nhận thấy giờ đây phần lớn không gian trong tử cung là để dành chứa em bé còn thể tích nước ối đã giảm đi nhiều.

Tử cung của mẹ căng lên như một quả bóng và có xu hướng chèn lên các cơ quan nội tạng khác, đó là lý do tại sao bạn có thể phải đi tiểu thường xuyên hơn và có thể bị ợ nóng, đau dạ dày và gặp phải nhiều hiện tượng khác. Nếu bạn không vật lộn với những phiền toái này thì bạn là một trong số ít người may mắn khi mang bầu.

Bắt đầu từ thời điểm này trở đi, mẹ bầu nên đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe cũng như mọi dấu hiệu xảy ra đối với cơ thể. Khoảng thời gian từ tuần 35 đến 37, bạn nên đến bệnh viện để các bác sĩ lấy mẫu âm đạo nhằm thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). Nhiễm GBS trong thai kỳ có thể gây sinh non, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hậu sản ở mẹ. Đặc biệt, nếu mẹ nhiễm GBS trong thai kỳ, trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng sơ sinh.

Liên cầu khuẩn nhóm B thường không gây nguy hiểm cho người lớn nhưng nếu thai phụ dương tính với kết quả kiểm tra và truyền vi khuẩn sang cho con trong lúc sinh (sinh con qua ngả âm đạo) thì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như khiến bé bị viêm phổi, viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu.

Trên thực tế, có khoảng 10-30% phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B nhưng lại không hề biết đến điều đó. Nếu bạn là người mang GBS thì bạn sẽ được tiêm kháng sinh trong thời gian chuyển dạ, nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bé.

Khi bước sang tuần 35, đây cũng chính là thời điểm mẹ bầu nên trang bị một vài kiến thức cũng như những đồ dùng cần thiết cho quá trình sinh nở sắp tới. Tìm hiểu bệnh viện nơi sinh và thảo luận với Bác sĩ chuyên khoa những dấu hiệu cần thiết phảo nhập viện, lựa chọn phương pháp sinh, chuẩn bị mọi đồ đạc thiết yếu là những công việc quan trọng bạn cần tự thực hiện hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của người thân.

Kiến thức cho mẹ: Cần mang theo những gì khi đi đẻ?

Vào thời điểm này hầu hết các bà mẹ đã sắm đủ đồ cho em bé sơ sinh. Vậy khi đi đẻ mẹ cần mang theo những gì?

Các giấy tờ cần thiết

– Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Những giấy tờ này sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi của thai nhi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.

– Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế. Nên photocopy sẵn hai bản và mang theo cả bản gốc đề phòng trường hợp bệnh viện yêu cầu.

– Tiền để đóng phí tạm ứng và chi tiêu những khoản phát sinh khi nằm viện.

Quần áo, đồ đạc cho mẹ và bé

Ngày nay, hầu hết các bệnh viện đều có sẵn đồ cho sản phụ và em bé sơ sinh. Vì vậy mẹ không cần mang theo quá nhiều đồ. Hãy tham khảo nơi bệnh viện mình sinh con xem bạn cần chuẩn bị thêm những gì ngoài những thứ bệnh viện đã cung cấp sẵn.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 35 tuần

  • Mua sắm những đồ còn thiếu cho mẹ và bé cần khi đi đẻ và sau sinh
  • Sắp sẵn đồ đi đẻ vào giỏ riêng, để ở nơi mà những người thân của mình biết, dặn người thân của mình (chồng, mẹ, anh chị em…) khi mình có dấu hiệu chuyển dạ, nhớ mang giỏ đồ đã chuẩn bị sẵn này. Không quên mang theo bộ hồ sơ khám thai nhé.
  • Tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ sinh con
  • Chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ: Tham khảo chế độ ăn uống, cách kích sữa, cách đối mặt với những vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ…
  • Đọc sách về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Chọn bác sĩ đỡ sinh.
  • Gọi cho bác sĩ theo dõi thai kỳ cho bạn hoặc đến bệnh viện khi nhận ra bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào.
  • Chọn nơi sinh là các bệnh viên phụ sản uy tín trong TP HCM, phù hợp với nơi ở của mẹ bầu, tình trạng thai kỳ của bạn, điều kiện kinh tế của bạn, có được cơ quan bảo hiểm y tế (mà bạn đăng ký) chấp nhận thanh toán hay không. Các lựa chọn như bệnh viện công lập tại TP HCM như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược; các bệnh viện tư nhân và quốc tế khác tại TP HCM như quốc tế Mỹ (AIH), Hạnh Phúc, Vinmec, An Sinh, FV…
  • Lên kế hoạch sắm đồ sơ sinh cho con
  • Lưu lại những số điện thoại quan trọng như số của bác sĩ nhờ đỡ đẻ, số của người thân trong gia đình hoặc số của các bệnh viện nơi bạn chọn sinh con…

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ KHÁM TẠI:

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 33 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 33 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 33 tuần tuổi đã cán mốc khoảng 1,9kg và có chiều dài ước chừng 44cm tính từ đỉnh đầu cho đến chân, tương đương kích thước của một quả dứa lớn.

Ở tuần này, da của thai nhi không còn nhăn nheo, cùng với bộ xương đã cứng cáp hơn rất nhiều. Riêng xương hộp sọ của bé chưa hợp nhất với nhau, cho phép chúng di chuyển và hơi chồng lên nhau. Điều ngày sẽ giúp con di chuyển dễ dàng hơn qua ống sinh khá chật hẹp. Xương hộp sọ của con sẽ hoàn thiện dần trong quá trình bé lớn lên ở bên ngoài bụng mẹ, cùng với sự phát triển của não bộ và các mô khác.

Cuộc sống của mẹ bầu 33 tuần thay đổi như thế nào?

Trong giai đoạn này, mẹ có thể cảm thấy một số cơn đau nhẹ và tê ở ngón tay, cổ tay và bàn tay. Giống như nhiều mô khác trong cơ thể mẹ, mô ở cổ tay có thể sẽ bị tích nước, dẫn đến áp lực gia tăng ở cổ tay của mẹ. Các dây thần kinh chạy qua đây có thể bị chèn ép, gây tê, ngứa ran, đau rát, hoặc một cơn đau âm ỉ. Mẹ hãy thử đeo một chiếc nẹp cố định để ổn định cổ tay hoặc tựa cánh tay lên gối khi ngủ. Nếu công việc của mẹ yêu cầu chuyển động tay lặp đi lặp lại như gõ bàn phím hay trên dây chuyền lắp ráp, mẹ hãy nhớ duỗi tay một cách thoải mái trong giờ giải lao.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về cách theo dõi chuyển động của em bé

Tần suất mẹ nên theo dõi chuyển động của bé con trong bụng

Thai nhi thường sẽ ‘nghịch ngợm’ ở mức độ vừa phải trong những tuần cuối cùng này vì tử cung đã khá chật hẹp. Mỗi em bé sẽ chọn riêng cho mình một kiểu hoạt động. Miễn là mẹ không thấy thay đổi lớn nào về mức độ hoạt động của em bé, mẹ có thể yên tâm rằng con vẫn khỏe mạnh bình thường.

Mẹ có cần theo dõi nhưng cú đạp của thai nhi?

Để an tâm nhất, từ 28 tuần trở đi, mẹ nên theo dõi chuyển động của bé ít nhất 1-2 lần mỗi ngày. Có rất nhiều cách khác nhau để đếm những cú đá của con, như chọn thời điểm mà bé có vẻ như hiếu động nhất trong ngày. Sau đó mẹ ngồi im lặng hoặc nằm nghiêng về một phía để tránh bị phân tâm. Hãy theo dõi khoảng thời gian mà mẹ có thể đếm được 10 chuyển động khác nhau của con như đá hay trườn. Nếu em bé hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ có thể cảm nhận được ít nhất 10 chuyển động khác nhau của con trong vòng 2 giờ. Một cách khác để đếm những cử động thai nhi là meo dõi thai máy sau ăn 1 giờ. Bình thường, sau ăn 1 giờ, thai nhi cử động ít nhất 4 lần.

 

Mẹ phải làm gì nếu chuyển động của bé con thưa dần và thay đổi?

Mẹ hãy lập tức thông báo cho bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn nếu cảm thấy bất cứ thay đổi hay sự sụt giảm nào về mức độ hoạt động của con. Điều này có thể là dấu hiệu xấu báo thai nhi đang không ổn và mẹ bầu cần được theo dõi cẩn thận hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 33

– Giặt đồ sơ sinh cho con

– Chuẩn bị đồ đi đẻ

– Tìm hiểu về dịch vụ chăm sóc cho mẹ và bé sau sinh

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 32 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 32 tuần tuổi: Bé đang “tăng tốc”

Thai nhi 32 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 32 tuần tuổi trong bụng mẹ có trọng lượng khoảng 1,7kg và dài chừng 42,4cm tính từ đỉnh đầu đến chân (tương đương kích cỡ chiều dài của bó cải xoăn), chiếm một diện tích khá lớn trong tử cung của mẹ.

Bà bầu có thể sẽ tăng lên khoảng 450g trong mỗi tuần tính từ thời điểm này và một nửa trong số đó thuộc về thai nhi trong bụng mẹ. Trong 7 tuần cuối cùng của thai kỳ, em bé sẽ ‘tăng tốc’ và đạt khoảng 1/3 hay thậm chí là một nửa số cân nặng của bé khi được sinh ra. Thai nhi cũng đang cố ‘vỗ béo’ để có thể khỏe mạnh nhất cho đến ngày chào đón thế giới bên ngoài.

Bàn tay và bàn chân của thai nhi bây giờ đã xuất hiện móng, cùng với tóc nhiều hơn. Da của bé trở nên trơn láng và mịn màng hơn để chẩn bị sẵn sàng ra khỏi bụng mẹ.

Cuộc sống của mẹ bầu 32 thay đổi như thế nào?

Để đáp ứng được nhu cầu của cơ thể mẹ và cơ thể của bé đang ngày một lớn, lượng máu trong người mẹ đã tăng khoảng 40 đến 50% tính từ thời điểm bắt đầu mang thai. Việc tử cung lớn lên theo sự phát triển của em bé đã tác động đến hoạt động của dạ dày, để lại hậu quả là chứng khó thở và ợ nóng. Để giảm bớt sự khó chịu, mẹ hãy thử dùng gối khi ngủ và chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày.

Mẹ có thể sẽ bị đau lưng vùng thấp, nếu có, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc hộ sinh, nhất là khi mẹ chưa từng gặp phải triệu chứng tương tự trước đó, bởi vì đây rất có thể là dấu hiệu của việc chuyển dạ sinh non.

Nếu đau lưng không phải là một dấu hiệu của chuyển dạ sinh non, nguyên nhân có thể là do tử cung ngày một lớn, làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, suy yếu cơ bụng và gây áp lực lớn lên lưng. Trong khi đó, thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai khiến các khớp và dây chằng giữa xương chậu và cột sống giãn ra đáng kể. Điều này có thể mang đến những cơn đau khi mẹ đi bộ, đứng, ngồi trong thời gian dài, xoay người khi nằm, đứng lên từ một chiếc ghế thấp hay bồn tắm, cúi người hoặc nhặt một vật gì đó dưới đất.

Về chế độ dinh dưỡng, mẹ hãy nhớ rằng bé con đang cố gắng ‘vỗ béo’ trong giai đoạn nước rút của thai kỳ. Bởi vậy, mẹ cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé con bằng một chế độ hợp lý, cung cấp đủ các khoáng chất, protein và vitamin cho cơ thể.

Kiến thức cho mẹ: Chuyển dạ và sinh con

Dưới đây là những thắc mắc phổ biến của phụ nữ mang thai quanh chủ đề này:

Những dấu hiệu chuyển dạ là gì?

Khi những cơn co thắt của bạn ngày một nhiều hơn, mạnh hơn, có thể gây đau và đến sau mỗi 5 phút hoặc ngắn hơn là bạn đang có dấu hiệu chuẩn bị lâm bồn. Thông thường mỗi lần sẽ co thắt từ 10 – 20 giây nhưng một số sản phụ có thể có co thắt nhiều và liên tục hơn trong giai đoạn này.

Giai đoạn chuyển dạ thường kéo dài trong bao lâu?

Chuyển dạ được chia làm 3 giai đoạn là giai đoạn mở cổ tử cung (tương tự như một cánh cửa (cổ tử cung) mở ra để chuẩn bị em bé được đưa ra ngoài), giai đoạn sổ thai (là giai đoạn em bé đi qua cái cửa (cổ tử cung) đó để đi ra thế giới bên ngoài) và giai đoạn sổ nhau (toàn bộ bánh nhau được đưa ra ngoài qua cánh cửa đó). Thật khó để có thể xác định được khi nào giai đoạn chuyển dạ bắt đầu. Do đó, không hề dễ để nói chính xác giai đoạn (mở cổ tử cung) này thường kéo dài bao lâu. Thậm chí, sau khi sinh xong cũng chưa thể xác định được việc chuyển dạ kéo dài bao lâu. Thời lượng cho quá trình chuyển dạ rất đa dạng và phụ thuộc phần lớn vào độ mở cổ tử cung lúc bắt đầu lâm bồn và mức độ đều đặn cùng độ mạnh của các cơn co thắt và lần sinh này của bạn là con đầu lòng hay con rạ. Thông thường, thời gian chuyển dạ của người sinh con đầu lòng kéo dài hơn so với những mẹ bầu sinh lần 2,3…

Giai đoạn sinh con sẽ kéo dài bao lâu?

Giai đoạn sinh con mà các mẹ bầu hay nói đến là giai đoạn sổ thai. Đây là giai đoạn bà mẹ phải dùng toàn bộ sức lực của mình, rặn làm sao để thai nhi đi qua cổ tử cung (đã mở hết) và khung chậu của người mẹ. Toàn bộ giai đoạn này có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

Mẹ nên chuẩn bị gì khi sinh thường?

Bạn có thể tìm một bác sĩ hoặc y tá hướng dẫn sinh con để hướng dẫn bạn những cách thức thở và rặn khi sinh. Họ cũng giúp bạn hiểu thêm về những gì sẽ xảy ra trong quá trình chuyển dạ.

Nếu có kế hoạch sinh thường, cũng nên lưu ý rằng cho dù bạn chuẩn bị tốt như thế nào, tự tin như thế nào, sinh thường cũng có thể quá sức với bạn. Bạn có thể cần sự can thiệp của thuốc men khi không kiểm soát được cơn đau của mình một cách tự nhiên, hoặc quá trình chuyển dạ của bạn lâu hơn và đau hơn bạn tưởng.

Khi nào bạn nên sinh mổ?

Theo thống kê, khoảng 25-30% sản phụ Việt Nam sinh con theo phương pháp sinh mổ. Đa số trường hợp mổ sinh do các chỉ định về mặt y khoa như khung chậu mẹ hẹp, thai nhi quá to, bất tương xứng giữa khung chậu mẹ và thai nhi hoặc tư thế của thai nhi trong bụng mẹ bất thường như thai nhi nằm ngang hoặc nằm ngược (ngông mông)…

Việc mẹ cần làm khi mang thai 32 tuần

– Khám thai định kỳ tuần 32 – một trong những mốc khám thai quan trọng nhất.

– Mua sắm đồ sơ sinh cho con.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN:

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 31 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 31 tuần tuổi: Bé làm mẹ mất ngủ

Thai nhi 31 tuần phát triển ra sao?

Thai nhi 31 tuần tuổi có cân nặng khoảng hơn 1,5 kg và có chiều dài ước chừng 41cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Kích thước của em bé lúc này tương đương một quả dừa.

Thai nhi 31 tuần tuổi có thể quay đầu từ bên nọ sang bên kia trong khi các bộ phận như cánh tay, chân, và toàn cơ thể đang dần trở nên đầy đặn hơn. Em bé sẽ đá, đạp, nhào lộn khá nhiều lần trong ngày và có thể khiến mẹ mất ngủ. Song mẹ hãy vui mừng và cảm thấy thoải mái vì đây là những dấu hiệu cho thấy em bé đang phát triển hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Cuộc sống mẹ bầu 31 tuần thay đổi như thế nào?

Mẹ bầu có nhận thấy các cơ của tử cung mẹ đang siết chặt hơn không? Không ít bà bầu cảm thấy những cơn co thắt ngẫu nhiên trong nửa sau của thai kỳ. Những cơn co thắt này kéo dài khoảng 30 giây, diễn ra jkhông có tính chu kỳ đều đặn và không gây đau – được gọi là những cơn co thắt tử cung Braxton Hicks (cơn co thắt tử cung của chuyển dạ giả).

Tại thời điểm mang thai 30 tuần, những cơn co thắt tử cung của chuyển dạ giả sẽ không diễn ra thường xuyên và hầu như không làm mẹ đau đớn. Nếu chúng diễn ra ở mức độ thường xuyên – nhiều hơn 4 cơn co thắt trong vòng 1 giờ đồng – kể cả không gây đau đớn, mẹ bầu cũng nên cẩn trọng và thông báo cho bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn bởi đây cũng có khả năng là dấu hiệu của cơn co thắt tử cung của chuyển dạ thật sự. Mẹ bầu có thể bước vào một cuộc chuyển dạ thật sự và sinh non dù thai chưa đến ngày từ những cơn co thắt này.

Ngoài những cơn co thắt cơ tử cung, mẹ cũng nên chú ý một số dấu hiệu sinh non khác như việc ra dịch âm đạo nhiều hơn, bao gồm chất nhầy và máu, đau bụng hoặc co thắt giống như chu kỳ kinh nguyệt, tăng áp lực ở vùng chậu, hay đau lưng vùng thấp, đặc biệt nếu mẹ chưa từng gặp phải những triệu chứng này trước đây.

Mẹ bầu cũng có thể đã nhận thấy một ít sữa non rỉ ra từ bầu ngực của mình. Nếu có, mẹ bầu hãy đệm thêm miếng một miếng lót để tránh tình trạng sữa thấm ra áo. Nếu không thấy hiện tượng ra sữa non, bà bầu cũng không cần lo lắng. Bầu ngực của mẹ vẫn đang sản xuất ra sữa non kể cả khi mẹ không thấy chúng thấm ra bên ngoài. Nếu áo ngực hiện tại đã có phần chật hơn, mẹ nên chuyển sang mặc áo ngực cho con bú. Chọn một chiếc áo ngực lớn hơn ít nhất một cỡ so với cỡ áo hiện tại của mẹ để được thoải mái nhất.

Về chế độ dinh dưỡng, mẹ tiếp tục cần bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mẹ và cho sự phát triển của bé con trong bụng, điển hình là canxi. Canxi không chỉ cần thiết cho sự phát triển của răng và xương thai nhi mà còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa các vấn đề về xương như loãng xương.

Mẹ có thể tìm thấy một lương canxi dồi dào trong sữa dành cho bà bầu, phô mai, sữa chua hay các loại thủy hải sản và các loại thực vật như vừng, cà rốt hay đậu nành. Cùng với đó, bà bầu nhớ tiếp tục duy trì thói quen uống đủ và nhiều nước mỗi ngày, cùng với các loại nước ép hoa quả bổ dưỡng như nước cam tươi nguyên chất, nước dừa, các loại sinh tố…

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về phương pháp giảm đau sản khoa (gây tê ngoài màng cứng)

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau sản khoa được sử dụng phổ biến giúp mẹ bầu trải qua cuộc sinh đẻ mà không có cảm giác đau gì cả. Với phương pháp này, bà bầu sẽ nhận được một mũi tiêm thuốc tê vào cột sống vùng thắt lưng, từ đó làm mất cảm giác một vùng rộng lớn từ rốn xuống tận các ngón chân. Vì vậy, bà bầu vẫn hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được mọi chuyện xung quanh, chỉ trừ không cảm nhận được cơn đau đẻ đang “hoành hành”.

Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện như thế nào?

– Bà bầu có thể phải nằm nghiêng bên trái hoặc ngồi, cả hai tư thế đều yêu cầu bạn phải co người, cong lưng để bác sĩ có thể thấy rõ vùng cột sống và tiêm thuốc tê.

– Sau đó, bác sĩ sẽ sát trùng qua phần thắt lưng của bà bầu, sau đó tiêm thuốc tê để giảm cảm giác đau lúc đưa một dây truyền thuốc rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng quanh tủy sống.

Những ai không thể lựa chọn thủ thuật này?

Để thực hiện một ca gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ phải khám thật chi tiết cho bà bầu về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, cơn co thắt để tiên lượng xem liệu bạn có phù hợp với phương án đẻ không đau này hay không. Thông thường, mẹ bầu sẽ không được thực hiện phương án này với 6 nguyên nhân sau:

– Đã hoặc đang dùng thuốc chứa chất làm máu có thể chảy khó cầm máu.

– Chất lượng máu của bà bầu không đủ tiêu chuẩn do quá ít tiểu cầu hay một vài lý do khác.

– Chảy máu quá nhiều hoặc đang bị sốc không đạt điều kiện thích hợp cho thủ thuật đẻ không đau, bởi bà bầu rất dễ bị tụt huyết áp đột ngột.

– Viêm nhiễm ở vùng lưng nơi sẽ thực hiện thủ thuật cũng cản trở việc sử dụng phương pháp này.

– Chuyển dạ quá nhanh, cổ tử cung đã mở đủ để cuộc sinh xảy ra nhanh chóng.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 31 tuần

– Lên kế hoạch mua đồ sơ sinh

– Lên danh sách đồ mẹ cần mang theo khi đi đẻ

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book