Chuyên mục
Khoa Nhi

CHĂM SÓC RỐN SƠ SINH

Khi còn là bào thai trong bụng mẹ, sợi dây nối kết duy nhất giưã mẹ và con đồng thời cũng là con đường vận chuyển dưỡng khí và chất bổ dưỡng để nuôi sống thai nhi chính là dây rốn. Ở thai đủ tháng, dây rốn dài trung bình từ 50 đến 60 cm, đường kính khoảng 1,5 cm, màu trắng, mềm mại. Một đầu dây rốn gắn vào da bụng thai nhi ở vị trí sau này gọi là RỐN, một đầu gắn với bánh nhau. Khi có bất thường xảy ra với dây rốn như dây rốn bị chèn ép , bị thắt nút thì mạng sống cuả thai nhi bị đe dọa. Đặc biệt là trong lúc sanh và sau khi sanh, việc chăm sóc rốn cho trẻ cũng không kém phần quan trọng.

Chăm sóc rốn phải được thực hiện ngay sau khi trẻ sơ sinh rời khỏi mẹ cho đến lúc rụng rốn và lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn để phòng tránh uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh là một bệnh rất nặng thường dẫn đến tử vong . Dụng cụ kẹp và cắt rốn phải được tiệt trùng , không được dùng mảnh sành, mảnh chai, dao kéo sắc bẩn để cắt rốn .Tay người đỡ đẻ không rưả sạch hoặc dùng găng tay, băng gạc làm rốn không tiệt trùng cũng là nguyên nhân dẫn đến uốn ván rốn. Điều này thường xảy ra ở nông thôn, vùng sâu vùng xa do các bà mụ vườn thiếu kiến thức về sự vô trùng thực hiện. Vì thế tình trạng nhiễm trùng rốn là mối nguy cơ cao cho trẻ sơ sinh.

.

chamsoccuongron-1170x520

Cách chăm sóc rốn theo các qui tắc như sau :

+ Sau khi cắt rốn, người hộ sinh chấm cồn Iode 5% tại đầu cuống rốn , kế đó sẽ lau đoạn dây rốn còn lại và 3cm da bụng quanh rốn với dung dịch Povidin 10% .
+ Cột rốn bằng chỉ tiệt trùng hay kẹp đã sát trùng .
+ Gói cuống rốn bằng gạc vô trùng , đắp lên rốn một lớp gạc mỏng rồi băng ngoài với băng rốn bằng vải sạch . Khi xuất viện về nhà, bà mẹ làm rốn cho bé phải sử dụng các loại gạc làm rốn đã tiệt trùng cùng với các dung dịch sát trùng để chung trong một gói, có bán sẵn tại các hiệu thuốc.
+ Trong khi tắm bé, tránh làm ướt rốn. Thay băng rốn hằng ngày hoặc khi bất cứ khi nào băng bị ướt . Thông thường, cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 6-10 ngày. Nếu rốn bình thường thì lau cuống rốn bằng dung dịch Povidin 10% . Nếu rốn có mùi hôi, chậm rụng, ẩm ướt thì chỉ dùng cồn Iod, không rắc bột kháng sinh vào rốn. Nếu thấy có dấu hiệu loét quanh rốn thì rưả bằng nước muối sinh lý ngày 2 lần . Tốt nhất là đưa bé đến Bệnh viện hoặc Bác sĩ Nhi khoa để khám và điều trị.

+ Rốn mới rụng phải giữ khô sạch tới khi lên sẹo.
+ Nếu rốn đã rụng nhưng còn tổ chức u hạt màu đỏ, tiết dịch vàng thì phải đưa bé đế cơ sở Y tế để được chấm Nitrate bạc 5-10% vào u hạt hoặc đốt điện nếu u hạt lớn .
+ Trường hợp trẻ đẻ rơi, đẻ ở nhà thì phải chăm sóc rốn càng sớm càng tốt. Tại bệnh viện, nên tiêm bắp huyết thanh chống uốn ván (SAT 1500 đơn vị) cho trẻ. Đề phòng uốn ván rốn hữu hiệu nhất là tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ trong thời gian mang thai . Mũi thứ 1 cách mũi thứ 2 một tháng và mũi cuối phải cách ngày sanh ít nhất 2 tuần lễ thì mới đủ thời gian tạo kháng thể chống uốn ván trong cơ thể mẹ. Kháng thể này sẽ được truyền sang cho thai nhi.

Tóm lại, khi thấy bất kỳ một dấu hiệu viêm nhiễm ở rốn hay quanh vùng rốn sau đây thì các bà mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở Y tế để được khám và điều trị :

+ Rốn hôi, chảy nước vàng.
+ Rốn sưng đỏ, có mủ.
+ Rốn có u hạt to, rỉ máu, ướt.
+ Rốn không sạch và trẻ sốt, bỏ bú.

Sản phụ và gia đình phải được hướng dẫn cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh vì không phải chỉ vô trùng trong khi đỡ đẻ và cắt rốn với dụng cụ tiệt trùng là đủ mà sự chăm sóc rốn không đúng cách cũng là nguyên nhân làm nhiễm trùng rốn và dẫn đến uốn ván sơ sinh.

PGS.TS.Vũ Thị Nhung
Bệnh viện Hùng Vương

Để lại một bình luận