X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Archives

Khoét chóp Cổ tử cung là gì?

By on 20/08/2019

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) là phương pháp điều trị rất hiệu quả để xử lý những tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.

  1. Khoét chóp cổ tử cung là gì?

Khoét chóp cổ tử cung là thủ thuật cắt bỏ một phần hình nón của cổ tử cung để loại bỏ tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung. Khoét chóp cổ tử cung được chỉ định vì nhiều lý do khác nhau, thông thường là để chẩn đoán các biến đổi bất thường ở cổ tử cung hoặc điều trị thương tổn cổ tử cung khi kết quả của các thăm dò phụ khoa như: Soi cổ tử cung, liqui prep hoặc sinh thiết cho thấy tế bào của cổ tử cung không bình thường hoặc nghi ngờ.

Khoét chóp cổ tử cung là việc làm cần thiết để:

  • Theo dõi các xét nghiệm Pap’smear bất thường sau nhiều lần thực hiện
  • Chẩn đoán các tình trạng tiền ung thư ở cổ tử cung
  • Chẩn đoán ung thư cổ tử cung xâm lấn (ung thư phát triển vào các mô xung quanh hoặc lan rộng ra ngoài cổ tử cung)
  • Điều trị các tình trạng tiền ung thư cổ tử cung, ung thư biểu mô tại chỗ của ung thư cổ tử cung.
  1. Các bước tiến hành khoét chóp cổ tử cung

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (Loop Electrosurgical Excision Procedure – LEEP).

2.1.Chuẩn bị khoét chóp cổ tử cung

  • Thủ thuật được thực hiện sau khi sạch kinh, tránh gần khi hành kinh vì kinh nguyệt ảnh hưởng đến khu vực khoét chóp cổ tử cung. Điều này sẽ giúp bác sĩ dễ dàng lấy mẫu thử sạch hơn. Bạn cũng nên chắc chắn thảo luận về bất kỳ loại thuốc bạn đang dùng ví dụ như các thuốc nội tiết…với bác sĩ.
  • Không sử dụng viên đặt âm đạo, hoặc thụt rửa âm đạo ít nhất 24 giờ trước khi tiến hành thủ thuật. Bạn cũng nên tránh quan hệ tình dục trong thời gian này.
  • Thủ thuật này thường thực hiện trong khoảng 30 phút tại bệnh viện. Bạn có thể được gây gây tê tại chỗ trong suốt quá trình thực hiện hoặc mê toàn thân (ngủ và không đau) hoặc cho thuốc giảm đau nhẹ. Và bạn có thể về nhà sau khoảng thời gian trung bình 2 giờ. Tái khám sau 01 tuần. Lịch tái khám sẽ được hướng dẫn sau khi có kết quả giải phẫu bệnh lý.
  • Sau thủ thuật bác sĩ sẽ kê cho bạn đơn thuốc gồm kháng sinh và dung dịch vệ sinh, cùng với hướng dẫn chăm sóc tại nhà và tái khám.
  • Bạn có thể bị chảy máu nhẹ sau phẫu thuật, vì vậy bạn nên mang theo một số băng lót. Nhờ bạn bè hoặc người thân đưa bạn về nhà sau phẫu thuật, đặc biệt nếu bạn được gây mê toàn thân

2.2. Quy trình thực hiện

  • Sau khi đi vệ sinh.
  • Nằm trên bàn khám phụ khoa với hai chân được kê cao.
  • Bác sĩ sẽ sát trùng cơ quan sinh dục ngoài và đặt một dụng cụ (mỏ vịt) vào âm đạo để nhìn thấy cổ tử cung rõ hơn cùng với anh sáng của đèn khám.
  • Dùng vòng điện (LEEP) lấy một mẫu mô hình chóp nhỏ ra khỏi cổ tử cung. Với vòng điện có thể cầm máu vị trí vừa cắt, hoặc có thể dùng chùm laser để cầm máu. Trung bình thủ thuật này chỉ mất chừng vài phút.
  • Mẫu mô lấy ra được gửi đến phòng xét nghiệm mô bệnh học kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu ung thư (Chẩn đoán). Phương pháp này cũng là một điều trị nếu bác sĩ muốn loại bỏ tất cả các mô bệnh phát hiện từ trước.

Thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) điều trị ung thư cổ tử cung

Chú ý trong khi thực hiện LEEP:

  • Bạn cảm thấy đau nhói, sau đó đau âm ỉ hoặc thậm chí bị chuột rút.
  • Có khi muốn ngất đi trong quá trình thực hiện LEEP. Trong trường hợp đó, hãy thông báo với bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức.

2.3. Điều gì xảy ra sau khi thực hiện LEEP?

Sau khi hoàn thành thủ thuật khoét chóp cổ tử cung, những dấu hiệu sau đây có thể xuất hiện:

  • Rỉ ra dịch tiết lỏng, màu hồng nhạt
  • Bị chuột rút nhẹ
  • Tiết ra chất dịch màu nâu đen (từ việc bong sẹo trên cổ tử cung)

Để cổ tử cung của bạn lành lại, có thể mất đến 04 tuần. Trong quá trình cổ tử cung lành lại, bạn không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo, chẳng hạn như tampon hoặc thụt rửa âm đạo. Ngoài ra, bạn không nên giao hợp trong suốt giai đoạn hồi phục vết thương. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về thời điểm an toàn để làm “chuyện ấy” trở lại.

Lưu ý, bạn nên đến bệnh viện ngay khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Ra máu nhiều (nhiều hơn kinh nguyệt bình thường của bạn)
  • Ra máu có xuất hiện cục máu đông
  • Đau bụng nghiêm trọng.

2.4. Các biến chứng sau LEEP

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng tại chỗ
  • Trong một số ít trường hợp, cổ tử cung bị chít hẹp sau thủ thuật LEEP. Và có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt (Bế kinh), ảnh hưởng đến chu kỳ kinh của phụ nữ.
  • Về lâu dài, khi mang thai trở lại có thể bị hở eo cổ tử cung gây sinh non, chuyển dạ sớm..

Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng, bệnh nhân cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn khi theo dõi và chăm sóc bản thân sau khi làm LEEP. Điều này cũng giúp vết thương ở cổ tử cung nhanh chóng hồi phục và hạn chế những ảnh hưởng về sau.

Chảy máu hoặc nhiễm trùng là những biến chứng có thể gặp sau khi làm phẫu thuật LEEP

  1. Tái khám sau khi khoét chóp cổ tử cung

Sau khi làm thủ thuật, bạn sẽ phải đến gặp bác sĩ sau 01 tuần và nếu bình thường sẽ khám phụ khoa định kỳ mỗi 06 tháng. Bạn sẽ được thực hiện lại các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để chắc chắn rằng tất cả các tế bào bất thường đã biến mất hoàn toàn và đảm bảo không quay trở lại. Nếu vẫn tiếp tục phát hiện ra các mô cổ tử cung bất thường, bệnh nhân có khả năng phải điều trị tích cực hơn nữa.

Ung thư cổ tử cung đang là bệnh lý rất phổ biến trong các bệnh lý về phụ khoa. Tuy nhiên hiện nay đã có phương pháp khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP), bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm với ưu điểm dễ sử dụng, chi phí thấp, cầm máu tốt và đặc biệt là khả năng loại bỏ các tế bào ung thư cổ tử cung rất hiệu quả.

Mời các bạn xem Video mẫu mô sau khoét chóp tại đây:

https://youtu.be/W6kRu-anvlY

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Healthcare

Đăng ký khám và tư vấn:

Book

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

By on 31/07/2019

Tiêm uốn ván cho bà bầu

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt nguy hiểm đối với bà bầu và trẻ sơ sinh (95% trẻ sơ sinh mắc uốn ván bị tử vong). Do đó, tất cả phụ nữ mang thai cần phải được chích ngừa vắc xin để phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và bé đã nằm trong quy định được ban hành bởi Bộ Y tế Việt Nam.

Vì sao cần tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?

Uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong rất cao do độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani của uốn ván có khả năng gây hại rất mạnh. Loại trực khuẩn này có mặt ở khắp mọi nơi, khả năng sinh sôi và tồn tại của nó rất mạnh, ngay cả việc đun sôi ở thời gian dài cũng không tiêu diệt triệt để được.

Đặc biệt, khi mắc uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao (> 90%). Nếu trẻ sơ sinh mắc này thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 95%. Và đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh là những người có vết thương hở ngoài da, phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh…

Chính vì vậy, tiêm vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu là việc làm cực kỳ quan trọng. Vắc xin sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của chị em tránh được tác nhân gây hại bên ngoài, nhất là khi chuyển dạ có thể ngăn chặn trực khuẩn uốn ván tấn công cả mẹ và con.

Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Đồng thời kháng thể này có thể được truyền sang cơ thể thai nhi giúp hạn chế tối đa việc bị uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh.

Tổng số lần tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) là 5 mũi, trong đó  tiêm phòng uốn ván cho bà bầu lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản. Cụ thể, lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu vào các khoảng thời gian sau:

– Với người chưa tiêm phòng uốn ván lần nào: tiêm mũi đầu khi phát hiện thai nghén bất kỳ ở tháng nào; tiếp theo tiêm mũi thứ hai sau mũi tiêm đầu ít nhất một tháng và phải cách thời gian dự kiến đẻ ít nhất 1 tháng.

– Với những người đã tiêm đủ 2 mũi, nếu:

 Lần tiêm trước trước < 5 năm: tiêm 1 mũi.

 Lần tiêm trước trước > 5 năm: tiêm 2 mũi.

– Với người đã tiêm ba mũi hoặc bốn mũi, cần tiêm nhắc lại một mũi.

– Với người đã tiêm đủ năm mũi phòng uốn ván theo đúng lịch, nếu mũi tiêm cuối cùng cách đã 10 năm trở lên thì nên tiêm thêm một mũi nhắc lại.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu ở đâu?

Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có thể thực hiện ở các địa điểm:

–          Trung tâm Y tế dự phòng/Trạm Y tế các xã, phường, quận, huyện

–          Các Bệnh viện sản/Bệnh viện đa khoa

–          Các Trung tâm tiêm chủng

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin, mẹ bầu nên lựa chọn các cơ sở uy tín, được chứng nhận của Bộ Y tế về tiêm chủng.

Giá tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Có nhiều loại vắc xin phòng ngừa uốn ván, bao gồm vắc xin đơn giá (vắc xin chỉ phòng 1 bệnh duy nhất) và các vắc xin kết hợp có chứa thành phần uốn ván. Với bà bầu, vắc xin được sử dụng thường là vắc xin đơn giá. Giá tiêm phòng cũng sẽ có sự khác nhau phụ thuộc vào loại vắc xin.

Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu

– Tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu, có thể gây buốt, phồng ở nơi tiêm hoặc sốt nhẹ sau khi về nhà. Theo các chuyên gia y tế, đây chỉ là một phản ứng hết sức bình thường khi vắc xin vào cơ thể, các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Tình trạng này sẽ tự động khỏi sau một thời gian (3-4 ngày), không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân và thai nhi.

– 3 tháng đầu thai kỳ phụ nữ thường mệt mỏi và hay bị ốm nghén, vì vậy việc tiêm phòng uốn ván thường thực hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ. Và mũi 2 phải bảo đảm được tiêm trước khi sinh ít nhất một tháng.

– Trong một số trường hợp, các mẹ bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc xin uốn ván như: bản thân bị các bệnh khớp, thận, cúm, mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non…

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (cơ sở 2)

Giám đốc Chuyên môn Phòng Khám Hoàng Gia

Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM

 

KHÁM VÀ TƯ VẤN

Book

Đau dạ dày khi mang thai

By on 31/07/2019

Đau dạ dày khi mang thai

Trong thai kỳ, không ít mẹ bầu lo lắng, căng thẳng dẫn đến chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ dẫn đến các bệnh tiêu hóa, trong đó có đau dạ dày khi mang thai.

Nguyên nhân bà bầu đau dạ dày khi mang thai

Nguyên nhân khiến mẹ bầu hay bị đau dạ dày khi mang thai là do:

– Ốm nghén hoặc do suy nghĩ lo lắng, căng thẳng quá mức.

– Khi thai nhi ngày càng phát triển lớn hơn về kích thước và cân nặng, tử cung chứa thai nhi cũng lớn dần lên. Từ tháng thứ 7-8 của thai kỳ, dạ dày có thể bị chèn ép của tử cung. Lúc này, thức ăn xuống dạ dày lúc này sẽ bị ứ đọng lại, khó tiêu hóa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niêm mạc dạ dày.

– Khi mang thai, nhiều mẹ bầu hay có sở thích ăn các thức ăn chua như xoài, mận, mơ… Những loại thực phẩm chua lại chứa nhiều acid nên sẽ góp phần gây đau dạ dày.

– Một số mẹ bầu có tiền sử bệnh lý dạ dày có sẵn. Khi mang thai, những rối loạn tiêu hóa do tình trạng nghén nhiều góp phần đưa tình trạng đau dạ dày tiến triển nặng thêm

Dấu hiệu nào cho thấy bà bầu bị đau dạ dày khi mang thai?

Nếu như phụ nữ mang thai ốm nghén có các triệu chứng buồn nôn, đầy bụng khó tiêu thì bà bầu bị đau dạ dày cũng có các dấu hiệu tương tự.

Tuy nhiên, bà bầu đau dạ dày còn có kèm theo các biểu hiện như: Ợ chua, đau hoặc nóng rát ở vùng thượng vị, đau nặng ở phần giữa hoặc phần trên bụng khi quá đói hoặc quá no, sút cân, kém ăn.

Bà bầu đau dạ dày có bị ảnh hưởng gì không?

Các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, nóng thượng vị, đau râm ran vùng bụng làm tác động trực tiếp đến sinh hoạt của mẹ bầu.

Bà bầu bị đau dạ dày sẽ có cảm giác khó chịu khi ăn, ăn không ngon miệng, khó tiêu, buồn nôn.

Đau dạy dày khiến bà bầu cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, căng thẳng không muốn tập trung vào việc gì.

Dạ dày bị đau khiến mẹ bầu không thể ăn uống đầy đủ chế độ dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và dinh dưỡng của cả mẹ và bé.

Bị đau dạ dày bà bầu có nên uống thuốc không?

Thuốc chữa đau dạ dày có thể sẽ gây ra tác dụng phụ, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, chính vì vậy khi mang thai mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc giảm đau dạ dày.

Khi mang thai ba tháng đầu thai kỳ, các cơ quan như tim, thần kinh trung ương, tay, chân… của thai nhi hình thành, nên việc sử dụng một số thuốc chữa đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu phải thật thận trọng và phải được hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Một số thuốc có thể gây ra dị tật, quái thai.

Ba tháng giữa thai kỳ, mặc dù là giai đoạn này thai ít nhạy cảm với thuốc. Tuy nhiên vẫn có những bộ phận tiếp tục biệt hóa như hệ thần kinh và cơ quan sinh dục bên ngoài nên thuốc có thể gây hại cho các bộ phận này. Vì vậy, đau dạ dày khi mang thai 3 tháng giữa, khi cần sử dụng thuốc, phải được sự hướng dẫn và tư vấn kỹ của các bác sĩ chuyên khoa.

Đối với thai nhi ba tháng cuối, đây là giai đoạn các bộ phận của thai đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện như gan chưa làm tốt chức năng chuyển hóa, thận chưa hoàn thiện chức năng đào thải nên giai đoạn này thuốc cũng gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong một số trường hợp, nếu bắt buộc phải dùng thuốc thì mẹ bầu không nên tùy tiện mua về sử dụng mà phải được sự đồng ý và kê đơn của bác sĩ.

Cách chữa đau dạ dày khi mang thai

Nghỉ ngơi và thư giãn

Đây là một trong những điều mà bà bầu nên áp dụng để hạn chế tình trạng đau dạ dày khi mang thai. Mẹ bầu hãy sắp xếp công việc hợp lý, hạn chế làm việc quá sức khiến dạ dày hoạt động nhiều và gia tăng áp lực cho dạ dày.

Mẹ bầu cần chú ý nghỉ ngơi sau khi nạp năng lượng để dạ dày có thời gian chuyển hóa thức ăn, hạn chế được tình trạng trào ngược dạ dày.

Bà bầu ngủ đủ 8 tiếng để cơ thể đủ năng lượng hồi phục cho ngày hôm sau, khi ngủ bà bầu nên nằm kê cao đầu, tránh cúi thấp hoặc gập người. Không nghỉ ngơi và không có cảm giác thư giãn đầy đủ sẽ khiến cơ thể mẹ bầu càng thêm mệt mỏi, uể oải.

Chế độ ăn hợp lý

Khi mang thai, bà bầu cần chọn thức ăn mềm, tăng cường ăn thức ăn đa dạng như trứng, sữa… không những giàu dinh dưỡng mà còn tốt cho bệnh đau dạ dày. Cụ thể những loại thực phẩm này có khả năng trung hòa acid, hạn chế tiết nhiều acid, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày hiệu quả hơn.

Khi ăn, phụ nữ mang thai nên ăn từ tốn, chậm, không ăn quá nhanh hay quá no, vì cách ăn này chỉ làm dạ dày sản sinh thêm nhiều acid và khó chịu hơn. Nên nhai kỹ, nuốt chậm, ăn thành nhiều bữa nhằm tăng sự bài tiết của nước bọt, giảm acid và bão hòa acid trong dạ dày.

Bà bầu tránh những món ăn làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn, chẳng hạn như: Thực phẩm giàu chất béo, chocolate, nước ép trái cây họ cam quýt, caffeine… Tuyệt đối không ăn thực phẩm còn sống, lạnh, ôi thiu.

Nếu không muốn tình trạng đau dạ dày trở nên nặng nề hơn, bà bầu không được để bụng quá đói, bởi lúc đói acid tăng cao khiến thượng vị đau sẽ trở nên đau hơn.

Tránh uống rượu bia và khói thuốc lá

Rượu bia vốn gây hại rất lớn cho thai nhi và có thể gây dị tật thai nhi. Nếu bà bầu bị viêm loét dạ dày thì việc dừng uống rượu là một điều cấp thiết hơn nữa, đồ uống có cồn sẽ làm tình trạng của hệ tiêu hóa chuyển biến xấu.

Có một điều ai cũng biết, đó là khói thuốc lá gây hại cho phổi và thai nhi đang phát triển.

Vận động đúng cách

Sau khi ăn bà bầu nên hạn chế vận động mạnh vì lúc này dạ dày đang làm việc. Nếu vận động thì máu sẽ ít lưu thông vào dạ dày hơn, hạn chế hoạt động của dạ dày, gây đầy bụng, nên tốt nhất là mẹ bầu chỉ vận động sau khi ăn từ 2 đến 3 giờ.

Thường xuyên áp dụng các bài tập nhẹ nhàng, đi bộ, yoga cho bà bầu… để tăng cường sức đề kháng, làm cho tinh thần thoải mái hơn.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

Book

Khám sức khỏe tiền hôn nhân Nam- Nữ

By on 20/07/2019
  • Mục đích của khám sức khỏe tiền hôn nhân:
    • Khám và tư vấn khả năng sinh sản, tình dục, sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sàng lọc các bệnh lý về di truyền, tư vấn các biện pháp sinh sản, tránh thai (nếu cần) cho các cặp trước khi lập gia đình.
    • Phát hiện sớm nguyên nhân có thể dẫn tới vô sinh, hiếm muộn
    • Tư vấn thời điểm sinh con phù hợp nhất và các biện pháp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh thông minh cho các cặp vợ chồng.
  • Đối tượng sử dụng:Các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn
  • Lưu ý:
    • Với khách hàng nữ chưa quan hệ tình dục, cần nhịn tiểu trước siêu âm (Thực hiện siêu âm qua đường bụng)

Gói khám tiền hôn nhân gồm:

Nam:

  • Khám nam khoa
  • Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser), xét ngiệm HBsAg miễn dịch tự động, xét nghiệm HIV Ab test nhanh, xét nghiệm Treponema pallidum test nhanh
  • Xét Nghiệm Tinh Dịch Đồ

Nữ:

  • Khám tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
  • Siêu âm tử cung buồng trứng qua đường âm đạo (hỗ trợ sinh sản)
  • Siêu âm tuyến vú
  • Thực hiện các xét nghiệm như Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser), xét ngiệm HBsAg miễn dịch tự động, xét nghiệm HIV Ab test nhanh, xét nghiệm Treponema pallidum test nhanh(cả Nam và Nữ)
  • Đánh giá dự trữ buồng trứng qua xét nghiệm AMH

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM

Gíam đốc Chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia

Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM

ĐẶT LỊCH KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI ĐÂY:

Book

Những điều cần biết khi thai được 40 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 40 tuần tuổi: Sẵn sàng đón con chào đời

Sau bao ngày tháng đợi chờ, cuối cùng ngày mẹ đón em bé chào đời cũng đã đến gần. Tuần 40 hay tuần 41 của thai kỳ chính là thời điểm “chín muồi” nhất để bé đến với thế giới. Vậy ở trong 2 tuần này, thai nhi và cơ thể mẹ bầu có những sự thay đổi như thế nào trước khi bước sang một hành trình mới – hành trình chăm sóc, nuôi dạy con?

Thai nhi 40 tuần, 41 tuần tuổi phát triển ra sao?

Ở thời điểm này, bé thường có cân nặng khoảng 3,3-3,6kg (bằng khoảng một quả bí ngô) và dài 51-52cm. Xương sọ của bé vẫn chưa khít lại mà có thể vẫn có khe hở, chính vì thế mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy bé sinh ra lại có đỉnh đầu méo và hơi giống hình chóp. Nhưng mẹ hãy yên tâm đây chỉ là một hiện tượng bình thường và  mang tính chất tạm thời.

Khi thai nhi bước sang tuần 40, 41 của thai kỳ mà vẫn “gan lì” chưa chịu ra và mẹ cũng không hề có dấu hiệu trở dạ nào thì để đảm bảo an toàn, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kích sinh. Hầu hết các bác sĩ sẽ không để mẹ sinh sau ngày dự sinh quá 2 tuần (thai nhi 42 tuần tuổi) vì điều này có thể khiến cả mẹ và con gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Cuộc sống mẹ bầu 40, 41 tuần thay đổi như thế nào?

Sau bao nhiều ngày tháng mong chờ, ngày dự sinh của bạn sắp đến nhưng kì lạ là bạn vẫn chẳng có dấu hiệu gì cho thấy mình chuẩn bị “lâm bồn”. Chắc chắn bạn sẽ rất sốt ruột và đan xen vào đó là một chút lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên nếu mọi chỉ số mang thai của bạn đều tốt, thai vẫn cử động đều, siêu âm nước ối bình thường, biểu đồ theo dõi nhịp tim thai trên máy (CTG) bình thường thì không cẩn phải quá hoang mang bởi đôi khi việc sinh khi thai quá ngày dự sinh cũng là một hiện tượng bình thường, thậm chí là phổ biến.

Nếu ngày dự sinh của bạn chỉ được tính dựa trên cơ sở kì kinh cuối cùng thì kết quả chưa hẳn đã chính xác. Thậm chí khi ngày dự sinh được tính toán cẩn thận thì vẫn có rất nhiều trường hợp kéo dài thời gian mang thai mà không rõ lí do.

Để chắc chắn biết rằng em bé vẫn phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ, bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm và kiểm tra xem bạn có nên tiếp tục dưỡng thai trong tử cung cho đến ngày trở dạ tự nhiên hay không.

Bác sĩ sẽ siêu âm để kiểm tra các cử động của bé, chuyển động của cơ ngực và cơ hoành, bé xòe hay nắm bàn tay… Đặc biệt bác sĩ cần xác định xem lượng nước ối bao quanh bé bởi nó phản ánh sự hỗ trợ của nhau thai tới sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ theo dõi nhịp tim thai nhi và kiểm tra cổ tử cung của mẹ bầu nhằm xác định xem nó đã về vị trí “sẵn sàng” hoặc có đủ độ mềm, độ giãn nở hay chưa để “vượt cạn”.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy thai nhi có vấn đề không ổn, chẳng hạn như lượng nước ối quá thấp, cử động thai quá ít, nhịp tim thai trên biểu đồ theo dõi Monitor bất thường thì bác sĩ sẽ có sự can thiệp bằng việc khởi phát chuyển dạ (kích sinh). Tuy nhiên nếu tình trạng nghiêm trọng, bạn sẽ được chỉ định sinh mổ ngay lập tức.

Kiến thức cho mẹ: Phương pháp kích thích sinh nở

Nếu đã quá ngày dự sinh và thai đã “già” mà mẹ bầu vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ thì các bác sĩ có thể sử dụng một số kĩ thuật và thuốc để giúp mẹ có những cơn co thắt.

Hành động kích sinh (khởi phát chuyển dạ) thường được các bác sĩ thực hiện cho trường hợp thai nhi bị nguy hiểm khi tiếp tục phát triển trong tử cung hoặc nếu mẹ không hề có dấu hiệu chuyển dạ khi ngày dự sinh đã quá khoảng 1 đến 2 tuần. Đặc biệt vào khoảng tuần 42, nhau thai có thể trở nên kém hiệu quả trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi và dẫn đến nguy cơ biến chứng cho thai nhi là rất cao.

Vậy bác sĩ sẽ tiến hành kích sinh như thế nào?

Có nhiều phương pháp kích sinh khác nhau và việc lựa chọn cách thức nào phụ thuộc vào thể trạng cơ thể cũng như cổ tử cung của mẹ.

Nếu cổ tử cung của bạn chưa mềm và dãn nở thì bác sĩ sẽ kích sinh bằng cách tiêm thuốc có chứa prostaglandin vào âm đạo của bạn. Loại thuốc này có tác dụng kích thích cổ tử cung giãn nở và gây ra những cơn co thắt chuyển dạ.

Nếu các loại thuốc prostaglandin không phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ dùng tới một loại thuốc khác có tên gọi là Oxytocin để kích thích các cơn co thắt. Nếu những phương pháp không hiệu quả, bạn có thể phải sinh mổ.

Một số hình thức kích sinh (khởi phát chuyển dạ) khác

– Kích thích núm vú:

Kích thích núm vú của bạn để giải phóng oxytocin, từ đó giúp bạn bắt đầu có những dấu hiệu chuyển dạ.

– Lóc ối (tách màng ối):

Bác sĩ chuyên khoa Phụ sản sẽ sử dụng đầu ngón tay để bóc tách màng ối ra khỏi thành tử cung. Động tác này giúp cơ thể tự sản xuất prostaglandin, gây khởi phát chuyển dạ. Thủ thuật này có thể gây khó chịu nhẹ cho mẹ bầu nhưng có thể xem là phương pháp an toàn nhất trong các phương pháp khởi phát chuyển dạ. Tuy nhiên, các mẹ bầu cần nhớ rằng không phải tất cả các trường hợp đều vào chuyển dạ sau khi được bác sĩ lóc ối nhé. Bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng cổ tử cung sau đó và có thể lóc ối thêm hoặc kết hợp với một số phương pháp khởi phát chuyển dạ (kích sinh) khác nếu bạn chưa vào chuyển dạ thật sự..

Các mẹ bầu không nên tự ý thực hiện các phương pháp kích sinh tại nhà qua các hướng dẫn trên mạng internet hoặc qua những lời truyền miệng thiếu chứng cứ khoa học. Không có một phương pháp kích sinh (khởi phát chuyển dạ) nào được xem là an toàn tuyệt đối. Thời gian được gặp con sắp đến rồi vì thế ở thời điểm này mọi hành động của mẹ cần phải có sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 40-41 tuần

  • Chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ: Tham khảo chế độ ăn uống, cách kích sữa, cách đối mặt với những vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ…
  • Đọc sách về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Chọn bác sĩ đỡ sinh.
  • Gọi cho bác sĩ theo dõi thai kỳ cho bạn hoặc đến bệnh viện khi nhận ra bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào.
  • Chọn nơi sinh là các bệnh viên phụ sản uy tín trong TP HCM, phù hợp với nơi ở của mẹ bầu, tình trạng thai kỳ của bạn, điều kiện kinh tế của bạn, có được cơ quan bảo hiểm y tế (mà bạn đăng ký) chấp nhận thanh toán hay không. Các lựa chọn như bệnh viện công lập tại TP HCM như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược; các bệnh viện tư nhân và quốc tế khác tại TP HCM như quốc tế Mỹ (AIH), Hạnh Phúc, Vinmec, An Sinh, FV…
  • Lên kế hoạch sắm đồ sơ sinh cho con

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

  1. TRƯỞNG KHOA PHỤ SẢN- BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP. HCM (CƠ SỞ 2)

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN

Book