X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Archives

UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

By on 19/04/2016

Ung thư buồng trứng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do các bệnh lý ác tính tại các nước phát triển. Đây là loại ung thư gây tử vong đứng hàng thứ 4 tại Anh và thứ 5 tại Mỹ. Tại châu Á, ung thư buồng trứng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ 5 tại Singapore và thứ 6 tại Hồng Kông. Triệu chứng thường mơ hồ như khó chịu hoặc chướng bụng, vì vậy hầu hết các trường hợp được phát hiện khi bệnh đã tiến triển. Việc chẩn đoán muộn có thể là nguyên nhân chính góp phần làm cho tiên lượng chung xấu. Tỷ lệ sống sau 5 năm nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn I là 85% và giảm hẳn xuống 15-30% nếu phát hiện ở giai đoạn III và IV. Do đó, tầm soát ung thư buồng trứng được đề ra nhằm chẩn đoán sớm bệnh và cải thiện kết cục chung. Chúng ta sẽ bàn tới:

  1. Những khó khăn gặp phải khi tầm soát ung thư buồng trứng
  2. Phương pháp tầm soát
  3. Dữ liệu cập nhật từ các thử nghiệm ngẫu nhiên
  4. Hướng đi trong tương lai

KHÓ KHĂN TRONG TẦM SOÁT UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

Mặc dù ung thư buồng trứng là căn bệnh đáp ứng các tiêu chí có thể áp dụng tầm soát của Tổ chức Y tế thế giới, tuy nhiên vẫn có một số vấn đề khó khăn. Không giống như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng dường như thuộc một dạng ung thư khác, không có những tổn thương tiền ung và tỷ lệ tiến triển cũng rất khác biệt. Điều này gây khó khăn cho việc tìm kiếm một biện pháp sàng lọc hiệu quả để phát hiện sớm bệnh và cải thiện tỷ lệ sống.

Bên cạnh đó, không giống như sàng lọc ung thư cổ tử cung trong đó các trường hợp phết tế bào nghi ngờ có thể được đánh giá lại sau đó bằng khoét chóp và sinh thiết; và các tổn thương tiền ung thư, như tân sinh trong biểu mô cổ tử cung có thể được điều trị bằng một thủ thuật nhỏ như khoét chóp lấy đi vùng chuyển tiếp, trong khi đó, một trường hợp nghi ngờ ung thư buồng trứng qua sàng lọc có thể sẽ dẫn tới những can thiệp xâm lấn như nội soi chẩn đoán và chỉ định cắt phần phụ 2 bên với những nguy cơ phẫu thuật tiềm ẩn. Vì vậy, phải tìm kiếm một phương pháp sàng lọc có độ đặc hiệu cao. Một biện pháp sàng lọc với độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 99,6% vẫn dẫn đến việc phẫu thuật không cần thiết cho 10 phụ nữ trên mỗi trường hợp ung thư thực sự được phát hiện.

buong-trung-1808-1399912921

CÁC PHƯƠNG PHÁP SÀNG LỌC CÓ THỂ ÁP DỤNG

CA 125

Bất kể những khó khăn kể trên, người ta vẫn đang nghiên cứu các phương pháp sàng lọc ung thư buồng trứng suốt 10-15 năm qua. Hầu hết các biện pháp sàng lọc bao gồm định lượng CA 125 huyết thanh và/hoặc siêu âm ngả âm đạo để đánh giá buồng trứng. CA 125 là kháng nguyên trên một loại glycoprotein trọng lượng phân tử cao nhận dạng bởi kháng thể đơn dòng OC 125, được sản xuất ra để chống lại các tế bào ung thư tuyến bọc dịch trong. Nó được biểu hiện trên các mô có nguồn gốc ngoại bì phôi (coelomic epithelium). Ngoài ung thư buồng trứng, CA 125 cũng được biểu hiện trên tế bào có nguồn gốc trung bì phôi như phúc mạc, màng ngoài tim và màng phổi. CA 125 tăng lên ở 80% trường hợp ung thư buồng trứng tiến triển nhưng chỉ tăng lên trong 50% trường hợp ung thư sớm. Vì CA 125 cũng biểu hiện trên các mô khác có nguồn gốc ngoại bì phôi, chất chỉ thị này cũng tăng lên trong các bệnh lý phụ khoa lành tính hoặc các bệnh lý không phải phụ khoa ngoài lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung như viêm phúc mạc và viêm ruột thừa. Do đó, chỉ sử dụng CA 125 đơn độc sẽ không đủ độ nhạy và độ đặc hiệu. Nên đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng theo CA 125 với thuật toán cụ thể đánh giá theo tiến triển bệnh và độ tuổi hơn là chỉ dùng một chỉ số cut-off đơn độc.

Siêu âm qua ngả âm đạo

Siêu âm ngả âm đạo đơn độc bị hạn chế bởi khả năng tiên đoán dương thấp. Siêu âm có thể phát hiện bất thường kích thước và hình dạng buồng trứng nhưng không phân biệt được tổn thương lành tính hay ác tính. Người ta thấy rằng siêu âm ngả âm đạo có độ nhạy cao hơn nhưng độ đặc hiệu thấp hơn CA 125. Giá trị tiên đoán dương chỉ là 9,3% trong 14.469 phụ nữ không triệu chứng trên 50 tuổi. Nhược điểm này có thể cải thiện bằng siêu âm Doppler và đo đầy đủ các chỉ số về hình dạng buồng trứng, nhưng kết quả còn thay đổi nhiều tùy thuộc vào người thực hiện siêu âm.

Siêu âm ngả âm đạo kết hợp CA 125

Kết hợp siêu âm ngả âm đạo và CA 125 có thể cải thiện kết quả so với thực hiện đơn độc từng phương pháp. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng kết hợp CA 125 cut-off 30 U/ml và siêu âm ngả âm đạo được công bố năm 1999. Có tổng cộng 21.935 phụ nữ mãn kinh được phân bố ngẫu nhiên vào 2 nhóm: nhóm được thực hiện tầm soát 3 lần trong 3 năm bằng CA 125 và siêu âm ngả âm đạo nếu có sự gia tăng CA 125 và nhóm chứng không thực hiện tầm soát. Các phụ nữ này được theo dõi trong 7 năm. Có 16 trường hợp ung thư buồng trứng ở nhóm được tầm soát và 20 trường hợp ở nhóm không tầm soát. Thời gian sống trung bình ở nhóm được tầm soát cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng (73 tháng so với 42 tháng; P = 0,011). Tuy nhiên thử nghiệm này chưa đủ mạnh để cho thấy sự khác biệt trong tỷ lệ tử vong. Thử nghiệm này tạo cơ sở cho những thử nghiệm ngẫu nhiên lớn hơn tiếp theo.

 CẬP NHẬT DỮ LIỆU TỪ CÁC THỬ NGHIỆM NGẪU NHIÊN LỚN

Trong một thử nghiệm sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến, phổi, đại trực tràng và buồng trứng từ năm 1993 đến 2001, có 34.261 đối tượng nghiên cứu là phụ nữ từ 10 trung tâm sàng lọc tại Mỹ được chọn ngẫu nhiên vào nhóm sàng lọc và nhóm chứng. Nhóm sàng lọc được xét nghiệm CA 125 và siêu âm ngả âm đạo mỗi năm trong 4 năm cộng thêm 2 năm được xét nghiệm đơn thuần CA 125 (mà không có siêu âm ngả âm đạo). Kết quả được công bố năm 2009. Có tổng cộng 89 trường hợp ung thư buồng trứng xâm lấn hoặc di căn vào phúc mạc được chẩn đoán, trong đó 60 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc. Nhìn chung có 19,5 phẫu thuật được tiến hành trên mỗi trường hợp ung thư được phát hiện; và mặc dù được sàng lọc, 72% các trường hợp ung thư được phát hiện vẫn ở giai đoạn muộn (III/IV). Dữ liệu tử vong còn đang được cập nhật. Siêu âm qua ngả âm đạo dẫn đến nhiều trường hợp can thiệp phẫu thuật không cần thiết nhưng lại giúp phát hiện được nhiều trường hợp ở giai đoạn sớm.

Một thử nghiệm tại Nhật trên phụ nữ mãn kinh không có triệu chứng cũng cho thấy tỷ lệ phẫu thuật cao. Trong nghiên cứu này, các phụ nữ được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: nhóm có sàng lọc (n=41.688) và nhóm chứng (n=40.799) và được theo dõi trong 9,2 năm. Sàng lọc bao gồm siêu âm vùng chậu và xét nghiệm CA 125 huyết thanh hàng năm. Kết quả cho thấy có 33 phẫu thuật được thực hiện để phát hiện 1 trường hợp ung thư. Tỷ lệ ung thư buồng trứng giai đoạn sớm cao hơn trong nhóm được sàng lọc so với nhóm chứng (63% so với 38%) nhưng đủ ý nghĩa thống kê. Và một lần nữa, dữ liệu tử vong chưa được báo cáo.

Thử nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng của Anh (UKCTOCS) là thử nghiệm ngẫu nhiên lớn nhất được cập nhật. Từ năm 2001 đến 2005, 202.638 phụ nữ mãn kinh được chia ngẫu nhiên vào 3 nhóm: nhóm chứng không được tầm soát (n=101.359), nhóm được tầm soát bằng siêu âm ngả âm đạo (n=50.639) và nhóm được tầm soát mỗi năm bằng CA 125 và sau đó bằng siêu âm ngả âm đạo (n=50.640). Kết quả phân tích của 2 nhóm sau được công bố năm 2009. Không có khác biệt có ý nghĩa về độ nhạy giữa 2 nhóm (89,5% và 75%) nhưng độ đặc hiệu thì có khác biệt có ý nghĩa (99,8% và 98,2%). Có 2,9 cuộc phẫu thuật được thực hiện trên mỗi trường hợp được phát hiện trong nhóm được sàng lọc bằng CA 125 và siêu âm so với 35,3 cuộc phẫu thuật trong nhóm chỉ được sàng lọc bằng siêu âm. 50% trường hợp ung thư được phát hiện là ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng là liệu biện pháp sàng lọc như vậy có tác động gì trên tử suất hay không. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta vẫn phải chờ đợi đến khi thu thập đủ dữ liệu về tử suất ở nhóm chứng khi nghiên cứu kết thúc vào tháng 12 năm 2014.

UBT2

HƯỚNG PHÁT TRIỂN TƯƠNG LAI

Nhắm vào quần thể nguy cơ cao

Phụ nữ có tiền căn gia đình hay có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng về mặt di truyền là những người có nguy cơ cao và có thể nhận được nhiều lợi ích từ chương trình tầm soát tích cực. Phụ nữ có 1 người thân trong gia đình mắc ung thư buồng trứng có nguy cơ tương đối mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 3,1 lần (khoảng tin cậy 95%, 2,2 – 4,4); nếu có 2 đến 3 người thân mắc ung thư buồng trứng, nguy cơ này tăng gấp 4,6 lần (độ tin cậy 95%, 1,1 – 18,4). Phụ nữ có tiền căn di truyền ung thư vú và ung thư buồng trứng có nguy cơ đáng kể phát triển ung thư buồng trứng. Người mang đột biến BRCA1 có nguy cơ trong suốt cuộc đời là 60% trong khi đó nguy cơ này ở người mang đột biến BRCA2 thấp hơn: 15-25%. Trong nhóm phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng cao, xét nghiệm tầm soát không cần phải thật đặc hiệu để đạt được giá trị tiên đoán dương tương đương. Do vậy, các phương pháp tầm soát dường như ít hiệu quả ở nhóm dân số có nguy cơ thấp có thể có hiệu quả tốt hơn ở nhóm dân số này. Các tác giả cũng cho rằng các kỹ thuật hiện nay (CA 125 và siêu âm ngả âm đạo) có giá trị tiên đoán dương có thể chấp nhận được nhưng tầm soát mỗi năm không phát hiện được tất cả các trường hợp ung thư ở giai đoạn sớm và khả năng mắc ung thư trong vòng 12 tháng sau tầm soát vẫn xảy ra. Những vấn đề này được đặt ra trong nghiên cứu tầm soát ung thư buồng trứng đang tiến hành tại Anh (UKFOCSS) trong đó người ta kết hợp sàng lọc bằng siêu âm ngả âm đạo với xét nghiệm CA 125 nhiều lần liên tiếp (kết quả được tính toán và đánh giá bằng thuật toán riêng).

Các chất đánh dấu mới

Ngoài CA 125, một số chất đánh dấu khác đã được xác định trong ung thư buồng trứng. HE4 là một trong những chất đánh dấu mới đầy hứa hẹn. Người ta thấy rằng, chất này có mặt trong 32% trường hợp ung thư buồng trứng không có gia tăng CA 125. Sự kết hợp HE4 và CA 125 có thể giúp chẩn đoán phân biệt u buồng trứng ác tính với u buồng trứng lành tính và HE4 tỏ ra là xét nghiệm sàng lọc đầu tay tốt hơn CA 125 nhờ vào độ nhạy cao. Cần thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá liệu biện pháp sàng lọc bao gồm siêu âm ngả âm đạo và hệ số kết hợp giữa CA 125 và HE4 có giúp cải thiện hiệu quả tầm soát hay không. Hiện nay có nhiều chất đánh dấu được xác định (ví dụ như M-CSF, OVX1, LPA, CA 72–4, prostasin, osteopontin) nhưng chưa có chất nào khi được xét nghiệm đơn độc mang lại hiệu quả cao hơn xét nghiệm CA 125 đơn độc. Một phân tích định lượng đối với 6 chất đánh dấu kết hợp cho thấy độ nhạy là 95,3% và độ đặc hiệu là 99,4%. Tương tự như vậy, kỹ thuật phân tích hệ protein có thể giúp xác định ung thư buồng trứng với độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 95%. Để đánh giá hiệu quả của kỹ thuật này cũng như các chất đánh dấu mới trên lâm sàng, chúng ta cần tiến hành nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên lớn.

MỘT SỐ ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • Chưa có chiến lược tầm soát lý tưởng đối với ung thư buồng trứng, vì vậy chưa có khuyến cáo tầm soát thường quy.
  • CA 125 chỉ tăng trong 50% trường hợp ung thư giai đoạn sớm và cũng tăng trong một số bệnh lý lành tính. Vì vậy, xét nghiệm CA 125 đơn độc để sàng lọc không đủ độ nhạy và độ đặc hiệu.
  • Siêu âm ngả âm đạo có thể hiệu quả trong việc phát hiện u buồng trứng nhưng không thể xác định chính xác bản chất của u. Sàng lọc bằng siêu âm đơn thuần sẽ dẫn đến nhiều trường hợp can thiệp không cần thiết.
  • Sự kết hợp siêu âm ngả âm đạo và xét nghiệm CA 125 liên tiếp là chiến lược tầm soát phổ biến nhất đã được đánh giá trong nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên lớn.
  • Kết hợp CA 125 và siêu âm ngả âm đạo có thể làm giảm số lượng các trường hợp phẫu thuật không cần thiết.
  • Dữ liệu hiện nay từ các thử nghiệm ngẫu nhiên lớn cho thấy xu hướng có thể chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng, tuy nhiên cần nhiều hơn những dữ liệu đánh giá hiệu quả của việc này đối với tử suất chung.

KẾT LUẬN

Việc tìm ra chiến lược tầm soát thích hợp đối với ung thư buồng trứng còn là thử thách. Cải tiến những phương thức sàng lọc hiện tại kết hợp với xét nghiệm các chất đánh dấu mới và kỹ thuật phân tích hệ protein có thể giúp mang lại hiệu quả hơn cho các biện pháp sàng lọc. Các quần thể dân số có nguy cơ khác nhau cần chiến lược sàng lọc khác nhau. Ung thư buồng trứng là nhóm bệnh không đồng nhất. Các phương pháp sàng lọc hiện tại dựa trên giả thuyết căn bệnh này xuất phát từ buồng trứng, tiến triển từ từ từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn và tầm soát có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, có một tỷ lệ lớn u buồng trứng ác tính một khi xuất hiện là đã ở giai đoạn muộn, đã tiến triển nhiều, đây chính là nhóm bệnh mà các biện pháp sàng lọc hiện tại không thể phát hiện.

Việc nhắm vào sự khác nhau trong cơ chế tiến triển thành ác tính của các loại u có đặc điểm sinh học khác nhau có thể giúp mở ra nhiều hướng mới, như các phương pháp dựa trên chất đánh dấu di truyền phân tử, điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra.

Cuối cùng, kết quả từ những thử nghiệm ngẫu nhiên lớn vẫn chưa cho thấy rằng các phương pháp sàng lọc hiện tại có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đồng thời dữ liệu về tử suất từ những nghiên cứu này vẫn chưa có. Dựa trên những bằng chứng hiện tại, chưa thể khuyến cáo về việc tầm soát ung thư buồng trứng một cách thường quy ở phụ nữ chưa có triệu chứng.

U LẠC NỘI MẠC TỬ CUNG Ở BUỒNG TRỨNG

By on 19/04/2016
Lạc nội mạc tử cung là bệnh khá thường gặp, tuy nhiên tỷ lệ bệnh thường được báo cáo không chính xác, vì nhiều trường hợp không có biểu hiện hay biểu hiện không rõ ràng.

Nội mạc tử cung là lớp màng trong của tử cung, gồm 2 phần, phần nền hầu như không thay đổi và phần tăng trưởng là phần sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt hay trong quá trình mang thai và sinh nở. Thông thường, theo chu kỳ kinh nguyệt, phần tăng trưởng này sẽ phát triển ngày càng dày lên, tích tụ nhiều chất dinh dưỡng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh sẽ đến làm tổ khi có thai; gần hết chu kỳ kinh, do thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ, lớp tăng trưởng này sẽ bong ra và tạo ra hiện tượng hành kinh; sau đó phần này lại tiếp tục tăng trưởng vào chu kỳ kinh sau và cứ thế tiếp tục. Trong bệnh lý lạc nội mạc tử cung, nội mạc tử cung sẽ hiện diện ở nhiều nơi khác, trong ổ bụng, tại vòi trứng, tại buồng trứng, bám trên thành ruột … Các phần cư trú lạc chỗ này cũng bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố sinh dục sẽ phát triển dày lên, cương tụ rồi bong và gây xuất tiết vào ngày hành kinh, tuy nhiên dịch xuất tiết và xuất huyết sẽ không được tống ra ngòai như máu kinh mà bị tích tụ tại chỗ và ngày càng nhiều lên (khối lạc chỗ sẽ ngày càng to ra và tạo thành các khối nang chứa dịch). Nguyên nhân của bệnh cho tới nay vẫn còn chưa rõ ràng, được giải thích hoặc do nội mạc tử cung khi sinh ra đã có ở các vị trí bất thường, hoặc do hiện tượng nội mạc bong ra khi hành kinh đã đi ngược dòng từ tử cung trở ngược qua đường vòi trứng và gieo rắc các nơi trong ổ bụng.

Bệnh sẽ gây ra tình trạng đau bụng với đặc trưng thường gặp là đau bụng kinh (thống kinh), chỉ xảy ra khi hành kinh và hết ngay sau sạch kinh, tình trạng đau bụng ngày càng nhiều, cũng có khi là tình trạng đau vùng bụng dưới âm ỉ kéo dài (đau vùng chậu mãn tính) hay chỉ là đau khi giao hợp. Khi khối lạc nội mạc bám trên vùng gần ruột già sẽ có tình trạng rối loạn đi tiêu xảy ra trong giai đoạn hành kinh. 30-40% bệnh nhân vô sinh có tình trạng lạc nội mạc tử cung, do các khối nội mạc gây ra viêm dính trong ổ bụng hoặc gây viêm, tắc vòi trứng.

Khám bệnh thường không phát hiện ra triệu chứng gì đặc hiệu, có thể gặp một tử cung to, di động khó, các khối lạc nội mạc (lầm với u nang buồng trứng), đau hay dính vùng bụng dưới. Để điều trị lạc nội mạc tử cung, lý tưởng nhất là lấy đi (hoặc phá hủy) các khối lạc nội mạc. Tuy nhiên, thực tế không phải dễ dàng như vậy. Thường lạc nội mạc có ở nhiều vị trí và rất khó lấy hết qua phẫu thuật, cũng như có thể tái phát sau phẫu thuật. Do đó, thường ưu tiên điều trị nội khoa, cũng như ưu tiên phẫu thuật khi lạc nội mạc làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay bệnh nhân còn cần có thai. Phẫu thuật nội soi ổ bụng rất có giá trị trong điều trị vì khả năng nhìn được và xử trí rộng trong ổ bụng, ít gây sẹo dính và có khả năng lập lại nhiều lần khi bệnh tái phát.

Điều trị thuốc cũng có nhiều cách: từ nhẹ nhàng nhất là dùng các thuốc giảm đau để làm giảm cơn thống kinh. Thường dùng các loại giảm đau thông thường bắt đầu từ loại nhẹ nhất và với liều thấp nhất, khi phải sử dụng tới các lọai mạnh và liều tối đa là lúc cần cân nhắc thay đổi cách điều trị. Các thuốc nội tiết tố sinh dục cũng dùng trong điều trị lạc nội mạc với nguyên tắc ức chế sự phát triển của nội mạc tử cung, nhằm mục đích không cho khối lạc nội mạc phát triển thêm và sau đó nhờ cơ chế đề kháng của cơ thể để tiêu diệt khối lạc nội mạc. Khi dùng các thuốc loại này cần có sự chỉ định & theo dõi của người có chuyên khoa.

Không nên sử dụng theo thói quen, theo chỉ dẫn của người thân hay bạn bè hoặc dùng theo toa cũ. Việc kết hợp thuốc trước và sau phẫu thuật sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn lạc nội mạc tử cung. Có một dạng lạc nội mạc trong lớp cơ tử cung, có biểu hiện cơn đau bụng kinh nhưng kèm theo là tình trạng tử cung to và đau nhiều hơn trong hành kinh, tử cung ngày càng to ra theo thời gian và xử trí tận gốc là phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Không có cách nào phòng ngừa lạc nội mạc tử cung, nhưng sau khi điều trị bằng phẫu thuật có thể làm bệnh tái phát chậm bằng cách dùng các nội tiết tố sinh dục nữ, dùng thuốc ngừa thai.

UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

By on 14/04/2016

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35 trở lên. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do UTCTC. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh UTCTC và 11 trường hợp tử vong. Một số lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh UTCTC cao bao gồm số phụ nữ tham gia khám phụ khoa định kỳ để được tầm soát ung thư còn thấp, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn hạn chế do thiếu những chương trình tuyên truyền giáo dục.
Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai và đặc biệt, bệnh thường gặp ở phụ nữ ở 35 – 40 tuổi trở đi. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ lứa tuổi 15 – 44 Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của một người phụ nữ với nhiều thiên chức lớn lao: làm vợ, làm mẹ, là người chăm sóc gia đình và hơn thế nữa, ở độ tuổi này phụ nữ cũng đồng thời đã tạo dựng được sự nghiệp của mình.
Nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) được xác định là nguyên nhân cần thiết gây UTCTC. Một số yếu tố được xem là tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển UTCTC như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá; tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)…

1

HPV là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kỳ kinh nguyệt. Nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn.
Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, căn bệnh này có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn UTCTC lại rất khó chữa. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap) ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể.
Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung, kể từ tháng 8 năm 2014, Khoa Sản BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long chính thức đưa xét nghiệm phát hiện sớm ung thư CTC Liqui-Prep Pap Test vào phục vụ chẩn đoán và điều trị UTCTC tại bệnh viện. Với mục đích đẩy lùi bệnh ung thư cổ tử cung trong cộng đồng, bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long hy vọng sẽ đưa kỹ thuật Liqui-Prep Pap Test trở thành công cụ hiệu quả trong việc tầm soát ung thư cổ tử cung.

 2

UTCTC có thể phát hiện sớm thông qua làm xét nghiệm Pap định kỳ

Liqui-Prep Pap Test được Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp chứng nhận năm 2004. Phương pháp này hiện đang được sử dụng hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Liqui – Prep Pap Test là bước cải tiến kỹ thuật của phương pháp Pap smear truyền thống, thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện.

Tại Việt Nam, Liqui-Prep Pap Tets cũng đã được triển khai rộng khắp các bệnh viện trong cả nước như: Bệnh viện Phụ sản TW Hà Nội, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM, bệnh viện Phụ sản An Bình, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long…

Có thể nói, nhờ có các công cụ chẩn đoán sớm chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát căn bệnh UTCTC nguy hiểm. Mỗi phụ nữ hãy quan tâm hơn đến sức khỏe của mình bằng cách khám phụ khoa và làm xét nghiệm UTCTC định kỳ.

TUỔI DẬY THÌ – CÁC BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP

By on 14/04/2016
Dậy thì ở bé gái đánh dấu bằng hiện tượng thấy kinh lần đầu. Từ đây bé dần trở thành thiếu nữ, rồi thành người phụ nữ trưởng thành có đầy đủ thiên chức của người phụ nữ.
Bé gái ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể đang hoàn thiện và cũng phải đối mặt với những nguy cơ mắc bệnh phụ nữ nhiều hơn, nhất là các bệnh dưới đây.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Là sự phối hợp những triệu chứng tâm lý và thể chất trong vài ngày trước khi có kinh và đang trong kỳ hành kinh. Hội chứng này có biểu hiện: tăng cân, nhức đầu, mắt húp, cương vú, lo lắng, mệt mỏi, không thể tập trung tư tưởng… Mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi đối tượng và trong mỗi chu kỳ hành kinh. Nguyên nhân của hội chứng này chưa được biết rõ, nhưng có nhiều liên quan đến các hormon sinh dục.
 
Vô kinh
Có hai thể vô kinh là vô kinh thứ phát và vô kinh nguyên phát.
Vô kinh thứ phát là sự mất kinh (khoảng 4 – 6 tháng) sau khi đã có kinh rồi. Cũng có khi thấy kinh vài tháng rồi lại mất vài tháng… Nguyên nhân liên quan đến tâm lý, căng thẳng thể lực (luyện tập thể thao quá mức) hoặc rối loạn tiêu hóa…
sp5
Giai đoạn đầu của tuổi dậy thì có thể bé sẽ mắc một số bệnh lý: rong kinh, thống kinh, vô kinh…
Vô kinh nguyên phát là hiện tượng có phát triển những đặc tính giới thứ phát nhưng tới 16 tuổi, thậm chí hơn nữa vẫn không có kinh lần đầu. Những trường hợp trên cần xem có phải đã bị vô kinh nguyên phát (có thể do rối loạn nội tiết, cơ quan sinh dục nữ dị dạng hoặc kém phát triển, do sức khỏe kém và do các yếu tố tâm lý…).
Rong kinh, rong huyết
Rong kinh là hành kinh kéo dài hơn 1 tuần. Rong huyết là hiện tượng ra huyết ở bộ phận sinh dục không phải do kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần. Giải thích cho tình trạng rong kinh, rong huyết này là do khi mới vào tuổi dậy thì, hoạt động của hệ nội tiết ở bé gái chưa ổn định. Có khi lượng estrogen tăng cao nhưng lại không có hiện tượng phóng noãn; progesteron không được tiết ra cân đối với estrogen. Tất cả điều đó khiến cho nội mạc tử cung dày lên mãi nhưng mạch máu không tăng trưởng kịp, không đủ máu nuôi dưỡng, bị hoại tử, bong ra từng mảng nhỏ, gây chảy máu kéo dài.
Những trường hợp bị rong kinh, rong huyết nhẹ (máu không ra nhiều và không có hiện tượng thiếu máu)thì không cần điều trị, vì sau một vài chu kỳ, khi nội tiết hoạt động ổn định, hiện tượng này sẽ hết. Trường hợp rong kinh, rong huyết ở mức độ trung bình (máu ra không nhiều, nhưng thiếu máu) thì phải dùng thuốc có chứa estrogen và progesteron giúp cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Trường hợp rong kinh, rong huyết ở mức độ khá nặng (máu ra nhiều, thiếu máu) thì vẫn dùng thuốc có chứa estrogen và progesteron, nhưng dùng liều gấp đôi. Nếu rong kinh, rong huyết nặng (máu ra nhiều gây mất máu cấp tính) phải tới bệnh viện để theo dõi và tiêm estrogen hay uống estradiol để làm ngừng sự chảy máu cấp. Tất cả các trường hợp phải dùng thuốc điều trị rong kinh, rong huyết cần phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thống kinh
Là triệu chứng đau quặn từng cơn, trướng bụng dưới, nặng nề ở vùng tiểu khung kèm theo nhức đầu, đau lưng, buồn nôn khi hành kinh. Có hơn một nửa bé gái mới dậy thì bị triệu chứng này. Nguyên nhân gây thống kinh là do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu (trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát); do thiếu vi chất hoặc do các bệnh lý khác (gọi là thống kinh thứ phát). Thống kinh không nguy hiểm, nhưng khiến các bé thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ mất đi khi hệ nội tiết hoạt động ổn định hơn.
Thiếu máu nhược sắc
Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở bé gái khoảng 2,4ml/ngày (gấp đôi bé trai). Tuy nhiên, do chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất, cộng với sự mất máu khi có kinh nguyệt, khiến các cô bé bị mất chất sắt. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là nước da xanh xao, thường xuyên mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Chứng thiếu máu nhược sắc cũng có thể do các bệnh đường ruột, do bị nhiễm giun đũa, giun tóc…
sp6
Bé gái trong giai đoạn dậy thì cần được bổ sung chất dinh dưỡng và chất sắc cho cơ thể.
Để phòng tránh chứng thiếu máu nhược sắc, các bé gái cần ăn đầy đủ chất, không nên kiêng khem quá mức, không bỏ bữa, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C (vì vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn) trong bữa ăn, nhất là ở giai đoạn có kinh nguyệt; tẩy giun định kỳ; giải quyết dứt điểm chứng thống kinh, rong kinh, rong huyết (nếu có). Các bé cần được bổ sung thêm viên sắt phối hợp với axit folic (rất cần cho sự phát triển của em gái giai đoạn dậy thì).

TUỔI SINH SẢN – CÁC BỆNH LÝ PHỤ KHOA THƯỜNG GẶP

By on 14/04/2016

Bệnh phụ khoa là những bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục nữ, bao gồm cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trên (tử cung, tai vòi và buồng trứng). Đa số các chị em đã lập gia đình hay đã sinh đẻ và có quan hệ tình dục đều nhiễm các bệnh phụ khoa ít nhất 1 lần. Tuy nhiên nhiều người lại có những kiến thức rất hạn chế về các bệnh phụ khoa. Để giúp cho chị em có thêm những thông tin về bệnh phụ khoa này các bác sỹ của phòng khám phụ khoa Hoàng Gia sẽ giới thiệu cho chị em biết để có thể chủ động phòng tránh.

1. Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là do vi khuẩn hoặc nấm gây ra tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm nhiễm là do việc vệ sinh cơ quan sinh dục không đảm bảo hoặc do tình trạng mất cân bằng môi trường pH, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ gây ra viêm nhiễm ở âm đạo.
Những biểu hiện triệu chứng là ngứa ngoài âm đạo, cảm giác nóng rát, khí hư xuất hiện và có màu sắc khác thường kèm theo mùi khó chịu. Viêm âm đạo tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của nữ giới vì nó chính là nguyên nhân gây ra hiếm muộn. Khi chị em bị viêm nhiễm âm đạo thì nên vệ sinh sạch sẽ và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ.

2. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Lộ tuyến cổ tử cung là phần biểu mô tiết ra niêm dịch bên trong cổ tử cung bị lộn ra ngoài. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tế bào ở cổ tử cung phát triển mạnh mẽ, xâm lấn ra cả bên ngoài cổ tử cung, các tế bào tăng cường tiết dịch gây nên tình trạng ẩm ướt và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở lộ tuyến cổ tử cung.
Chị em bị đau bụng dưới, xuất huyết sau khi giao hợp và khí hư xuất hiện, có mùi hôi khó chịu là những triệu chứng thường gặp khi chị em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Viêm lộ tuyến cổ tử cung rất dễ dẫn đến viêm cổ tử cung và ở một số trường hợp có thể dẫn đến vô sinh do tình trạng tiết dịch xuất hiện nhiều ở cổ tử cung gây khó khăn cho tinh trùng gặp trứng.

3. Viêm tử cung

Viêm tử cung là tình trạng cổ tử cung ở nữ giới bị viêm nhiễm mà nguyên nhân chính là do việc sinh con, sảy thai, nạo phá thai và điều hòa kinh nguyệt không đảm bảo vô trùng khiến cho các loại vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng xâm nhập vào buồng tử cung gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Triệu chứng viêm tử cung là chị em thấy đau bụng dưới, cơ thể mệt mỏi, nhiều người bị sốt cao, vùng âm hộ ngứa ngáy, đau rát khi gãi, kinh nguyệt ra nhiều hơn hoặc ít hơn, màu sắc khác thường, sản dịch ra nhiều, có khi hư lẫn mủ, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến xuất huyết.

4. Viêm phần phụ

Phần phụ bao gồm ống dẫn trứng và buồng trứng, viêm nhiễm phần phụ là do tình trạng viêm nhiễm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở những bộ phận này. Biểu hiện thường thấy khi bị viêm phần phụ là đau ở vùng hạ vị, sốt cao, khí hư ra nhiều kèm theo mùi hôi và mủ.

5. Rối loạn kinh nguyệt

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường xảy ra ở độ tuổi dậy thì, trong độ tuổi sinh đẻ và cả độ tuổi tiền mãn kinh. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có những biểu hiện chủ yếu là: chu kì kinh nguyệt không đều, vòng kinh quá dài hoặc quá ngắn, lượng kinh có thể nhiều hoặc ít hơn bình thường, màu sắc lẫn mùi đều khác thường.
Rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh hưởng sức khỏe và khả năng thụ thai ở phụ nữ. Do vậy, khi thấy những triệu chứng bất thường về kinh nguyệt chị em nên đi khám để được điều trị kịp thời.

6. Xói mòn cổ tử cung

Đây là bệnh viêm cổ tử cung mãn tính thường thấy ở nữ giới, nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét cổ tử cung là trong quá trình quan hệ tình dục bị tổn thương, nấm khuẩn,… và viêm loét cổ tử cung thường không có cảm giác khó chịu nên khi đi khám phụ khoa mới biết mình bị bệnh.
Những biểu hiện thường thấy là khí hư ra nhiều, màu sắc khi hư biến đổi thất thường,… nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Vì vậy khi thấy những biểu hiện bất thường này bạn nên đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.