Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Những điều cần biết khi thai nhi được 26 tuần

Thai nhi 26 tuần tuổi: Bé có thể tự hít vào và thở ra

Thai nhi 26 tuần tuổi phát triển ra sao?

Ở tuần thứ 26 của thai kỳ, mạng lưới dây thần kinh trong tai của thai nhi đã phát triển và nhạy cảm hơn trước. Giờ đây, con có thể nghe được cả giọng nói của ba và mẹ khi 2 người đang nói chuyện với nhau. Ba mẹ hãy nói những lời yêu thương với nhau nhé vì con rất muốn nghe điều đó.

Thai nhi có thể tự hít vào phổi và thở ra một lượng nước ối nhỏ và nó hoàn toàn giúp ích cho quá trình phát triển phổi của con. Những hoạt động hô hấp đó cũng là phương pháp thực hành tốt cho bé sau này giúp con dễ dàng đón nhận không khí đầu tiên khi chào đời.

Thai nhi 26 tuần tuổi vẫn tiếp tục mập dần lên, con nặng hơn 760g và dài gần 35,6cm (bằng khoảng chiều dài của cọng hành lá) tính từ đầu đến gót chân. Nếu thai nhi là một cậu bé, tinh hoàn của con bắt đầu hạ thấp xuống bìu và sẽ mất khoảng 2-3 tháng để hoàn thiện quá trình thay đổi này.

Cuộc sống mẹ bầu 26 tuần thay đổi như thế nào?

Chắc hẳn vào giai đoạn này, bà bầu đang gấp rút tìm các lớp tiền sản chuẩn bị cho việc nhận biết dấu hiệu sinh nở, tư thế để sinh thường dễ, cách chăm sóc sau sinh hay chăm sóc trẻ sơ sinh… nhưng có một điều mẹ bầu luôn phải chú ý đó là đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi điều độ.

Trong khoảng thời gian này, huyết áp của bà bầu có thể tăng nhẹ, mặc dù nó vẫn có thể thấp hơn thời gian trước khi mang bầu (thông thường huyết áp sẽ giảm khi kết thúc 3 tháng đầu mang thai và có xu hướng đạt mức thấp vào tuần thai 22 đến 24).

Tiền sản giật – một bệnh nguy hiểm trong thai kỳ với triệu chứng tăng huyết áp, nước tiểu có protein kèm theo phù hai chân hoặc toàn thân – thường xuất hiện từ sau 20 tuần. Do đó các bà bầu vẫn cần chú ý các dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh này.

Mẹ bầu nên liên lạc trực tiếp bác sĩ đang theo dõi thai kỳ cho mình hoặc đến bệnh viện khi nhận thấy dấu hiệu phù mặt, nặng mí mắt hoặc xuất hiện các bọng mắt, hơn thế là sưng tay, phù nề đột ngột ở bàn chân và mắt cá chân, hoặc mẹ tăng cân nhanh chóng (tăng từ 1,8kg đến hơn 2kg trong một tuần). Với tình trạng tiền sản giật nặng, mẹ có thể gặp các triệu chứng khác như đau đầu dữ dội và dai dẳng, thay đổi thị lực (bao gồm chứng nhìn đôi hoặc mắt bị mờ đi, nhìn thấy những đốm đèn nhấp nháy, bị nhạy cảm với ánh sáng hay bị mất thị lực tạm thời), bị đau nhiều vùng bụng vùng trên rốn hơi lệch phải hoặc thậm chí nôn mửa.

Kiến thức cho mẹ: Hạn chế đau lưng trong thai kỳ

Nếu vùng lưng dưới của mẹ hơi đau, rất có thể do tử cung của mẹ đang phát triển, làm thay đổi trọng tâm cơ thể mẹ, cơ bụng của mẹ căng ra và yếu đi, và thậm chí có thể đè lên dây thần kinh – hoặc cũng có thể do những thay đổi về nội tiết tố làm giãn các khớp và dây chằng.

Thêm vào đó, bà bầu phải mang thêm phần khối lượng của con nghĩa là cơ bắp của mẹ phải làm việc nhiều hơn và điều đó sẽ tạo áp lực lên các khớp xương. Đó là lí do vì sao mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày. Các hoạt động đi, đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài cũng như cúi gập hay mang vác có thể gây căng cơ cột sống lưng của mẹ.

Bà bầu sẽ phải làm gì để giải tỏa sự khó chịu đó? Một bồn tắm với nước ấm có thể giúp chị em hoàn toàn thư giãn. Bà bầu nên cố gắng duy trì các tư thế đúng trong ngày, tránh các hoạt động đòi hỏi phải cúi gập hoặc xoay mình cùng một lúc. Chị em cũng nên nghỉ ngơi thường xuyên khi ngồi hoặc đứng và ngủ nghiêng sang một bên với sự hỗ trở của gối ôm đặt giữa hai chân và dưới bụng mẹ.

Việc mẹ bầu cần làm khi mang thai 26 tuần

  • Trò chuyện với thai nhi hàng ngày
  • Lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ dưỡng và dành thời gian cho chồng trước khi bận rộn với em bé sau khi sinh.
  • Tìm hiểu về bệnh viện sẽ sinh con

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

Book

4 trả lời trong “Những điều cần biết khi thai nhi được 26 tuần”

Để lại một bình luận