X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Chuyên Đề

Những điều cần biết khi thai nhi được 28 tuần

By on 28/07/2018

Thai nhi 28 tuần tuổi: Thai nhi có thể chớp mắt

Thai nhi 28 tuần phát triển ra sao?

Cân nặng của thai nhi 28 tuần tuổi khoảng 1kg, tương đương một quả cà tím đại và chiều dài đạt khoảng 37,6cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân.
Bây giờ thai nhi đã có thể chớp mắt. Thị lực của bé cũng rất phát triển, con có thể nhìn nhìn thấy ánh sáng qua tử cung của mẹ. Hàng tỉ các tế bào thần kinh trong não bộ đang phát triển và cơ thể thai nhi cũng tăng thêm lượng mỡ cần thiết để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài.

Cuốc sống của mẹ bầu 28 tuần thay đổi thế nào?

Đến thời kỳ này, bà bầu bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng thứ 2 của thai kỳ. Ba tháng đầu tiên và 3 tháng cuối bao giờ cũng là thời điểm quan trọng và cũng khá mệt mỏi với phụ nữ mang thai.
Để đảm bảo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu trước khi sinh được tốt nhất, nếu bạn chưa thực hiện xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ trong những tuần thai trước thì bây giờ cũng là thời hạn để bạn thực hiện xét nghiệm này.
Và nếu kết quả xét nghiệm máu ở lần khám tiền sản đầu tiên của mẹ cho thấy cơ thể bạn không có kháng nguyên Rh- (Rh âm tính), mẹ sẽ phải tiêm một liều vắc-xin globulin miễn dịch anti-D để ngăn chặn việc phát triển các kháng thể miễn dịch có thể chống lại hồng cầu của thai nhi (nếu em bé mang kháng thể Rh dương tính, mẹ sẽ cần tiêm mũi nữa sau khi sinh con)
Trong thời gian này, một số mẹ sẽ có cảm giác khó chịu như thể có côn trùng bò trong cơ hoặc xương và khiến bạn không thể ngưng cử động chân cho dù mẹ đang cố thư giãn ngay cả lúc ngủ. Bạn chỉ cảm thấy dễ chịu trong chốc lát khi di chuyển, và chứng bệnh đó người ta gọi là hội chứng chân không yên (restless legs syndrome- RLS).
Không ai biết nguyên nhân gây ra chứng bệnh này, nhưng nó lại khá phổ biến đối với các bà mẹ khi mang thai. Khi ấy bạn nên cố gắng duỗi thẳng hoặc massage chân, giảm các thức uống chứa caffein vì có thể khiến tình trạng trở lên tồi tệ hơn.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiều về bệnh tiền sản giật

Tiền sản giật là một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khoảng 5% phụ nữ khi mang thai. Một phụ nữ được chuẩn đoán mắc tiền sản giật nếu huyết áp quá cao sau tuần thứ 20 của thai kì kèm theo ít nhất một triệu chứng khác như lượng protein trong nước tiểu tăng cao, hoặc phù nhiều.
Hầu hết các bà bầu bị tiền sản giật thường phát triển một vài triệu chứng nhẹ vào gần ngày sinh nở, khi đó mẹ và bé phải thực hiện tốt các quy tắc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên nếu tiền sản giật trở nên nặng, nó có thể ảnh đến tính mạng của cả mẹ bầu và thai nhi.

Những triệu chứng của tiền sản giật

Tiền sản giật có thể đến đột ngột, vì vậy điều quan trọng nhất là mẹ cần phải nhận thức được các dấu hiệu của căn bệnh này. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức, nếu mẹ thấy các dấu hiệu sau:
– Bị phù nề ở mặt hoặc xuất hiện bọng mắt, thậm chí phù nề ở bàn tay, chân hoặc mắt cá chân một cách nghiêm trọng và đột ngột.
– Tăng cân nhanh chóng từ 1,5kg cho đến hơn 2kg trong một tuần.
– Đau đầu dữ dội hoặc dai dẳng.
– Thay đổi thị lực bao gồm, thị lực kém, nhìn đôi hoặc nhìn mờ hoặc nhìn thấy những đốm nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực hoàn toàn đau dữ dội ở vùng bụng trên.
– Buồn nôn và ói mửa.
Tiền sản giật cũng có thể xảy ra mà không có dấu rõ ràng, đặt biệt ở giai đoạn đầu, và một số dấu hiệu chỉ là những bệnh thông thường khi mang thai. Vì vậy mẹ có thể không biết mẹ đang rơi vào tình trạng tiền sản giật cho đến khi nó được phát hiện vào lần khám thai định kì. Đó là một trong những lý do mà bà bầu không nên bỏ qua bất kì lần khám định kì nào.
Những lí do khiến mẹ có nguy cơ bị tiền sản giật
Bênh tiền sản giật thường gặp trong lần mang thai đầu tiên hơn. Tuy nhiên, khi bạn đã mắc tiền sản giật thì bạn sẽ có nguy cơ cao mắc lại vào lần mang thai thứ 2. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này bao gồm:
– Bị tăng huyết áp mãn tính
– Bị rối loạn đông máu, tiểu đường, bệnh thận, hoặc các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống.
– Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật.
– Bị béo phì
– Đang mang song thai hoặc đa thai
– Mang thai khi đã ngoài 40 tuổi
Những biện pháp phòng tránh tiền sản giật
Không một ai biết chắc chắn cách phòng chống tiền sản giật, tuy nhiên có một số nghiên cứu về lĩnh vực này cho rằng bổ sung thêm canxi, hạn chế lượng muối vào cơ thể hoặc tăng cường vitamin có thể hữu ích, tuy nhiên những kết quả này vẫn còn chưa đủ căn cứ.
Hiện nay, để dự phòng tiền sản giật, những thai phụ có nguy cơ rất cao bị tiền sản giật có thể được các bác sĩ chuyên khoa phụ sản chỉ định việc sử dụng aspirin liều thấp từ cuối tam tháng nguyệt đầu của thai kỳ cho đến 34 tuần của thai kỳ.
Và điều quan trọng nhất là bà bầu cần có chế độ dưỡng thai hợp lí và nhớ khám thai theo định kì. Vì mỗi lần đi khám định kì, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của mẹ và thử lượng protein trong nước tiểu. Quan trọng hơn là bà bầu phải nhận thức được các dấu hiệu nhận biết của bệnh tiền sản giật để có thể thông báo với bác sĩ và có các biện pháp chữa trị sớm nhất có thể.

Việc mẹ bầu cần làm khi mang thai 28 tuần

– Theo dõi chuyển động của thai nhi từng ngày.
– Duy trì các hoạt động thể dục như trước đây. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng như ra huyết âm đạo, nhau tiền đạo, hở eo cổ tử cung… cần hạn chế vận động và cần được bác sĩ chuyên khoa phụ sản đang theo dõi thai kỳ của mẹ bầu tư vấn.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 27 tuần

By on 28/07/2018

Thai nhi 27 tuần tuổi: Bé thức, ngủ theo khung giờ

Ở tuần thứ 27 này, thai nhi đã biết ngủ và thức giấc theo một khung giờ nhất định, thậm chí đã có thể mút ngón tay của mình.

Thai nhi 27 tuần tuổi phát triển ra sao?

Về kích thước, em bé đã nặng khoảng 875g và dài ước chừng 36,6cm với đôi chân dài ra thêm một chút. Với nhiều mô não phát triển mạnh, bộ não của con đang hoạt động hết sức tích cực. Phổi của thai nhi 27 tuần tuổi vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh, nhưng một số ít thai nhi vẫn có thể thở được ở bên ngoài bụng mẹ khi sinh non, với điều kiện cần rất nhiều trợ giúp từ đội ngũ các chuyên gia Nhi sơ sinh giàu kinh nghiệm.

Con lúc này đã biết nhắm mắt và mở mắt, hay ngủ và thức trong những khoảng thời gian nhất định đều đặn và thậm chí con đã có thể mút một ngón tay nào đó. Và thậm chí đôi lúc bà bầu còn có thể cảm nhận được em bé đang nấc cụt nữa. Hiện tượng này sẽ bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn, song không hề làm thai nhi khó chịu, vậy nên mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm.

Cuộc sống mẹ bầu 27 tuần thay đổi như thế nào?

Mẹ có thể bắt đầu nhận thấy một số triệu chứng mới ở giai đoạn này như nhức mỏi cơ thể hay đôi lúc là bắp chân bị chuột rút liên hồi. Nguyên nhân đơn giản đến từ việc các bộ phận này đang phải đỡ một cơ thể với trọng lượng lớn hơn thường lệ khá nhiều. Việc tử cung của mẹ mở rộng cũng tạo ra áp lực lên các tĩnh mạch trong dòng máu lưu thông từ chân trở về tim cũng như lên các dây thần kinh từ thân trên đến chân.

Thật không may, những cơn chuột rút có thể trở nên tệ hơn cùng với sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Khi bị chuột rút, việc duỗi cơ bắp sẽ giúp mẹ dễ chịu hơn đôi chút. Bạn hãy duỗi thẳng chân và sau đó nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân về phía cẳng chân của mình. Đi bộ trong vài phút hay xoa bóp bắp chân thường xuyên cũng sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng này.

Thi thoảng bà bầu cũng sẽ cảm thấy ngứa bụng do rạn da và những thay đổi ở da, chủ yếu là vào ban đêm nhưng cũng có thể là ban ngày.

Kiến thức cho mẹ: Những triệu chứng không được bỏ qua khi mang thai

Đau nhức, mệt mỏi là những triệu chứng khá phổ biến khi mang thai, tuy nhiên khi mẹ bầu gặp bất cứ khó chịu nào bất thường cần thông báo cho bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản đang theo dõi trực tiếp thai kỳ cho bạn để phòng ngừa những biến cố xấu có thể xảy ra.

Những triệu chứng trước 37 tuần thai cần lưu ý:

– Đau lưng dưới, áp lực vùng chậu nặng nề, đau bụng nhiều kèm theo tử cung gò cứng từng cơn với tần số hơn 4 cơn co thắt trong một giờ.

– Tăng tiết dịch âm đạo hoặc ra nước âm đạo.

– Thai nhi giảm chuyển động hơn bình thường.

– Đau bụng dữ dội và dai dẳng.

– Chảy máu âm đạo hoặc xuất hiện đốm máu

– Đau rát khi đi tiểu hoặc không đi tiểu được

– Nôn ói nặng nề kèm theo đau bụng, sốt

– Sốt cao, ớn lạnh

– Mất tầm nhìn, hoa mắt, chóng mặt

– Đau đầu dữ dội kèm hoa mắt, mất ý thức, nói nhảm

– Sưng phù nặng nề

– Khó thở, ho ra máu, đau ngực

– Tiêu chảy nặng kéo dài trong 24 giờ

Việc mẹ nên làm khi mang thai 27 tuần

– Tham gia lớp học tiền sản: Nếu đây là lần đầu tiên mẹ có em bé, việc tham gia các lớp học tiền sản là điều vô cùng hữu ích. Các buổi học có thể sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức trong việc đối phó với các triệu chứng khó chịu khi mang thai, cách ăn uống khoa học trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ và những kiến thức sinh nở hữu ích.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 26 tuần

By on 28/07/2018

Thai nhi 26 tuần tuổi: Bé có thể tự hít vào và thở ra

Thai nhi 26 tuần tuổi phát triển ra sao?

Ở tuần thứ 26 của thai kỳ, mạng lưới dây thần kinh trong tai của thai nhi đã phát triển và nhạy cảm hơn trước. Giờ đây, con có thể nghe được cả giọng nói của ba và mẹ khi 2 người đang nói chuyện với nhau. Ba mẹ hãy nói những lời yêu thương với nhau nhé vì con rất muốn nghe điều đó.

Thai nhi có thể tự hít vào phổi và thở ra một lượng nước ối nhỏ và nó hoàn toàn giúp ích cho quá trình phát triển phổi của con. Những hoạt động hô hấp đó cũng là phương pháp thực hành tốt cho bé sau này giúp con dễ dàng đón nhận không khí đầu tiên khi chào đời.

Thai nhi 26 tuần tuổi vẫn tiếp tục mập dần lên, con nặng hơn 760g và dài gần 35,6cm (bằng khoảng chiều dài của cọng hành lá) tính từ đầu đến gót chân. Nếu thai nhi là một cậu bé, tinh hoàn của con bắt đầu hạ thấp xuống bìu và sẽ mất khoảng 2-3 tháng để hoàn thiện quá trình thay đổi này.

Cuộc sống mẹ bầu 26 tuần thay đổi như thế nào?

Chắc hẳn vào giai đoạn này, bà bầu đang gấp rút tìm các lớp tiền sản chuẩn bị cho việc nhận biết dấu hiệu sinh nở, tư thế để sinh thường dễ, cách chăm sóc sau sinh hay chăm sóc trẻ sơ sinh… nhưng có một điều mẹ bầu luôn phải chú ý đó là đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi điều độ.

Trong khoảng thời gian này, huyết áp của bà bầu có thể tăng nhẹ, mặc dù nó vẫn có thể thấp hơn thời gian trước khi mang bầu (thông thường huyết áp sẽ giảm khi kết thúc 3 tháng đầu mang thai và có xu hướng đạt mức thấp vào tuần thai 22 đến 24).

Tiền sản giật – một bệnh nguy hiểm trong thai kỳ với triệu chứng tăng huyết áp, nước tiểu có protein kèm theo phù hai chân hoặc toàn thân – thường xuất hiện từ sau 20 tuần. Do đó các bà bầu vẫn cần chú ý các dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh này.

Mẹ bầu nên liên lạc trực tiếp bác sĩ đang theo dõi thai kỳ cho mình hoặc đến bệnh viện khi nhận thấy dấu hiệu phù mặt, nặng mí mắt hoặc xuất hiện các bọng mắt, hơn thế là sưng tay, phù nề đột ngột ở bàn chân và mắt cá chân, hoặc mẹ tăng cân nhanh chóng (tăng từ 1,8kg đến hơn 2kg trong một tuần). Với tình trạng tiền sản giật nặng, mẹ có thể gặp các triệu chứng khác như đau đầu dữ dội và dai dẳng, thay đổi thị lực (bao gồm chứng nhìn đôi hoặc mắt bị mờ đi, nhìn thấy những đốm đèn nhấp nháy, bị nhạy cảm với ánh sáng hay bị mất thị lực tạm thời), bị đau nhiều vùng bụng vùng trên rốn hơi lệch phải hoặc thậm chí nôn mửa.

Kiến thức cho mẹ: Hạn chế đau lưng trong thai kỳ

Nếu vùng lưng dưới của mẹ hơi đau, rất có thể do tử cung của mẹ đang phát triển, làm thay đổi trọng tâm cơ thể mẹ, cơ bụng của mẹ căng ra và yếu đi, và thậm chí có thể đè lên dây thần kinh – hoặc cũng có thể do những thay đổi về nội tiết tố làm giãn các khớp và dây chằng.

Thêm vào đó, bà bầu phải mang thêm phần khối lượng của con nghĩa là cơ bắp của mẹ phải làm việc nhiều hơn và điều đó sẽ tạo áp lực lên các khớp xương. Đó là lí do vì sao mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi vào cuối ngày. Các hoạt động đi, đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài cũng như cúi gập hay mang vác có thể gây căng cơ cột sống lưng của mẹ.

Bà bầu sẽ phải làm gì để giải tỏa sự khó chịu đó? Một bồn tắm với nước ấm có thể giúp chị em hoàn toàn thư giãn. Bà bầu nên cố gắng duy trì các tư thế đúng trong ngày, tránh các hoạt động đòi hỏi phải cúi gập hoặc xoay mình cùng một lúc. Chị em cũng nên nghỉ ngơi thường xuyên khi ngồi hoặc đứng và ngủ nghiêng sang một bên với sự hỗ trở của gối ôm đặt giữa hai chân và dưới bụng mẹ.

Việc mẹ bầu cần làm khi mang thai 26 tuần

  • Trò chuyện với thai nhi hàng ngày
  • Lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ dưỡng và dành thời gian cho chồng trước khi bận rộn với em bé sau khi sinh.
  • Tìm hiểu về bệnh viện sẽ sinh con

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 25 tuần

By on 28/07/2018

Thai nhi 25 tuần tuổi: Da bé bớt nhăn nheo

Thai nhi 25 tuần tuổi phát triển ra sao?

Ở tuần thứ 25 của thai kỳ, em bé dài khoảng 34,6cm và nặng ước chừng 660g. Trong giai đoạn này, chiều ngang của bé cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn. Nhờ thế, làn da nhăn nheo của em bé sẽ dần trở nên mịn màng và càng ngày nhìn con sẽ càng giống một em bé sơ sinh.

Tóc trên đầu thai nhi cũng đang mọc nhiều hơn và nếu mẹ có thể nhìn thấy bên trong tử cung, mẹ sẽ nhận biết được màu tóc của con là màu gì và chúng dày hay mỏng.

Cuộc sống mẹ bầu 25 tuần thay đổi như thế nào?

Không chỉ tóc của em bé phát triển, tóc của mẹ cũng sẽ dày và bóng mượt hơn nhiều nhưng không phải vì mẹ mọc thêm nhiều tóc mà nhờ sự thay đổi của hóc môn, những sợi tóc đáng lẽ phải rơi rụng sẽ bám lại trên da đầu lâu hơn thường lệ. Mẹ hãy tranh thủ tận hưởng mái tóc đẹp óng ả của mình vì chúng sẽ trở lại như bình thường sau khi em bé ra đời.

Bà bầu cũng sẽ sớm nhận ra rằng mẹ không còn di chuyển một cách dễ dàng, duyên dáng giống như trước đây vì chiếc bụng đã lớn hơn rất nhiều cùng với sự phát triển của thai nhi 25 tuần tuổi.

Với những mẹ muốn tiếp tục tập thể thao để duy trì sức khỏe, trước hết hãy hỏi ý kiến từ các bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn. Nếu không, mẹ nhớ phải tuân thủ một số nguyên tắc an toàn như tránh xa các môn thể thao có thể khiến mẹ bị mất thăng bằng, không tập luyện nếu đang cảm thấy thực sự mệt mỏi và phải dừng tập ngay lập tức nếu mẹ thấy đau ở bộ phận nào đó hay chóng mặt và khó thở.

Mẹ cũng không nên nằm ngửa khi nghỉ ngơi hay ngủ và để thoải mái nhất có thể mẹ hãy đặt 1 chiếc gối đệm sau lưng và dưới 2 chân. Hãy chắc chắn rằng mẹ uống đủ nước mỗi ngày bởi đây là cách đơn giản giúp cho cơ thể mẹ được thoải mái hơn. Bà bầu cũng nên uống thêm nước hoa quả hay sữa để bổ sung vitamin cho cơ thể. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng vẫn cần được duy trì đều đặn như những tuần trước đó, mẹ cần bổ sung thêm sắt và các khoáng chất để có lợi cho sự phát triển của con.

Nếu gần đây mẹ có cảm thấy đau lưng, đừng lo, đó là do sự phát triển của bé con khiến tử cung ngày một lớn hơn nhiều và thay đổi trọng tâm của cơ thể, có thể chèn ép lên dây thần kinh. Cùng với đó, sự thay đổi nội tiết tố đôi khi cũng dẫn đến tình trạng các khớp xương và dây chằng bị dãn ra. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thấy cảm giác đau lưng xuất hiện theo từng cơn một cách đều đặn, nhịp nhàng kèm với bụng cứng từng cơn…, mẹ bầu cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Không ít trường hợp đây là những dấu hiệu sớm của dọa sinh nhon.

Kiến thức cho mẹ: Quá trình xét nghiệm dung nạp đường Glucose 75 gram cho bà bầu

Quá trình xét nghiệm đường huyết rất đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian và lưu ý thai phụ cần nhịn đói để có kết quả chính xác. Thông thường xét nghiệm dung nạp đường Glucose 75 gram được thực hiện vào buổi sáng.

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu thứ nhất để kiểm tra đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống một lượng Glucose 75 gram theo chỉ định bác sĩ. Tiếp tục việc lấy máu để xét nghiệm 1 và 2 giờ sau uống đường.

Nếu một trong 3 lần xét nghiệm máu cho kết quả cao hơn mức bình thường, thai phụ sẽ được kết luận mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, lúc này bạn sẽ được bác sĩ đưa ra một kế hoạch điều trị bệnh phù hợp.

Việc mẹ bầu cần làm khi mang thai 25 tuần: Xét nghiệm dung nạp đường Glucose 75 gram

Như tuần trước đã trao đổi, xét nghiệm đường huyết nên được thực hiện ở tuần thứ 24-28 thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ ít khi có triệu chứng rõ rệt nên ít khi mẹ bầu để tâm. Đó là lý do vì sao các mẹ bầu cần làm xét nghiệm dung nạp đường huyết khi mang thai trong khoảng 24-28 tuần.

Nếu bạn thuộc nhóm phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao (trên 35 tuổi, béo phì, có tiền căn tiểu đường khi mang thai hay người trong gia đình có tiền căn bệnh này hoặc là những người phụ nữ Á Đông) thì người phụ nữ Việt Nam cần được tầm soát đái tháo đường trong lần khám thai đầu tiên và thực hiện xét nghiệm dung nạp đường Glucose 75 gram lúc thai 24-28 tuần.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐẶT LỊCH KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Những điều cần biết khi thai 24 tuần

By on 28/07/2018

Thai nhi 24 tuần tuổi: Tử cung mẹ to bằng một quả bóng

Thai nhi 24 tuần tuổi vẫn đang phát triển đều đặn, cân nặng của con ước chừng khoảng 600g, tăng hơn 100g so với tuần trước.

Thai nhi 24 tuần tuổi phát triển ra sao?

Chiều dài của thai nhi thời điểm này đạt khoảng 30cm (bằng ngang chiều dài của một bắp ngô). Cơ thể của em bé vẫn còn khá nhỏ với đầu khá to so với thân mình, tuy nhiên con đang phát triển rất nhanh chóng và sẽ sớm cân đối giữa đầu và thân mình.

Não bộ và các nụ vị giác của thai nhi cũng phát triển nhanh chóng. Đồng thời phổi của con cũng hình thành các nhánh hô hấp và các tế bào bắt đầu sản sinh ra chất surfactant giúp phổi của con có thể phồng lên và chứa thật nhiều không khí ngay sau khi bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Da của thai nhi vẫn còn rất mỏng và nhạt màu, nhưng nó sẽ bắt đầu thay đổi sớm trong những tháng tới.

Cuộc sống mẹ bầu 24 tuần thay đổi thế nào?

Trong những tuần trước đó, phần trên của tử cung của mẹ đã nhô cao quá rốn, kích thước tử cung lúc này cỡ bằng 1 quả bóng đá. Hầu hết bà bầu giai đoạn này cho đến tuần 28 đều trải qua cuộc xét nghiệm dung nạp đường Glucose 75 gram. Xét nghiệm này để kiểm tra xem người mẹ có bị bệnh đái tháo đường do thai hay không- một tình trạng đường trong máu cao khi mang thai.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể làm tăng nguy cơ khó sinh hoặc phải sinh mổ do thai phát triển quá nhanh. Đái tháo đường thai kỳ còn làm tăng tỉ lệ em bé mắc các biến chứng như hạ đường huyết ngay sau khi sinh.

Cuối cùng, nếu bà bầu chưa biết đến các dấu hiệu của việc chuyển dạ sinh non thì đã đến lúc các mẹ cần phải tìm hiểu. Bà bầu nên liên hệ với bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ nếu nhận thấy mình có bất kì dấu hiệu sinh non nào.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về vấn đề sinh non

Có khoảng hơn 12% các thai kỳ có tình trạng sinh non (sinh khi chưa đủ 37 tuần thai kì). Khoảng ¼ số ca sinh này là do có chỉ định y khoa, có nghĩa là đội ngũ bác sĩ quyết định cho mẹ sinh sớm hoặc thực hiện các ca đẻ mổ vì tình trạng sức khỏe nghiêm trọng không thể kéo dài thai kỳ thêm nữa như tiền sản giật nặng hoặc do em bé suy dinh dưỡng trong tử cung nặng. Phần còn lại là do sinh non tự phát. Mẹ có thể có nguy cơ sinh non nếu trước 37 tuần mẹ vào chuyển dạ tự nhiên, vỡ nước ối, hay cổ tử cung ngắn.

Có một số yếu tố tác động dẫn đến việc chuyển dạ sinh non như nhiễm trùng đường sinh dục, các vấn đề về nhau thai như nhau tiền đạo, hoặc hở eo tử cung, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, không ai biết nguyên nhân của việc sinh non. Vì vậy điều quan trọng nhất là mẹ bầu phải học các dấu hiệu nhận biết việc sinh non và bà bầu phải làm gì nếu mình rơi vào trường hợp đó.

Các dấu hiệu của việc sinh non

Nếu mẹ nhận thấy bất kì triệu chứng nào dưới đây trước 37 tuần thai kì, hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất vì có thể mẹ đang có dấu hiệu sinh non:

  • Ra nước vùng âm đạo
  • Ra máu dù là màu đỏ hoặc hồng
  • Đau bụng từng cơn và ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, khi thấy bụng cứng từng cơn với tần suất 4 cơn trong 1 giờ (ngay cả khi không đau) mẹ bầu cần đi khám ngay.
  • Sự gia tăng áp lực vùng xương chậu (cảm giác thai nhi đang đẩy xuống thấp)
  • Đau vùng thắt lưng từng cơn, đặc biệt nếu trước đó mẹ chưa từng bị đau như thế.

Những triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn với một số triệu chứng khác. Triệu chứng tăng áp lực vùng chậu hoặc đau cột sống, thắt lưng có thể là những triệu chứng thông thường xảy ra trong thời gian mang thai. Cơn co thắt tử cung của chuyển dạ sinh non có thể nhầm lẫn với những cơn co thắt tử cung Braxton Hicks vô hại. Ra nước ối âm đạo có thể nhầm lẫn với tình trạng són tiểu hay ra huyết trắng quá nhiều ở thai phụ. Do đó, mẹ bầu vẫn nên liên hệ với bác sĩ nếu gặp những dấu hiệu bất thường trên.

Trẻ sinh non liệu có phát triển bình thường như trẻ sơ sinh đủ tháng khác?

Trẻ sơ sinh khi được sinh đủ tháng sẽ an toàn hơn và ít gặp các vấn đề về sức khỏe. Những bé sinh non từ khoảng tuần 34-37 thì thường phát triển bình thường, mặc dù con vẫn có thể mắc nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe dài hạn và ngắn hạn so với những đứa trẻ sinh đủ tháng. Ngày nay một số trẻ tại Việt Nam được sinh sớm vào tuần thứ 28 (hoặc thậm chí sớm hơn) vẫn có thể sống sót nhờ vào những tiến bộ trong chăm sóc sơ sinh, nhưng những trẻ sinh non này cần có sự can thiệp của y tế và phải được nằm theo dõi tại đơn vị chăm sóc sơ sinh tích cực trong thời gian dài, và những đứa trẻ này có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nghiêm trọng về sau.

Điều tốt mẹ có thể làm để giảm nguy cơ sinh non là tránh những mối nguy hiểm cho con như thuốc lá, rượu bia, những chất ma túy gây nghiện. Mẹ nên có một chế độ ăn uống bổ dưỡng, tham gia đầy đủ các buổi khám thai, kiểm tra định kì và kịp thời thông báo bất kể triệu chứng gì cho bác sĩ chuyên khoa.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 24 tuần: Xét nghiệm dung nạp đường huyết

Xét nghiệm dung nạp đường huyết để kiểm tra bệnh đái tháo đường thai kỳ – một tình trạng đường trong máu cao khi mang thai.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book