Thai nhi 21 tuần phát triển ra sao?
Thai nhi ở tuần thứ 21 có trọng lượng khoảng 360g và dài chừng 26,7cm, tương đương chiều dài của một củ cà rốt. Các mẹ sẽ sớm cảm thấy những chuyển động liên hồi như thể đang tập võ của em bé trong bụng.
Trong khoảng thời gian này, lông mày và mí mắt của em bé đã bắt đầu xuất hiện. Phần xương tai trong của em bé đã hoàn thiện, giúp thai nhi nghe được gần như hầu hết mọi âm thanh bên ngoài tử cung. Bé con trở nên ‘thấu hiểu’ hơn khi biết phân biệt những âm thanh vui, buồn hay tức giận của mẹ. Ba mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con hay cho con nghe nhạc để kích thích sự phát triển tư duy cho bé.
Và nếu mẹ đang mang bầu một bé gái, vùng âm đạo của bé cũng sẽ được hình thành trong khoảng thời gian bé chạm mốc 21 tuần tuổi. Những chuyển động có vẻ yếu ớt ở những tuần trước đó sẽ phát triển thành những cú đạp hay thúc với lực đủ mạnh để mẹ cảm nhận được.
Cuộc sống mẹ bầu 21 tuần thay đổi thế nào?
Mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy khá thoải mái trong những ngày này khi mà cơ thể của mẹ vẫn chưa thực sự quá lớn và những cảm giác khó chịu ở thời gian đầu thai kỳ cũng biến mất. Mẹ hãy tranh thủ tận hưởng sự dễ chịu trước khi chạm mặt những ‘thách thức’ ở giai đoạn cuối của thai kỳ.
Nói là dễ chịu song không có nghĩa là mẹ sẽ không phải đối mặt với vấn đề nào ở tuần thứ 21 này. Ví dụ điển hình có thể kể đến là vấn đề da mẹ tiết nhiều dầu hơn, tạo điều kiện để mụn trứng cá ghé thăm. Nếu mẹ bầu nào đang gặp phải vấn đề này, hãy siêng năng rửa mặt nhưng cũng phải thật nhẹ nhàng 2 lần 1 ngày. Cùng với đó, mẹ nên sử dụng các loại phấn hay kem trang điểm có chức năng kiềm dầu tốt, an toàn với bà bầu.
Lưu ý quan trọng trong giai đoạn này là kể cả khi mọc nhiều mụn, mẹ không nên sử dụng các loại thuốc trị mụn dạng uống bởi rất có thể nó sẽ gây hại đến em bé trong bụng. Tốt nhất bà bầu nên xin ý kiến của bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.
Ngoài ra, mẹ cũng dễ rơi vào tình trạng giãn tĩnh mạch trong thời gian thai nhi được khoảng 21 tuần tuổi. Khi em bé phát triển, áp lực sẽ tăng lên đối với các tĩnh mạch ở chân của bà bầu. Cùng với nồng độ progesterone tăng cao hơn, vấn đề có thể sẽ trở nên tệ hơn, thậm chí là ở cả những lần mang thai sau này. Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu khả năng bị giãn tĩnh mạch, mẹ nên tập những bài thể dục phù hợp hàng ngày hay khi ngủ nằm nghiêng về phía bên trái. Ví trí ngủ này đã được chứng minh là rất có lợi cho mẹ bầu và thai nhi.
Mẹ cũng có thể sớm nhận thấy những hệ thống tĩnh mạch nhỏ có hình dạng như mạng nhện nổi trên bề mặt da, đặc biệt là trên mắt cá chân, đùi hoặc mặt. Mặc dù chúng có thể gây ảnh hưởng không tốt về măt thẩm mỹ, song ‘tĩnh mạch mạng nhện’ không gây khó chịu cho mẹ và thường sẽ biến mất sau khi sinh.
Kiến thức cho mẹ: Vì sao mẹ cần bổ sung canxi?
Về ăn uống trong giai đoạn này, mẹ cần nạp các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung canxi bởi xương của bé đang phát triển và dần trở nên cứng cáp hơn.
Mẹ bầu cũng nên ăn nhiều rau xanh để cung cấp đủ lượng vitamin B cho cả cơ thể mẹ và bé. Uống đủ lượng nước mỗi ngày cũng là một nhiệm vụ mà mẹ phải ghi nhớ. Khoảng 6-8 ly nước mỗi ngày là cần thiết. Mẹ cũng nên dùng thêm nhiều nước hoa quả ít ngọt như nước dừa hay nước cam sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Cần hạn chế tối đa nước mía vì nước mía quá ngọt sẽ làm tăng đường huyết của mẹ, mẹ dễ bị đái tháo đường thai kỳ.
Việc mẹ cần làm khi mang thai 21 tuần: Lên lịch đi khám thai
Giai đoạn mang thai 21-22 tuần là một trong các mốc khám thai quan trọng nhất. Vì vậy ngay từ tuần này, mẹ cần lên kế hoạch trong lần khám thai ở tuần sau.
Ngoài ra, các cặp đôi cũng nên rút ngắn danh sách tên bạn muốn đặt cho con để chọn được cái tên ưng ý nhất.
GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM
BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG
GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA
ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI: