X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Khám thai

KHÁM THAI 3 THÁNG GIỮA

By on 14/04/2016

Những thay đổi của thai kỳ 3 tháng giữa

Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với các mẹ bầu khi cảm nhận được sự di chuyển lần đầu tiên của bé yêu trong bụng. Đó là hiện tượng thai máy, thường xảy ra ở tuần thai 16 – 20. Ở người con rạ, người mẹ thấy thai máy sớm hơn so với người con so. Ngoài ra ở giai đoạn này, hầu hết các triệu chứng khó chịu như nghén, mệt mỏi… đa phần đều đã hết. Do vậy mẹ bầu có thể ăn uống được nhiều thứ mình thích hơn, thấy dễ chịu hơn nhiều so với giai đoạn 3 tháng đầu tiên (từ lúc có thai đến khi thai đủ 13 tuần.
Tuy nhiên ở 3 tháng giữa của thai kỳ (14 đến 26 tuần), nhiều sản phụ có thể gặp tình trạng táo bón, chóng mặt và khó thở do thai lớn lên gây sức ép lên lồng ngực và phổi, ép lên các tĩnh mạch. Bên cạnh đó các vết rạn ở da bắt đầu xuất hiện ở ngực, mông, đùi.

Khám thai 3 tháng giữa là khám những gì

Lịch khám thai trong 3 tháng giữa:các thai phụ khám thai mỗi 4 tuần một lần cho đến 28 tuần. Các công việc quan trọng là siêu âm khảo sát hình thái thai nhi (siêu âm 4D) từ tuần thứ 20 đến 24, test tầm soát tiểu đường thai kỳ (OGTT) từ 24 đến 28 tuần và tiêm phòng uốn ván rốn.

Khảo sát dị tật thai nhi

Quy trình khảo sát dị tật thai nhi được thực hiện trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, đa phần các dị tật về mặt hình thái thai nhi sẽ được phát hiện trong giai đoạn 3 tháng giữa. Siêu âm hình thái thai nhi (siêu âm 4 chiều) là một khảo sát nhằm tìm các bất thường thai nhi về mặt cấu trúc và hình thái.

Tầm soát bệnh lý đái tháo đường

Đái tháo đường ở phụ nữ mang thai chia thành 3 loại:

  • Đái tháo đường trong thai kỳ (DIP) là đái tháo đường đã được chẩn đoán trước khi mang thai hoặc trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
  • Đái tháo đường thai kỳ là những trường hợp người phụ nữ không bị đái tháo đường trước lúc mang thai và chỉ được chẩn đoán đoán đái tháo đường ở từ thời điểm 24 tuần trở về sau.

Test dung nạp Glucose 75 gram hiện nay được triển khai thường quy cho mọi thai phụ Việt Nam từ 24-28 tuần nhằm tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ như tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, béo phì, bị hội chứng buồng trứng đa nang PCOS, tiền sử sinh con to trên 4000 gram hoặc tiền sử thai chết lưu…, việc thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose 75 gram có thể thực hiện từ rất sớm, trong 3 tháng đầu của thai kỳ nhằm phát hiện những trường hợp đái tháo đường trong thai kỳ (DIP) chưa được chẩn đoán trước lúc mang thai. Tuy nhiên, các chỉ số xác định đái tháo đường trong thai kỳ lúc này tương tự như những phụ nữ chưa mang thai (đường huyết lúc đói >126 mg/dL) chứ không phải của người đái tháo đường thai kỳ (lúc 24028 tuần).

Đa số những trường hợp đái tháo đường thai kỳ sẽ biến mất sau sinh. Tuy nhiên, một số thai phụ sẽ bị đái tháo đường type 2 về sau.

Theo dõi sự phát triển và đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi

Thai nhi đang phát triển như thế nào là một câu hỏi của bất kỳ bà mẹ ông bố nào khi chuẩn bị đón bé yêu chào đời. Việc theo dõi sự phát triển của thai nhi được thực hiện qua thăm khám lâm sàng của người BS chuyên khoa phụ sản (đo bề cao tử cung, vòng bụng…), siêu âm các kích thước của thai nhi (Đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, đường kính ngang bụng, chu vi vòng bụng…), khảo sát Doppler mạch máu nuôi dưỡng (Động mạch rốn, Động mạch tử cung) hoặc Doppler mạch máu của bản thân thai nhi (Động mạch não giữa…).

Tiêm ngừa uốn ván

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân. Để phòng ngừa uốn ván cho trẻ sơ sinh, theo phác đồ khám thai của bộ y tế Việt Nam, mọi phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng uốn ván hai mũi các nhau 1 tháng. Mũi cuối cùng nên được tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

KHÁM THAI 3 THÁNG CUỐI

By on 14/04/2016

Tam cá nguyệt thứ 3 (từ khi thai nhi được 27 tuần cho đến khi sinh) được xem là giai đoạn thai nhi tăng trưởng nhanh nhất. Vì vậy, sự chăm sóc của mẹ trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng, vừa có tác dụng hỗ trợ cho sự phát triển, vừa chuẩn bị cho sự chào đời của con một cách tốt nhất

1/ Tầm quan trọng của việc chăm sóc tiền sản 3 tháng cuối thai kỳ

Về cơ bản, sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn cuối thai kỳ gần như đã hoàn chỉnh về mặt cấu trúc các cơ quan. Tuy nhiên, không phải cấu trúc thai nhi trong giai đoạn 3 tháng giữa được xác định bình thường có nghĩa là trong giai đoạn 3 tháng cuối cũng bình thường. Có những bất thường về mặt cấu trúc của thai nhi đã có trong giai đoạn 3 tháng đầu nhưng chưa thể phát hiện được. Đến giai đoạn này, các bất thường cấu trúc thai nhi bộc lộ rõ hơn, và có thể phát hiện được qua thăm khám.

Việc khám thai 3 tháng cuối giúp phát hiện và điều trị các bệnh lý nội khoa của mẹ như đái tháo đường, tiền sản giật, sản giật, tim, tuyến giáp. Những bệnh lý này không những có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ trong suốt quá trình mang thai mà có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cả mẹ và em bé trong cuộc sinh và sau sinh.
Ngoài ra, việc khám thai ba tháng cuối còn giúp phát hiện và chuẩn bị xử trí các bất thường về “phần phụ” như các bất thường về bánh nhau, dây rốn, nước ối… Gọi là “phần phụ” vì nó không phải là “phần chính”- thai nhi. Tuy nhiên, những bất thường của “phần phụ” này ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi. Dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, dây rốn có một động mạch, dây rốn bám màng…, nhau tiền đạo, bánh nhau phụ, mạch máu tiền đạo…, thiểu ối, đa ối…, dãi sợi ối… là những bất thường không chỉ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi mà còn cả người mẹ.

2/ Chế độ dinh dưỡng chuẩn cho thai phát triển toàn diện nhất

Trong giai đoạn “nước rút” này, mỗi ngày, bầu nên cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây, đồ biển, cá, tôm, cua, ốc…
Những quan điểm sai lầm như “uống nước mía cho con sinh ra sạch” cần nên loại bỏ! Việc uống nước mía chỉ cung cấp nước cho các thai phụ. Thành phần đường trong nước mía ngoài việc cung cấp năng lượng cho thai phụ thì không có lợi gì cả. Đường trong nước mía chỉ góp phần đưa các thai phụ vào tình trạng đái tháo đường nhanh thai kỳ nhanh hơn, trẻ sinh ra dễ bị sang chấn sản khoa, kẹt vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…

3/ Tập thể dục 3 tháng cuối: Lợi mẹ, lợi con!

Thể dục khi mang thai, nhất là những bài tập thể dục trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ giúp mẹ bầu kiểm soát mức cân nặng, ngăn ngừa đái tháo đường thai kỳ và những biến chứng nguy hiểm mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, việc tập thể dục cũng tùy từng tình trạng thai kỳ. Không phải thai phụ nào cũng tập thể dục như nhau. Những người bị dọa sinh non hoặc tiền sử sinh non, khâu eo cổ tử cung, những người bị nhau bám thấp, nhau tiền đạo, những người đang mang song thai hoặc đa thai…, việc “đi bộ quá nhiều cho dễ sinh” như quan điểm được truyền miệng xưa nay có thể làm cho các thai phụ chuyển dạ sinh sớm hơn, sinh non…

4/ Học cách“hít thở”

Hít thở có gì phải học?
Con người sinh ra phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chuyện hít thở là chuyện tự nhiên, ai cũng biết, không cần phải học!
Đúng vậy. Nếu chỉ để bản thân sống được thì không cần phải học “hít thở”. Nhưng để sinh đẻ ra được đứa con khỏe mạnh thì phải học “hít thở”. Hít thở sao cho hơi thở dài hơn, lượng oxy hít vào nhiều hơn, chuẩn bị cho một hơi rặn dài hơn để rặn sinh. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho quá trình chào đời của bé, giúp các bà mẹ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào phòng sinh.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

KHÁM THAI 3 THÁNG ĐẦU

By on 14/03/2016

Việc khám thai định kỳ là vô cùng quan trọng để theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của mẹ và bé, đặc biệt trong ba tháng đầu thai kỳ vì đây được xem là giai đoạn nhạy cảm của thai nhi. Giai đoạn 3 tháng đầu, các cơ quan của thai nhi dần dần được hình thành và y học gọi giai đoạn này là giai đoạn biệt hóa các cơ quan. Trong giai đoạn này, bất kỳ một tác nhân nào ảnh hưởng lên thai nhi đều có thể tác động đến sự biệt hóa của các cơ quan, dẫn đến các dị tật bào thai, thậm chí có thể gây thai chết lưu, sẩy thai…

Xét nghiệm máu

Khi mang thai 3 tháng đầu, ngoài những xét nghiệm thường quy để xác định nhóm máu, yếu tố Rh, việc xét nghiệm máu còn để kiểm tra tình trạng thiếu máu của người mẹ (qua công thức máu-huyết đồ), phát hiện các bệnh lây nhiễm như viêm gan siêu vi B (HBsAg), giang mai, HIV.

Các xét nghiệm máu thường quy được chỉ định:

  • Tổng phân tích tế bào máu, Ferritin huyết thanh
  • Nhóm máu ABO, Rh
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục, mẹ-con: HIV (tự nguyện), HBsAg, giang mai, Rubella (IgM, IgG) (khi không có bằng chứng tiêm ngừa trước đó
  • Glucose lúc đói (hoặc OGTT 75 gram nếu thuộc nguy cơ cao)
  • Chức năng gan: AST, ALT,
  • Chức năng thận: Creatinin
  • Chức năng tuyến giáp: TSH, FT4
  • Xét nghiệm dung nạp Glucose 75 gram (OGTT) (đối với thai phụ nguy cơ cao bị đái đáo đường)

Những xét nghiệm này nhằm mục đích giúp các thầy thuốc có thể tư vấn và thực hiện các can thiệp sớm giúp cho việc ra đời một đứa bé khỏe mạnh nhất.

Xét nghiệm nước tiểu

Kết quả tổng phân tích nước tiểu trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên sẽ cho biết thai phụ có bị bệnh đái tháo đường, tình trạng tiểu protein niệu, hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện sớm và can thiệp phù hợp sẽ dẫn đến dị tật thai nhi, thai suy dinh dưỡng trong tử cung, hoặc thai quá to gây tăng nguy cơ bị các sang chấn sản khoa lúc sinh, thai chết lưu lúc gần ngày sinh…

Tiểu protein làm tăng nguy cơ bị bệnh thận, tăng huyết áp, tiền sản giật lúc mang thai. Tiền sản giật-sản giật vẫn còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ ở các nước đã phát triển và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai sau băng huyết sau sinh ở các nước đang phát triển. Ở những thai phụ có nguy cơ cao bị tiền sản giật, việc can thiệp bằng cách sử dụng aspirin từ trong 3 tháng đầu góp phần không nhỏ làm giảm nguy cơ bị tăng huyết áp, tiền sản giật về sau.

Nhiễm trùng đường niệu không triệu chứng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh non, sẩy thai to ở thai phụ. Gọi là “nhiễm trùng niệu không triệu chứng” là vì nó hoàn toàn không gây những khó chịu gì cho người mẹ, chỉ thể hiện các bất thường trên xét nghiệm nước tiểu trong giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhiễm trùng niệu giúp giảm nguy cơ sẩy thai to, sinh non về sau.

Siêu âm đầu dò ngả âm đạo trong 3 tháng đầu của thai kỳ

Kỹ thuật này nhằm kiểm tra:
– Tình trạng của tử cung và buồng trứng để phát hiện các bất thường nếu có.
– Xác định thai trong tử cung hay thai ngoài tử cung
– Xác định một thai hay song thai
– Xác định tính sinh tồn của thai nhi, xem có hoạt động tim thai không?
– Xác định xem có tình trạng bong tróc túi thai, xuất huyết sau bánh nhau của động thai nếu có. Tính tuổi thai (CRL≥10mm) và ngày dự sinh (nếu thai 7-11 tuần, chọn thông tin ngày dự sinh theo siêu âm lần này nhập vào phần mềm và ghi vào sổ khám thai)

Đo độ mờ da gáy (NT- Nuchal translucency)
Đây là một trong các phương pháp sàng lọc hội chứng Down, các bất thường lệch bội nhiễm sắc thể thai nhi.
Đa số trẻ mắc hội chứng Down sẽ có da gáy dày.
Test kết hợp (Combined test)
Việc đo độ mờ da gáy kết hợp với xét nghiệm hai chất hóa sinh máu mẹ (định lượng β-hCG tự do và PAPP-A) sẽ cho biết nguy cơ thai nhi bị rối loạn lệch bội nhiễm sắc thể và hội chứng Down hay không. Nếu trả lời thai phụ có nguy cơ cao bị hội chứng Down hoặc các bất thường lệch bội nhiễm sắcthể, các can thiệp chuyên sâu có thể thực hiện như xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT), sinh thiết gai nhau (11-13 tuần) hoặc chọc ối (sau 16 tuần) nhằm khảo sát bộ nhiễm sắc thể của thai nhi.

Xét nghiệm tiền sản không xâm lấn

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐANG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book