Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Thai nhi 19 tuần tuổi: Chất sáp phủ màu trắng hình thành trên da

Thai nhi 19 tuần tuổi: Chất sáp phủ màu trắng hình thành trên da

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Các giác quan của thai nhi tuần thứ 19 tiếp tục phát triển lên đến đỉnh điểm. Bộ não của bé cũng dần định hình các vùng đặc biệt về khứu giác, vị giác, thính giác, thị giác và xúc giác.

Thai nhi 19 tuần phát triển ra sao?

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng thai nhi có thể nghe được giọng nói của mẹ vào giai đoạn này, vì vậy mà bố mẹ đừng ngại ngần đọc sách, nói chuyện với con, hay hát một giai điệu vui vẻ…

Về kích thước, chiều dài của thai nhi khoảng 15,3cm tính từ đầu đến mông và nặng khoảng 240g, tương đương một quả cà chua lớn. Cánh tay, chân và các bộ phận trên cơ thể của bé có kích thước tương xứng nhau.

Thời kì này thận của thai nhi tiếp tục tạo ra nước tiểu và trên da đầu tóc bắt đầu mọc. Một chất sáp phủ màu trắng còn gọi là chất gây (caseosa vernix) được hình thành trên da bé để bảo vệ da khi ngâm trong nước ối.

Cuộc sống của mẹ bầu 19 tuần thay đổi như thế nào?

Bạn có cảm nhận được cơ thể mình đã to lớn hơn khá nhiều không? Bụng của mẹ bầu sẽ bắt đầu phát triển nhanh hơn trong những tuần tiếp theo. Kết quả là, thỉnh thoảng mẹ sẽ cảm nhận vài cơn đau ở vùng bụng dưới hoặc thậm chí bị nhói bất chợt ở cả hai bên bụng – đặc biệt khi mẹ di chuyển nhiều hoặc sau một ngày làm việc căng thẳng. Có thể đây là dấu hiệu của đau dây chằng tròn- một dây chằng giữ đáy tử vào thành chậu.

Dây chằng là phần nâng đỡ tử cung của mẹ có sự biến đổi kích thước linh hoạt để phù hợp với trọng lượng ngày càng tăng của thai nhi trong bụng. Điều này không có gì đáng lo ngại, nhưng mẹ cũng nên gọi cho bác sĩ hoặc hộ sinh nếu cơn đau vẫn tiếp tục hoặc thậm chí nó xảy ra ngay cả khi mẹ đang nghỉ ngơi hoặc nó trở nên trầm trọng hơn.

Trong tuần 19 của thai kì, bà bầu cũng có thể nhận thấy một số thay đổi về da. Lòng bàn tay của mẹ sẽ có màu đỏ hơn, đừng lo lắng! Nguyên nhân đơn giản là do estrogen. Những mảng da màu sẫm cũng có thể xuất hiện bởi sự gia tăng tạm thời về sắc tố. Khi những mảng tối hơn xuất hiện trên má và trán, chúng được gọi là nám da hay còn được gọi là “lớp mặt nạ thai kỳ”. Mẹ cũng có thể thấy vùng da ở nhũ hoa, tàn nhang, sẹo, vết thâm vùng nách, bẹn và âm hộ sẫm màu hơn.

Trên bụng sẽ xuất hiện một đường sẫm màu kéo dài từ rốn đến xương mu được gọi là linea nigra hay “đường sọc đen”. Đường sọc đen này sẽ mờ đi sau khi sinh.

Trong thời gian này hãy bảo vệ chính mình khỏi ánh nắng mặt trời bởi nó có thể làm tăng sự thay đổi sắc tố của các mẹ. Mẹ nên đội mũ vành, che chắn kĩ lưỡng hoặc sử dụng kem chống nắng khi đi ngoài đường và nếu bạn ý thức được “chiếc mặt nạ” của mình, trang điểm một chút có thể giúp mẹ trở nên hoàn hảo hơn.

Giống như những tuần trước đó, mẹ cũng cần tuân thủ một chế độ ăn uống cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cơ thể mẹ và cũng là cho em bé đang lớn dần trong bụng. Mẹ có thể ăn thành nhiều bữa mỗi ngày thay vì chỉ tập trung vào 3 bữa chính để lượng dinh dưỡng cung cấp được ổn định. Mẹ cần bổ sung thêm sắt khi nhu cầu về lượng máu tăng từ các loại thực phẩm như gan, thịt đỏ, các loại đậu, hay hoa quả như mận. Quá trình hấp thu sắt từ các thực phẩm này sẽ hiệu quả hơn nếu mẹ bổ sung vitamin C cho cơ thể.

Kiến thức cho mẹ: Đặt tên cho con

Như đã nói bên trên, thời điểm này thai nhi có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài tử cung. Vì vậy cha mẹ cũng nên tìm hiểu và đặt cho con một cái tên ở nhà cũng như tên chính thức để gọi con mỗi lần trò chuyện với bé.

Khi đặt tên cho con, bố mẹ nên tham khảo ý kiến người lớn như ông bà, bố mẹ trong gia đình để tránh đặt phải những tên bị trùng nhau quá nhiều. Mẹ cũng cần chú ý khi đặt tên cho con nên chọn những cái tên độc đáo, phù hợp với năm sinh và tránh đặt tên khó phân biệt giới tính.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 19 tuần: Lên kế hoạch về việc chăm sóc bé trong tương lai

Có thể hơi sớm nhưng tốt hơn cả các cặp đôi lên có kế hoạch cho việc chăm sóc con trong tương lai. Nếu bạn đi làm công sở, hãy nghĩ đến việc cần phải sắp xếp công việc, bàn giao công việc như thế nào cho ổn thỏa trước khi nghỉ sinh.

Bạn cũng nên tính toán đến việc thuê người giúp việc hoặc nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ, người thân trong việc chăm sóc em bé trong tương lai.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Trả lời