Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu như thế nào? TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (cơ sở 2)

Tiêm uốn ván cho bà bầu

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt nguy hiểm đối với bà bầu và trẻ sơ sinh (95% trẻ sơ sinh mắc uốn ván bị tử vong). Do đó, tất cả phụ nữ mang thai cần phải được chích ngừa vắc xin để phòng bệnh uốn ván cho cả mẹ và bé đã nằm trong quy định được ban hành bởi Bộ Y tế Việt Nam.

Vì sao cần tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?

Uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong rất cao do độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani của uốn ván có khả năng gây hại rất mạnh. Loại trực khuẩn này có mặt ở khắp mọi nơi, khả năng sinh sôi và tồn tại của nó rất mạnh, ngay cả việc đun sôi ở thời gian dài cũng không tiêu diệt triệt để được.

Đặc biệt, khi mắc uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao (> 90%). Nếu trẻ sơ sinh mắc này thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 95%. Và đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh là những người có vết thương hở ngoài da, phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh…

Chính vì vậy, tiêm vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu là việc làm cực kỳ quan trọng. Vắc xin sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của chị em tránh được tác nhân gây hại bên ngoài, nhất là khi chuyển dạ có thể ngăn chặn trực khuẩn uốn ván tấn công cả mẹ và con.

Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Đồng thời kháng thể này có thể được truyền sang cơ thể thai nhi giúp hạn chế tối đa việc bị uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh.

Tổng số lần tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) là 5 mũi, trong đó  tiêm phòng uốn ván cho bà bầu lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản. Cụ thể, lịch tiêm phòng uốn ván cho bà bầu vào các khoảng thời gian sau:

– Với người chưa tiêm phòng uốn ván lần nào: tiêm mũi đầu khi phát hiện thai nghén bất kỳ ở tháng nào; tiếp theo tiêm mũi thứ hai sau mũi tiêm đầu ít nhất một tháng và phải cách thời gian dự kiến đẻ ít nhất 1 tháng.

– Với những người đã tiêm đủ 2 mũi, nếu:

 Lần tiêm trước trước < 5 năm: tiêm 1 mũi.

 Lần tiêm trước trước > 5 năm: tiêm 2 mũi.

– Với người đã tiêm ba mũi hoặc bốn mũi, cần tiêm nhắc lại một mũi.

– Với người đã tiêm đủ năm mũi phòng uốn ván theo đúng lịch, nếu mũi tiêm cuối cùng cách đã 10 năm trở lên thì nên tiêm thêm một mũi nhắc lại.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu ở đâu?

Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có thể thực hiện ở các địa điểm:

–          Trung tâm Y tế dự phòng/Trạm Y tế các xã, phường, quận, huyện

–          Các Bệnh viện sản/Bệnh viện đa khoa

–          Các Trung tâm tiêm chủng

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin, mẹ bầu nên lựa chọn các cơ sở uy tín, được chứng nhận của Bộ Y tế về tiêm chủng.

Giá tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Có nhiều loại vắc xin phòng ngừa uốn ván, bao gồm vắc xin đơn giá (vắc xin chỉ phòng 1 bệnh duy nhất) và các vắc xin kết hợp có chứa thành phần uốn ván. Với bà bầu, vắc xin được sử dụng thường là vắc xin đơn giá. Giá tiêm phòng cũng sẽ có sự khác nhau phụ thuộc vào loại vắc xin.

Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu

– Tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu, có thể gây buốt, phồng ở nơi tiêm hoặc sốt nhẹ sau khi về nhà. Theo các chuyên gia y tế, đây chỉ là một phản ứng hết sức bình thường khi vắc xin vào cơ thể, các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Tình trạng này sẽ tự động khỏi sau một thời gian (3-4 ngày), không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân và thai nhi.

– 3 tháng đầu thai kỳ phụ nữ thường mệt mỏi và hay bị ốm nghén, vì vậy việc tiêm phòng uốn ván thường thực hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ. Và mũi 2 phải bảo đảm được tiêm trước khi sinh ít nhất một tháng.

– Trong một số trường hợp, các mẹ bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc xin uốn ván như: bản thân bị các bệnh khớp, thận, cúm, mang đa thai hoặc có nguy cơ sinh non…

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng khoa Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (cơ sở 2)

Giám đốc Chuyên môn Phòng Khám Hoàng Gia

Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM

 

KHÁM VÀ TƯ VẤN

Book

Để lại một bình luận