Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển ra sao?

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG

Sự phát triển mang tính bước ngoặt lớn nhất trong tuần này của bé là: phản xạ. Các ngón tay của bé đã có phản xạ đóng – mở rõ ràng, các ngón chân thì cong lại. Thai nhi sẽ cử động nếu bụng mẹ bị kích thích, mặc dù bạn hoàn toàn chưa cảm thấy gì.

Ruột của bé, vốn trước thời điểm này đã phát triển nhanh và nhô vào dây rốn, sẽ bắt đầu di chuyển vào trong khoang ổ bụng, thận cũng thực hiện nhiệm vụ bài tiết nước tiểu vào bàng quang của bé.

Trong khi đó, các tế bào thần kinh cũng tăng lên theo cấp số nhân, và các khớp nối thần kinh cũng đang hình thành mạnh mẽ trong não của bé. Khuôn mặt bé dần rõ nét: mắt đã bắt đầu dịch chuyển lại gần nhau ở phía trước thay vì nằm cách xa nhau, tai đã mọc đúng vị trí…

Từ đầu đến chân, tuần này, bé yêu của bạn dài khoảng hơn 5,4 cm (có kích cỡ gần giống quả chanh xanh), nặng khoảng 14g.

Cuộc sống mẹ bầu 12 tuần thay đổi như thế nào?

Tử cung của bạn đã to lên rất nhiều và bác sĩ sản khoa có thể cảm nhận được điểm cao nhất của tử cung nằm ngày trên khớp mu. Ở tuần này, bạn có thể cần chuyển sang mặc quần áo bầu, đặc biệt nếu đây không phải là lần mang thai đầu tiên.

Ợ nóng (còn gọi là chứng khó tiêu do trào ngược dịch dạ dày chứa axit) cũng thường xảy ra ở tuần thai thứ 12. Cảm giác nóng rát thường lan từ vùng dưới xương ức tới vùng họng. Nguyên nhân là do trong thời gian mang thai, nhau thai sản xuất rất nhiều hormone progesterone làm giãn van ngăn cách dạ dày và thực quản khiến dịch dạ dày chứa axit bị trào ngược lên thực quản khiến cho bạn có cảm giác nóng rát. Progesterone cũng làm giảm nhu động dạ dày khiến cho sự tiêu hóa chậm lại. Đặc biệt, vào những tháng cuối thai kỳ, tử cung chứa thai nhi phát triển đã đẩy ruột non và dạ dày lên cao càng làm chậm sự tiêu hóa và cũng đẩy dịch dạ dày (chứa axit) lên thực quản.

Khoảng 8/10 phụ nữ mang thai bị ợ nóng vào một số thời điểm. Với phụ nữ lần đầu mang thai, cảm giác ợ nóng không quá tệ. Nhưng với phụ nữ mang thai con rạ, cảm giác này đôi khi cực khó chịu.

Kiến thức cho mẹ: Tiết dịch âm đạo trong thai kỳ

Đừng quá lo lắng nếu bạn bị tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường. Điều này rất thường xảy ra với phụ nữ mang thai.

Dịch nhầy màu trắng sữa, không hôi, không gây rát buốt, dính trong quần lót của bạn trong thời gian đầu mang thai có thể là do việc gia tăng sản sinh estrogen từ nhau thai cùng với lưu lượng máu đến vùng âm đạo lớn hơn.

Với tiết dịch âm đạo tăng lên, khi nào cần hỏi bác sĩ?

Nếu bạn thấy xuất hiện nhiều chất dịch trong, mỏng… thì khó để nói đó chỉ là chất nhầy thông thường hay là bị rò rỉ nước ối. Hoặc nếu dịch này gây cảm giác khó chịu như có mùi hôi, đóng thành từng mảng, gây rát buốt vùng cửa mình, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán và tư vấn chính xác nhất.

Gọi cho bác sĩ hoặc chuyên gia y tế ngay, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Bạn mang thai chưa được 37 tuần và bạn nhận thấy sự gia tăng dịch tiết âm đạo; hoặc sự thay đổi trong dịch tiết âm đạo (nếu dịch tiết nhiều như chảy nước, chất nhầy, hoặc chảy máu – ngay cả khi chỉ là những đốm máu hồng hoặc nâu…). Đây có thể là dấu hiệu của dọa sẩy thai to hoặc chuyển dạ sinh non.
  • Âm đạo tiết dịch màu trắng, nhiều thành từng mảng trắng… khiến bạn khó chịu như: đau khi đi tiểu hoặc giao hợp; đau nhức; ngứa hoặc viêm âm hộ… Đây có thể là dấu hiệu mẹ bầu bị nhiễm nấm men.
  • Bạn thấy nhiều dịch màu trắng hoặc màu xám nhẹ với mùi tanh sau khi quan hệ tình dục. Rất có thể, bạn đã bị viêm âm đạo do vi khuẩn.
  • Dịch tiết của bạn có màu vàng hoặc xanh và có mùi khó chịu như mùi cá thối. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trichomonas – một bệnh lây truyền qua đường tình dục khá thường gặp. Các triệu chứng có thể có khác khi nhiễm trichomonas bao gồm: âm hộ, âm đạo ngứa, đỏ; bị ngứa hoặc khó chịu khi đi tiểu hay khi giao hợp.
  • Dịch tiết có mùi hôi hoặc có mùi nồng khó chịu; hoặc có màu vàng, xanh lá cây hay xám… Bạn có thể bị nhiễm trùng âm đạo hoặc nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, ngay cả khi bạn không có triệu chứng kích ứng, ngứa hoặc nóng…

Lưu ý: Nếu bạn nghĩ mình bị nhiễm trùng, đừng cố tự điều trị bằng các loại thuốc mà không có kê đơn của bác sĩ. Các triệu chứng bệnh không phải lúc nào cũng dễ nhận biết và phân biệt, vì vậy điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời và nhanh chóng nhận được sự điều trị thích hợp.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 12: Siêu âm đo độ mờ da gáy

Đo độ mờ da gáy hay còn gọi là đo khoảng sáng sau gáy là cách kiểm tra vùng da gáy của thai nhi để phát hiện sớm hội chứng down. Xét nghiệm này thông thường được tiến hành qua phương pháp siêu âm vùng bụng của thai phụ, rất đơn giản, nhanh gọn hoàn toàn không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

Mẹ bầu cần xác định tuổi thai chính xác để thực hiện các giai đoạn thăm khám thai cần thiết trong thai kì. Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, thời điểm thực hiện đo độ mờ da gáy thích hợp nhất từ tuần 11 đến 13 tuần + 6 ngày của thai kì. Tốt nhất là siêu âm vào mốc thai 12 tuần tuổi.

Không thực hiện kiểm tra độ mờ da gáy trước 11 tuần vì bào thai còn quá nhỏ. Còn thực hiện từ 14 tuần trở đi thì kết quả đo không có ý nghĩa nữa vì da gáy có thể trở về bình thường nhưng không có nghĩa thai nhi khỏe mạnh bình thường.

Kết quả đo khoảng sáng sau gáy của thai nhi có thể phối hợp thêm xét nghiệm Double test giúp bác sĩ điều trị cân nhắc về việc bạn có cần thực hiện xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT) hay sinh thiết gai nhai trong giai đoạn này hoặc tiến hành chọc dò nước ối lúc thai 16-17 tuần để truy tìm các các bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi.

Bên cạnh đó, việc siêu âm thai ở tuần 11-13 của thai kì giúp mẹ lần đầu nhìn rõ các bộ phận trên cơ thể của thai nhi như đầu, tay chân, cột sống…

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Để lại một bình luận