Chuyên mục
Chuyên Đề Chuyên đề Sản Khoa

Những điều cần biết khi thai nhi được 36 tuần

Thai nhi tuần 36: Bé sẵn sàng cho việc chào đời

Thai nhi 36 tuần phát triển ra sao?

Ở thời điểm này, trọng lượng cơ thể thai nhi tiếp tục tăng nhanh với cân nặng khoảng 2,6kg và dài 47,4cm.

Lúc này, cơ thể bé bắt đầu rụng dần lông tơ cùng bã nhờn –  chất đặc biệt quan trọng được hình thành khi bé phát triển trong bụng mẹ với mục đích bảo vệ da bé khi ngâm mình trong nước ối. Do em bé nuốt phải các bã nhờn cùng các chất tiết ra khác trong tử cung nên kết quả là mẹ sẽ thấy vài ngày đầu sau khi sinh, phân trẻ sơ sinh thường có màu xanh lá cây, màu đen và có tính chất dính.

Thông thường thai nhi 36 tuần đã quay đầu ở ngôi thai thuận (đầu hướng xuống phía xương chậu) và có tư thế thuận lợi nhất để bé dễ dàng đi qua ống sinh của mẹ. Một số trường hợp, thai nhi không tự quay đầu (ngôi mông- ngôi ngược) mà phải nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ thông qua các thao tác gây áp lực lên bụng gọi là ngoại xoay thai.

Vì phổi của bé đã có đủ khả năng để có thể thích nghi với môi trường bên ngoài nên nếu mẹ chuyển dạ trong tuần này thì hãy yên tâm vì sức khỏe của bé sẽ ít có nguy cơ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sinh con ở tuần 36 chỉ nên diễn ra trong tình huống bắt buộc và có sự chỉ định về mặt sản khoa sau khi được bác sĩ chuyên khoa phụ sản thăm khám và tư vấn kỹ.

Cuộc sống mẹ bầu 36 tuần thay đổi như thế nào?

Đến tuần thai 36, thai nhi đã chiếm rất nhiều diện tích trong bụng và tử cung chứa thai nhi quá to đã chèn ép lên dạ dày của mẹ khiến mẹ bầu có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống thông thường. Chính vì thế, cách tốt nhất là mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và ăn thành nhiều bữa.

Mặt khác, các bạn sẽ nhận thấy hiện tượng ợ nóng sẽ giảm đi và bạn dễ thở hơn do lúc này em bé đã bắt đầu chuyển dần vị trí xuống xương chậu của mẹ. Quá trình này gọi là sa bụng và thường xảy ra một vài tuần trước khi sinh nếu đây là em bé đầu tiên của bạn. Nếu bạn đã sinh em bé trước đó, thì có lẽ quá trình này sẽ không xảy ra cho tới khi bạn thật sự vào chuyển dạ với những cơn đau bụng.

Ở tuần thai thứ 36, khi thai nhi di chuyển xuống xương chậu, bạn sẽ cảm thấy tăng áp lực ở bụng dưới khiến việc đi lại sẽ ngày càng khó khăn. Đồng thời đây có thể là nguyên nhân làm cho mẹ bầu phải đi tiểu thường xuyên. Nếu em bé nằm ở vị trí thấp, mẹ có thể cảm thấy rất nhiều áp lực cũng như sự khó chịu, không thoải mái ở âm đạo.

Đặc biệt ở thời điểm này, mẹ bầu có thể sẽ nhận thấy các cơn co thắt tử cung của chuyển dạ giả (Braxton Hicks) xuất hiện thường xuyên hơn. Chính vì thế, bạn cần trang bị đầy đủ các kiến thức về dấu hiệu chuyển dạ và đừng quên giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ của mình khi không thể phân biệt được cơn co thắt tử cung Braxton Hicks với cơn co thắt tử cung của chuyển dạ thật sự. Cần nhớ rằng không ít trường hợp sản phụ đã sinh rớt tại nhà vì không phân biệt được hai loại cơn gò này.

Theo quy tắc chung, nếu mẹ mang thai đủ tháng, quá trình mang thai sẽ không có nhiều rắc rối và nước ối của mẹ không bị vỡ sớm. Khi ấy mẹ có thể sẽ phải chờ cho đến khi cơn co thắt kéo dài mỗi lần khoảng một phút và cứ mỗi 5 phút hoặc ngắn hơn thì cơn co thắt lại xuất hiện một lần. Tất nhiên, nếu nhận thấy bé yêu giảm chuyển động hoặc thấy ra nước ở vùng kín nghĩ đến nước ối đã bị vỡ, chảy máu âm đạo, sốt, đau đầu dữ dội và dai dằng, đau bụng liên tục, thị lực giảm… thì bạn cần đi bệnh viện ngay.

Một lưu ý dành cho mẹ bầu ở những tuần cuối thai kỳ là cho dù quá trình mang thai của bạn có khỏe đến đâu thì vẫn nên tránh đi máy bay hoặc thực hiện chuyến du lịch xa nhà ở giai đoạn này bởi bạn có thể sinh em bé bất cứ lúc nào.

Kiến thức cho mẹ bầu: Nhận biết dấu hiệu sắp sinh con

Những dấu hiệu sắp sinh dễ dàng thấy nhất bao gồm:

Bụng tụt xuống thấp

Trong vài tuần cuối của thai kỳ, chị em có thể dễ dàng nhận thấy bụng bầu có chiều hướng tụt xuống thấp đáng kể. Điều này báo hiệu cho bạn biết em bé sẽ chào đời trong một thời gian ngắn sắp đến.

Đi tiểu thường xuyên hơn

Vì đầu của thai nhi đã nằm gần sát bàng quang của chúng ta nên chị em sẽ thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu và đi tiểu nhiều lần. Khoảng 2 tuần trước sinh thì thậm chí khoảng 1 giờ các mẹ đi tiểu một lần. Chị em bầu nhớ là đừng nhịn tiểu, sẽ làm không chỉ mẹ khó chịu mà còn ảnh hưởng đến con nữa.

Đau lưng dưới

Những ngày cuối thai kỳ bạn có thể bị đau lưng ghê gớm. Do lúc này em bé đã khá nặng và tụt xuống dưới sẽ tạo áp lực cho lưng và kéo dãn dây chằng ở tử cung, xương chậu khiến mẹ bầu đau nhức. Sau sinh, triệu chứng bệnh sẽ giảm dần. Khi thấy lưng thường xuyên đau đớn, chứng tỏ mẹ sắp được gặp mặt con yêu rồi.

Tiêu chảy

Kích thích tố khi sinh nở sẽ tác động lên ruột và gây ra đau bụng, đi phân lỏng và đi thường xuyên. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, những kích thích tố này là thuốc sổ tự nhiên đào thải cặn bã trong ruột để thai nhi thoải mái trong bụng mẹ. Những hormone này cũng có thể khiến mẹ bầu có cảm giác buồn nôn.

Tăng tiết dịch âm đạo

Thông thường 1 tuần trước ngày sinh nở, mẹ bầu sẽ nhận thấy âm đạo tiết nhiều dịch như lòng trắng trứng hoặc dịch lẫn máu hồng. Thông thường máu hồng này xuất hiện trước khi sinh nở khoảng 1 tuần.

Bong nút nhầy

Trong thời gian mang thai, chất nhầy ở trong cổ tử cung có nhiệm vụ “đóng nắp” bọc nước ối nhưng đến những ngày cuối thai kỳ, chấy nhầy này loãng ra. Chất nhầy này thường có tính chất “nhầy nhầy như nước mũi”, màu hồng nhạt. Chính vì vậy, trong khoảng 1 tuần trước ngày lâm bồn, chị em thường thấy âm đạo xuất hiện dịch nhầy màu hồng nhạt. Đó là dấu hiệu của cổ tử cung bắt đầu hé mở, nút niêm dịch nhầy của cổ tử cung đã bị bong ra.

Khi thấy xuất hiện triệu chứng này chứng tỏ cổ tử cung của bạn đã bắt đầu mở và quá trình sinh nở diễn ra trong 1-2 ngày tới hoặc cũng có thể lên đến 1 tuần. Bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định xem cổ tử cung đã “mở” bao nhiêu cm và tư vấn thời điểm nhập viện.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 36 tuần

  • Lên lịch khám thai tuần 37
  • Hoàn tất thủ tục nghỉ thai sản
  • Chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ: Tham khảo chế độ ăn uống, cách kích sữa, cách đối mặt với những vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ…
  • Đọc sách về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Chọn bác sĩ đỡ sinh.
  • Gọi cho bác sĩ theo dõi thai kỳ cho bạn hoặc đến bệnh viện khi nhận ra bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào.
  • Chọn nơi sinh là các bệnh viên phụ sản uy tín trong TP HCM, phù hợp với nơi ở của mẹ bầu, tình trạng thai kỳ của bạn, điều kiện kinh tế của bạn, có được cơ quan bảo hiểm y tế (mà bạn đăng ký) chấp nhận thanh toán hay không. Các lựa chọn như bệnh viện công lập tại TP HCM như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược; các bệnh viện tư nhân và quốc tế khác tại TP HCM như quốc tế Mỹ (AIH), Hạnh Phúc, Vinmec, An Sinh, FV…
  • Lên kế hoạch sắm đồ sơ sinh cho con

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:

Book

Trả lời