X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Archives

Những điều cần biết khi thai nhi được 35 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 35 tuần tuổi: Bé bớt nhào lộn

Thai nhi 35 tuần tuổi phát triển ra sao?

Do sự lớn lên nhanh chóng về cả cân nặng và chiều cao nên ở trong bụng mẹ, thai nhi dường như không còn nhiều không gian để chuyển động như trước nữa. Ở tuần 35 của thai kỳ, thai nhi sẽ nặng khoảng 2.38 kg và cao 46cm tương đương với kích thích của một quả dưa xanh.

Do khoảng trống trong bụng mẹ ngày một bị thu hẹp nên bé không thể thực hiện được các cú lộn nhào nhưng tần suất những cú huých, cú đạp của bé vẫn đều đặn. Chính vì thế, các mẹ cần phải học thói quen theo dõi số lần đạp của con để nhận biết xem bé có đang an toàn hay không.

Ở tuần 35, các cơ quan trong cơ thể bé đã dần hoàn thiện với thận phát triển đầy đủ và gan đã bắt đầu hoạt động. Trong vài tuần tới, bé sẽ có sự thay đổi rõ rệt về cân nặng nên mẹ cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình.

Cuộc sống mẹ bầu 35 tuần thay đổi thế nào?

Ở thời điểm này, cân nặng và chiều cao của thai nhi phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng sẽ lớn dần đáng kể. Nếu có thể nhìn trực tiếp bên trong tử cung, bạn sẽ nhận thấy giờ đây phần lớn không gian trong tử cung là để dành chứa em bé còn thể tích nước ối đã giảm đi nhiều.

Tử cung của mẹ căng lên như một quả bóng và có xu hướng chèn lên các cơ quan nội tạng khác, đó là lý do tại sao bạn có thể phải đi tiểu thường xuyên hơn và có thể bị ợ nóng, đau dạ dày và gặp phải nhiều hiện tượng khác. Nếu bạn không vật lộn với những phiền toái này thì bạn là một trong số ít người may mắn khi mang bầu.

Bắt đầu từ thời điểm này trở đi, mẹ bầu nên đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe cũng như mọi dấu hiệu xảy ra đối với cơ thể. Khoảng thời gian từ tuần 35 đến 37, bạn nên đến bệnh viện để các bác sĩ lấy mẫu âm đạo nhằm thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). Nhiễm GBS trong thai kỳ có thể gây sinh non, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hậu sản ở mẹ. Đặc biệt, nếu mẹ nhiễm GBS trong thai kỳ, trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng sơ sinh.

Liên cầu khuẩn nhóm B thường không gây nguy hiểm cho người lớn nhưng nếu thai phụ dương tính với kết quả kiểm tra và truyền vi khuẩn sang cho con trong lúc sinh (sinh con qua ngả âm đạo) thì có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như khiến bé bị viêm phổi, viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu.

Trên thực tế, có khoảng 10-30% phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B nhưng lại không hề biết đến điều đó. Nếu bạn là người mang GBS thì bạn sẽ được tiêm kháng sinh trong thời gian chuyển dạ, nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho bé.

Khi bước sang tuần 35, đây cũng chính là thời điểm mẹ bầu nên trang bị một vài kiến thức cũng như những đồ dùng cần thiết cho quá trình sinh nở sắp tới. Tìm hiểu bệnh viện nơi sinh và thảo luận với Bác sĩ chuyên khoa những dấu hiệu cần thiết phảo nhập viện, lựa chọn phương pháp sinh, chuẩn bị mọi đồ đạc thiết yếu là những công việc quan trọng bạn cần tự thực hiện hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của người thân.

Kiến thức cho mẹ: Cần mang theo những gì khi đi đẻ?

Vào thời điểm này hầu hết các bà mẹ đã sắm đủ đồ cho em bé sơ sinh. Vậy khi đi đẻ mẹ cần mang theo những gì?

Các giấy tờ cần thiết

– Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Những giấy tờ này sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi của thai nhi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.

– Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế. Nên photocopy sẵn hai bản và mang theo cả bản gốc đề phòng trường hợp bệnh viện yêu cầu.

– Tiền để đóng phí tạm ứng và chi tiêu những khoản phát sinh khi nằm viện.

Quần áo, đồ đạc cho mẹ và bé

Ngày nay, hầu hết các bệnh viện đều có sẵn đồ cho sản phụ và em bé sơ sinh. Vì vậy mẹ không cần mang theo quá nhiều đồ. Hãy tham khảo nơi bệnh viện mình sinh con xem bạn cần chuẩn bị thêm những gì ngoài những thứ bệnh viện đã cung cấp sẵn.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 35 tuần

  • Mua sắm những đồ còn thiếu cho mẹ và bé cần khi đi đẻ và sau sinh
  • Sắp sẵn đồ đi đẻ vào giỏ riêng, để ở nơi mà những người thân của mình biết, dặn người thân của mình (chồng, mẹ, anh chị em…) khi mình có dấu hiệu chuyển dạ, nhớ mang giỏ đồ đã chuẩn bị sẵn này. Không quên mang theo bộ hồ sơ khám thai nhé.
  • Tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ sinh con
  • Chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ: Tham khảo chế độ ăn uống, cách kích sữa, cách đối mặt với những vấn đề khi nuôi con bằng sữa mẹ…
  • Đọc sách về cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Chọn bác sĩ đỡ sinh.
  • Gọi cho bác sĩ theo dõi thai kỳ cho bạn hoặc đến bệnh viện khi nhận ra bất cứ dấu hiệu chuyển dạ nào.
  • Chọn nơi sinh là các bệnh viên phụ sản uy tín trong TP HCM, phù hợp với nơi ở của mẹ bầu, tình trạng thai kỳ của bạn, điều kiện kinh tế của bạn, có được cơ quan bảo hiểm y tế (mà bạn đăng ký) chấp nhận thanh toán hay không. Các lựa chọn như bệnh viện công lập tại TP HCM như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược; các bệnh viện tư nhân và quốc tế khác tại TP HCM như quốc tế Mỹ (AIH), Hạnh Phúc, Vinmec, An Sinh, FV…
  • Lên kế hoạch sắm đồ sơ sinh cho con
  • Lưu lại những số điện thoại quan trọng như số của bác sĩ nhờ đỡ đẻ, số của người thân trong gia đình hoặc số của các bệnh viện nơi bạn chọn sinh con…

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ KHÁM TẠI:

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 34 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 34 tuần: Bé lớn bằng quả dưa vàng

Thai nhi 34 tuần phát triển ra sao?

Vào tuần 34, bé con của mẹ đã nặng được hơn 2,2kg (cỡ một quả dưa vàng) và dài khoảng 45cm.

Lớp mỡ của thai nhi – bộ phận giúp bé điều chỉnh thân nhiệt sau khi sinh – đang được lấp đầy và khiến bé trở nên bầu bĩnh hơn. Hệ thần kinh trung ương của con cũng dần trưởng thành hơn và phổi tiếp tục phát triển hoàn thiện.

Cuộc sống mẹ bầu 34 tuần thay đổi như thế nào?

Vào thời điểm này, sự mệt mỏi vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên thì mức độ sẽ không quá tệ như 3 tháng đầu. Sự mệt mỏi ấy hoàn toàn dễ hiểu vì sự căng thẳng về thể chất mà mẹ đang phải chịu cũng như những đêm không ngủ đủ giấc vì bị đi tiểu đêm nhiều lần và trằn trọc để tìm tư thế ngủ thoải mái.

Tuy nhiên giai đoạn này mọi thứ sẽ trở lên dễ chịu hơn và có thể giúp mẹ giữ sức trước khi sinh. Nếu mẹ ngồi hoặc nằm trong một thời gian dài thì bà bầu không nên đứng dậy một cách đột ngột. Việc máu dồn xuống hai bàn chân có thể gây ra hiện tượng tụt huyết áp tạm thời, đó là lí do khiến mẹ cảm thấy chóng mặt mỗi khi đứng lên đột ngột.

Nếu mẹ phát hiện bụng bị mẩn đỏ hoặc có dấu hiệu nổi phát ban, thậm chí còn xuất hiện ở đùi và mông thì có thể mẹ đã mắc một triệu chứng được gọi là mề đay và mẩn ngứa khi mang thai.

Hơn 1% phụ nữ mang thai bị mắc triệu chứng này, tuy vô hại nhưng vẫn gây ra cảm giác khó chịu cho mẹ. Trong trường hợp đó bà bầu có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán một cách chính xác. Đồng thời bác sĩ sẽ tìm cách giúp mẹ cảm thấy dễ chịu và có thể giới thiệu mẹ đến gặp bác sĩ da liễu nếu cần thiết. Và mẹ cũng nên gọi cho bác sĩ nếu tình trạng ngứa trở lên trầm trọng, lan khắp cơ thể, ngay cả khi mẹ không bị phát ban. Nó rất có thể là một dấu hiệu về gan.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về đẻ mổ

2 câu hỏi về sinh mổ mà các mẹ thường thắc mắc nhất là:

Tại sao lại cần đẻ mổ?

Mẹ có thể phải trải qua sinh mổ ngoài ý muốn bởi một số lí do như cổ tử cung ngừng giãn nở trong lúc chuyển dạ, đầu thai nhi không lọt và đi xuống trong khung chậu người mẹ hoặc nhịp tim của con bất thường khiến các bác sĩ lo ngại. Một số trường hợp mẹ bị suy tim nặng, tiền sản giật nặng cũng cần được xem xét mổ sinh. Tóm lại, mẹ sẽ phải sinh mổ nếu việc sinh thường ngả âm đạo có nguy cơ gây nguy hiểm cho mẹ hoặc con hoặc cả hai.

Mẹ mong đợi điều gì trong quá trình đẻ mổ ?

Thông thường bố sẽ là người luôn bên mẹ trong suốt quá trình phẫu thuật. Đội ngũ y tế sẽ đặt một ống thông vào bọng đái của mẹ bầu để dẫn nước tiểu trong suốt quá trình phẫu thuật. Mẹ sẽ được gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống để làm tê phần dưới của cơ thể nhưng vẫn giữ cho mẹ được tỉnh táo. Một màn chắn sẽ được dựng lên ngay trước ngực do đó mà mẹ sẽ không thấy được quá trình phẫu thuật của bác sĩ.

Sau khi bác sĩ chạm tới phần tử cung và rạch vết cuối cùng, họ sẽ nhẹ nhàng đưa bé con ra ngoài, nâng con lên cho mẹ nhìn một lát trước khi đưa ra ngoài chăm sóc bởi các bác sĩ nhi khoa hoặc ý tá. Trong lúc các nhân viên y tế khác đang kiểm tra sức khỏe của con, bác sĩ sẽ lấy bánh nhau ra khỏi vết mổ và khâu vết mổ lại.

Việc khâu vết mổ thường mất khoảng 30 phút. Khi thấy sức khỏe em bé ổn định và người mẹ có thể tự ôm con được, phương pháp da kề da có thể được áp dụng trong cuộc mổ. Khi phẫu thuật hoàn tất mẹ sẽ được đưa vào phòng hồi sức. Ở đó mẹ sẽ được ôm con và cho con bú sữa mẹ.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 34

– Tham gia lớp học tiền sản học cách rặn, thở khi đẻ

– Lên lịch khám thai tuần 36.

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 33 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 33 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 33 tuần tuổi đã cán mốc khoảng 1,9kg và có chiều dài ước chừng 44cm tính từ đỉnh đầu cho đến chân, tương đương kích thước của một quả dứa lớn.

Ở tuần này, da của thai nhi không còn nhăn nheo, cùng với bộ xương đã cứng cáp hơn rất nhiều. Riêng xương hộp sọ của bé chưa hợp nhất với nhau, cho phép chúng di chuyển và hơi chồng lên nhau. Điều ngày sẽ giúp con di chuyển dễ dàng hơn qua ống sinh khá chật hẹp. Xương hộp sọ của con sẽ hoàn thiện dần trong quá trình bé lớn lên ở bên ngoài bụng mẹ, cùng với sự phát triển của não bộ và các mô khác.

Cuộc sống của mẹ bầu 33 tuần thay đổi như thế nào?

Trong giai đoạn này, mẹ có thể cảm thấy một số cơn đau nhẹ và tê ở ngón tay, cổ tay và bàn tay. Giống như nhiều mô khác trong cơ thể mẹ, mô ở cổ tay có thể sẽ bị tích nước, dẫn đến áp lực gia tăng ở cổ tay của mẹ. Các dây thần kinh chạy qua đây có thể bị chèn ép, gây tê, ngứa ran, đau rát, hoặc một cơn đau âm ỉ. Mẹ hãy thử đeo một chiếc nẹp cố định để ổn định cổ tay hoặc tựa cánh tay lên gối khi ngủ. Nếu công việc của mẹ yêu cầu chuyển động tay lặp đi lặp lại như gõ bàn phím hay trên dây chuyền lắp ráp, mẹ hãy nhớ duỗi tay một cách thoải mái trong giờ giải lao.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về cách theo dõi chuyển động của em bé

Tần suất mẹ nên theo dõi chuyển động của bé con trong bụng

Thai nhi thường sẽ ‘nghịch ngợm’ ở mức độ vừa phải trong những tuần cuối cùng này vì tử cung đã khá chật hẹp. Mỗi em bé sẽ chọn riêng cho mình một kiểu hoạt động. Miễn là mẹ không thấy thay đổi lớn nào về mức độ hoạt động của em bé, mẹ có thể yên tâm rằng con vẫn khỏe mạnh bình thường.

Mẹ có cần theo dõi nhưng cú đạp của thai nhi?

Để an tâm nhất, từ 28 tuần trở đi, mẹ nên theo dõi chuyển động của bé ít nhất 1-2 lần mỗi ngày. Có rất nhiều cách khác nhau để đếm những cú đá của con, như chọn thời điểm mà bé có vẻ như hiếu động nhất trong ngày. Sau đó mẹ ngồi im lặng hoặc nằm nghiêng về một phía để tránh bị phân tâm. Hãy theo dõi khoảng thời gian mà mẹ có thể đếm được 10 chuyển động khác nhau của con như đá hay trườn. Nếu em bé hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ có thể cảm nhận được ít nhất 10 chuyển động khác nhau của con trong vòng 2 giờ. Một cách khác để đếm những cử động thai nhi là meo dõi thai máy sau ăn 1 giờ. Bình thường, sau ăn 1 giờ, thai nhi cử động ít nhất 4 lần.

 

Mẹ phải làm gì nếu chuyển động của bé con thưa dần và thay đổi?

Mẹ hãy lập tức thông báo cho bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn nếu cảm thấy bất cứ thay đổi hay sự sụt giảm nào về mức độ hoạt động của con. Điều này có thể là dấu hiệu xấu báo thai nhi đang không ổn và mẹ bầu cần được theo dõi cẩn thận hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 33

– Giặt đồ sơ sinh cho con

– Chuẩn bị đồ đi đẻ

– Tìm hiểu về dịch vụ chăm sóc cho mẹ và bé sau sinh

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 31 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 31 tuần tuổi: Bé làm mẹ mất ngủ

Thai nhi 31 tuần phát triển ra sao?

Thai nhi 31 tuần tuổi có cân nặng khoảng hơn 1,5 kg và có chiều dài ước chừng 41cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Kích thước của em bé lúc này tương đương một quả dừa.

Thai nhi 31 tuần tuổi có thể quay đầu từ bên nọ sang bên kia trong khi các bộ phận như cánh tay, chân, và toàn cơ thể đang dần trở nên đầy đặn hơn. Em bé sẽ đá, đạp, nhào lộn khá nhiều lần trong ngày và có thể khiến mẹ mất ngủ. Song mẹ hãy vui mừng và cảm thấy thoải mái vì đây là những dấu hiệu cho thấy em bé đang phát triển hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Cuộc sống mẹ bầu 31 tuần thay đổi như thế nào?

Mẹ bầu có nhận thấy các cơ của tử cung mẹ đang siết chặt hơn không? Không ít bà bầu cảm thấy những cơn co thắt ngẫu nhiên trong nửa sau của thai kỳ. Những cơn co thắt này kéo dài khoảng 30 giây, diễn ra jkhông có tính chu kỳ đều đặn và không gây đau – được gọi là những cơn co thắt tử cung Braxton Hicks (cơn co thắt tử cung của chuyển dạ giả).

Tại thời điểm mang thai 30 tuần, những cơn co thắt tử cung của chuyển dạ giả sẽ không diễn ra thường xuyên và hầu như không làm mẹ đau đớn. Nếu chúng diễn ra ở mức độ thường xuyên – nhiều hơn 4 cơn co thắt trong vòng 1 giờ đồng – kể cả không gây đau đớn, mẹ bầu cũng nên cẩn trọng và thông báo cho bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ cho bạn bởi đây cũng có khả năng là dấu hiệu của cơn co thắt tử cung của chuyển dạ thật sự. Mẹ bầu có thể bước vào một cuộc chuyển dạ thật sự và sinh non dù thai chưa đến ngày từ những cơn co thắt này.

Ngoài những cơn co thắt cơ tử cung, mẹ cũng nên chú ý một số dấu hiệu sinh non khác như việc ra dịch âm đạo nhiều hơn, bao gồm chất nhầy và máu, đau bụng hoặc co thắt giống như chu kỳ kinh nguyệt, tăng áp lực ở vùng chậu, hay đau lưng vùng thấp, đặc biệt nếu mẹ chưa từng gặp phải những triệu chứng này trước đây.

Mẹ bầu cũng có thể đã nhận thấy một ít sữa non rỉ ra từ bầu ngực của mình. Nếu có, mẹ bầu hãy đệm thêm miếng một miếng lót để tránh tình trạng sữa thấm ra áo. Nếu không thấy hiện tượng ra sữa non, bà bầu cũng không cần lo lắng. Bầu ngực của mẹ vẫn đang sản xuất ra sữa non kể cả khi mẹ không thấy chúng thấm ra bên ngoài. Nếu áo ngực hiện tại đã có phần chật hơn, mẹ nên chuyển sang mặc áo ngực cho con bú. Chọn một chiếc áo ngực lớn hơn ít nhất một cỡ so với cỡ áo hiện tại của mẹ để được thoải mái nhất.

Về chế độ dinh dưỡng, mẹ tiếp tục cần bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mẹ và cho sự phát triển của bé con trong bụng, điển hình là canxi. Canxi không chỉ cần thiết cho sự phát triển của răng và xương thai nhi mà còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa các vấn đề về xương như loãng xương.

Mẹ có thể tìm thấy một lương canxi dồi dào trong sữa dành cho bà bầu, phô mai, sữa chua hay các loại thủy hải sản và các loại thực vật như vừng, cà rốt hay đậu nành. Cùng với đó, bà bầu nhớ tiếp tục duy trì thói quen uống đủ và nhiều nước mỗi ngày, cùng với các loại nước ép hoa quả bổ dưỡng như nước cam tươi nguyên chất, nước dừa, các loại sinh tố…

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về phương pháp giảm đau sản khoa (gây tê ngoài màng cứng)

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau sản khoa được sử dụng phổ biến giúp mẹ bầu trải qua cuộc sinh đẻ mà không có cảm giác đau gì cả. Với phương pháp này, bà bầu sẽ nhận được một mũi tiêm thuốc tê vào cột sống vùng thắt lưng, từ đó làm mất cảm giác một vùng rộng lớn từ rốn xuống tận các ngón chân. Vì vậy, bà bầu vẫn hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được mọi chuyện xung quanh, chỉ trừ không cảm nhận được cơn đau đẻ đang “hoành hành”.

Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện như thế nào?

– Bà bầu có thể phải nằm nghiêng bên trái hoặc ngồi, cả hai tư thế đều yêu cầu bạn phải co người, cong lưng để bác sĩ có thể thấy rõ vùng cột sống và tiêm thuốc tê.

– Sau đó, bác sĩ sẽ sát trùng qua phần thắt lưng của bà bầu, sau đó tiêm thuốc tê để giảm cảm giác đau lúc đưa một dây truyền thuốc rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng quanh tủy sống.

Những ai không thể lựa chọn thủ thuật này?

Để thực hiện một ca gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ phải khám thật chi tiết cho bà bầu về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, cơn co thắt để tiên lượng xem liệu bạn có phù hợp với phương án đẻ không đau này hay không. Thông thường, mẹ bầu sẽ không được thực hiện phương án này với 6 nguyên nhân sau:

– Đã hoặc đang dùng thuốc chứa chất làm máu có thể chảy khó cầm máu.

– Chất lượng máu của bà bầu không đủ tiêu chuẩn do quá ít tiểu cầu hay một vài lý do khác.

– Chảy máu quá nhiều hoặc đang bị sốc không đạt điều kiện thích hợp cho thủ thuật đẻ không đau, bởi bà bầu rất dễ bị tụt huyết áp đột ngột.

– Viêm nhiễm ở vùng lưng nơi sẽ thực hiện thủ thuật cũng cản trở việc sử dụng phương pháp này.

– Chuyển dạ quá nhanh, cổ tử cung đã mở đủ để cuộc sinh xảy ra nhanh chóng.

Việc mẹ cần làm khi mang thai tuần 31 tuần

– Lên kế hoạch mua đồ sơ sinh

– Lên danh sách đồ mẹ cần mang theo khi đi đẻ

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

Những điều cần biết khi thai nhi được 30 tuần

By on 14/10/2018

Thai nhi 30 tuần tuổi: Mẹ dễ mệt mỏi, cáu giận

Thai nhi 30 tuần tuổi phát triển ra sao?

Thai nhi 30 tuần tuổi nặng khoảng 1,32kg (kích thước cỡ bằng một cây bắp cải cỡ lớn), chiều dài của con ước chừng khoảng 40cm.

Thai nhi bao quanh bởi hơn 700ml nước ối, nhưng thể tích nước sẽ giảm khi con lớn hơn và chiếm nhiều chỗ hơn trong tử cung của mẹ. Thị lực của bé tiếp tục phát triển, tuy nhiên có vẻ như em bé không thích điều đó, bởi thậm chí sau khi sinh ra, bé sơ sinh vẫn nhắm nghiền mắt để ngủ gần như cả ngày. Khi em bé mở mắt, mắt con sẽ phản ứng lại với sự thay đổi ánh sáng nhưng chỉ đạt 1/20 thị lực, nghĩa là bé chỉ nhận ra các vật cách con vài chục cm (mức thị lực thông thường ở người lớn sẽ là 20/20).

Cuộc sống mẹ bầu 30 tuần thay đổi thế nào?

Vào giai đoạn này, thai phụ thường cảm thấy có chút mệt mỏi, đặc biệt là chứng khó ngủ, mất ngủ. Bà bầu cũng sẽ cảm thấy vụng về hơn lý do là bởi không chỉ cơ thể mẹ tăng cân, mà trọng lượng thai đang dồn xuống bụng làm thay đổi trọng lượng cơ thể mẹ. Thêm vào đó, hormone trong cơ thể mẹ thay đổi cũng làm cho dây chằng trở lên lỏng lẻo hơn, vì vậy các khớp xương cũng mất đi phần vững chắc, điều đó làm mất sự cân bằng của cơ thể bà bầu.

Ngoài ra, việc dây chằng giãn ra có thể khiến cho chân thai phụ bị phù lên, vì vậy mẹ nên mua những đôi giày có kích cỡ rộng với đế giày thấp để cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, sự kết hợp những triệu chứng khó chịu và những thay đổi về hormone có thể dẫn tới việc những cảm xúc lên xuống thất thường.

Kiến thức cho mẹ: Tìm hiểu về những nỗi lo khi sinh con

Vào giai đoạn này, rất nhiều mẹ lo lắng về chuyện sinh con như:

Tôi có thể chịu đựng được con đau đẻ không?

Một số thai phụ chọn đẻ không đau bằng cách gây tê màng cứng nhưng cũng có rất nhiều bà mẹ sinh con mà không cần sự hỗ trợ của thuốc. Họ chấp nhận sự đau đớn, khó chịu và họ học các kĩ năng để kiểm soát cơn đau đó. Việc tham gia các lớp tiền sản được tổ chức tại các bệnh viện có thể giúp các thai phụ biết cách hít thở và cách rặn khi sinh. Với sự chuẩn bị và giúp đỡ đúng cách, một số bà mẹ đã nhận thấy sinh con tự nhiên là hoàn toàn có thể.

Liệu tôi có phải sinh mổ?

Câu trả lời này còn phụ thuộc vào sức khỏe thai kỳ của bạn đặc biệt là một vài tuần trước khi sinh nở. Bạn có thể phải sinh mổ nếu sức khỏe bạn không cho phép đẻ thường hoặc thai nhi có bất cứ vấn đề gì như ngôi thai ngược hoặc em bé quá lớn… Bạn nên nghe theo chỉ định của bác sĩ theo dõi và đỡ đẻ cho bạn để có ca sinh an toàn nhất.

Việc mẹ cần làm khi mang thai 30 tuần

  • Lên lịch khám thai tuần 32 – tuần thai quan trọng
  • Chọn bác sĩ đỡ đẻ
  • Chọn nơi sinh phù hợp với nơi ở của mẹ bầu, tình trạng thai kỳ của bạn, điều kiện kinh tế của bạn, có được cơ quan bảo hiểm y tế (mà bạn đăng ký) chấp nhận thanh toán hay không.
  • Lên kế hoạch sắm đồ sơ sinh cho con

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book