X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Khoa Nhi

13 SAI LẦM NÊN TRÁNH KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH

By on 26/04/2016
Chăm sóc đứa con đầu tiên nhiều khi là một việc làm quá sức nhất là những bà mẹ trẻ. Gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi và nhiều khi phạm phải sai lầm khi giải quyết những khó khăn vượt quá sức này. Sau đây là những sai lầm mà bạn có thể dễ dàng tránh để có thể chăm sóc đứa con bé bỏng của mình một cách an toàn.
   1. Nằm phòng tối sau sanh: mẹ và em bé nằm trong căn phòng tối lờ mờ sẽ gây nhiều khó khăn trong chăm sóc và ảnh hưởng xấu đến trẻ. Trong căn phòng tối này, bạn khó phát hiện vàng da sớm ở bé. Nhiều trường hợp khi mang bé ra ánh sáng thì nhận ra bé bị vàng da nặng tới lòng bàn tay bàn chân, hậu quả là nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh tâm thần rất cao. Thiếu ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D, sẽ làm trẻ khóc đêm liên lục, dễ giật mình, ọc sữa, còi xương. Trong phòng tối bạn cũng khó phát hiện những bất thường ở trẻ như mụn mủ da, khó nhìn rõ để chăm sóc bé được tốt và nhiều khi phòng tối lại kèm quá kín gây không khí tù đọng, hôi hám nên nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.
   2. Mẹ kiêng ăn: một số người nghĩ rằng bà mẹ phải kiêng ăn mới tốt cho sức khoẻ bà mẹ và có nguồn sữa tốt cho bé. Nhiều trường hợp chỉ cho bà mẹ ăn cơm với muối, hay thịt kho thật mặn, kiêng cữ canh, rau, trái cây. Điều này làm cho bà mẹ khó ăn uống, thiếu năng lượng, mệt mỏi, táo bón, thiếu canxi. Trong khi nhu cầu dinh dưỡng bà mẹ cao để bù năng lượng mất do cuộc sanh và phải cho bú mẹ. Làm sao mẹ có được nguồn sữa mẹ tốt nếu ăn uống quá kiêng khem! Do đó, cách tốt nhất là cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho bà mẹ đang cho con bú. Ăn uống đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, trái cây. Cho mẹ uống sữa thêm, uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý mới khỏe mạnh và có nhiều sữa nuôi con khỏe mạnh được.
Ảnh minh họa.
   3. Kiêng tắm: đây là tập quán thường gặp vì sợ bà mẹ bị lạnh. Dĩ nhiên sau sanh bà mẹ mất máu, mệt mỏi nên dễ bị lạnh. Cách tốt nhất là “bồi bổ” bà mẹ bằng cho ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tạo tinh thần thoải mái. Mẹ sẽ khỏe và chống được lạnh. Việc không vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nguy hiểm cho mẹ và con. Chúng ta biết rằng, mọi người cần tạo ra và chăm bé trong môi trường thông thoáng vệ sinh, tuân thủ rửa tay trước và sau khi chăm sóc bé.
   4. Nằm than: đây là biện pháp thường dùng giúp bà mẹ và em bé được ấm. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, có nhiều biện pháp hiệu quả và khoa học hơn giúp giữa ấm bà mẹ và em bé. Trong khi đó nhiều trường hợp bé bị ngộ độc do khí CO từ than, bị bỏng, hoặc mụn mủ, viêm mô tế bào vùng lưng rất nguy hiểm. Do vậy, không nên nằm than sau sanh.
   5. Băng kín rốn: nhiều người nghĩ rằng băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Thực sự việc băng kín rốn sẽ “giúp tạo môi trường tốt cho sự sinh sôi vi trùng” gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Bạn nên để hở rốn sau khi chăm sóc rốn, quấn tả dưới rốn, chỉ phủ lớp mỏng áo lên rốn để dễ quan sát rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng, ít tạo chồi rốn.
   6. Đắp rốn với sái á phiện, phân bò: Những biện pháp này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn, hoặc làm trẻ chướng bụng, ngưng thở do ngộ độc á phiện.
   7. Cho trẻ uống nước cam thảo để trẻ ọc sạch đàm nhớt. Uống cam thảo sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết nguy hiểm ở trẻ do đó không được dùng.
   8. Rơ miệng ở các “bà thầy lang” khi trẻ bị đẹn miệng làm cho trẻ bị trầy xước hầu họng, chảy máu nguy hiểm. Như chúng ta biết, đẹn miệng hay tưa lưỡi là do nấm gây ra, thường xảy ra ở trẻ bú bình. Đẹn miệng có thể điều trị an toàn và dễ dàng bằng rơ lưỡi nhẹ nhàng với Mycostatin.
   9. Cắt lễ khi trẻ bệnh: thói quen cắt lễ khi trẻ bệnh không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là viêm gan siêu vi, HIV, còn gây chảy máu không cầm rất nguy hiểm. Cắt lễ không có tác dụng gì cho việc điều trị bệnh cho em bé.
   10. Mang trẻ “đi phán” khi trẻ bệnh: việc này làm chậm trễ việc điều trị cho em bé. Nhiều lúc bé bị những biến chứng do những “thủ thuật” sử dụng khi “phán”, chẳng hạn như bỏng.
   11. Cho rằng tất cả trẻ sơ sinh bị vàng da là “vàng da sinh lý”, và “sẽ khỏi” sau 1 tuần: như chúng ta biết, 20 – 50% trẻ sau sinh có vàng da, nhưng vàng da sinh lý chỉ là một trong những nguyên nhân. Nhiều trường hợp trẻ vàng da rất sớm trong 1 – 2 ngày đầu, vàng da nặng lan tới bàn tay, bàn chân. Đây không phải là vàng da sinh lý và sau một tuần không tự khỏi được mà sẽ chết hay di chứng vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, hàng ngày cần quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời để phát hiện vàng da. Nếu trẻ vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sanh, hoặc vàng da qua rốn, vàng da tới lòng bàn tay, bàn chân, vàng da kèm bú kém, bỏ bú, gồng người bạn cần mang đến cơ sở y tế để được điều trị vì đây là vàng da nặng.
   12. Dễ dàng thay thế sữa mẹ bằng sữa bình: sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Cho trẻ bú mẹ là bạn mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng, tình thương và sự an toàn. Trẻ sẽ thông minh hơn, ít bệnh hơn. Bạn nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn, không ăn hay uống thêm thứ gì khác. Bà mẹ cho bé bú theo nhu cầu của trẻ, kết hợp chế độ ăn uống và nghỉ ngơi tốt cho bà mẹ, chắc chắn bà mẹ sẽ đủ sữa cho con bú.
   13. Không rửa tay khi chăm sóc trẻ sơ sinh: Rửa tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng chống nhiễm trùng trong đó có nhiễm trùng sơ sinh. Bạn nhớ rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh.
Phòng khám sưu tầm

CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH

By on 26/04/2016

Đảm bảo điều kiện môi trường tốt cho trẻ

Trong tử cung của mẹ, thân nhiệt của trẻ luôn được ổn định nhưng ngay sau khi ra đời, trẻ đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ môi trường thấp hơn. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được giữ ấm. Phòng trẻ nằm phải ấm (28 – 30°C), thoáng, không có gió lùa.

Mẹ và bé nên tắm nắng sáng sớm mỗi ngày khoảng 15-20 phút. Tắm nắng không những giúp trẻ có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm vàng da. Các dụng cụ dùng cho trẻ như: thìa, cốc, bình sữa… phải rửa thật sạch, luộc nước sôi trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh. Tã lót, quần áo, mũ, bao tay chân… của trẻ cần phải được giặt sạch phơi dưới nắng.

Chăm sóc da và rốn

Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4, sau đó giảm dần.

Lớp chất “gây” bao phủ bên ngoài da trẻ trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé ngay sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch. Chú ý, khi rốn trẻ chưa rụng thì lúc tắm tránh làm ướt rốn và sau khi tắm xong phải thay ngay băng rốn vô khuẩn cho trẻ.

Rốn của trẻ phải được chăm sóc kỹ từ lúc mới sinh đến khi rốn rụng. Không nên băng kín rốn vì băng kín rốn sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Để hở rốn sau khi chăm sóc, quấn tã dưới rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng. Cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 7-15 ngày. Rốn mới rụng phải giữ khô sạch cho tới khi lên sẹo.

Dinh dưỡng cho mẹ và bé

Nên cho trẻ nằm cùng mẹ và cho bú càng sớm càng tốt. Trong vòng 30 phút sau sinh nên cho trẻ bú mẹ để tận dụng nguồn sữa non và các chất kháng khuẩn. Cho trẻ bú đúng tư thế sẽ giúp mẹ tiết nhiều sữa cho con. Người mẹ bế trẻ sao cho: Tư thế đầu và thân trẻ thẳng hàng, bụng trẻ áp sát bụng mẹ, mũi trẻ đối diện bầu vú mẹ, tay mẹ nâng đầu, vai và mông trẻ. Trẻ cần được bú nhiều lần trong ngày (ít nhất 8 lần), bú cả ban đêm. Người mẹ nên cho trẻ bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối, không để sữa còn lại trong bầu vú; cho trẻ bú đều cả 2 bên, bú hết bên này mới chuyển sang bên kia, lần sau đổi bên. Phần lớn trẻ sau khi bú dễ bị trớ hoặc nôn ra sữa vừa bú. Để giảm bớt nôn trớ, sau khi trẻ bú, bế trẻ đứng 5-10 phút, đến khi trẻ ợ hơi xong mới cho trẻ nằm. Khi trẻ mới bú xong, tránh các thao tác thay tã hay quần áo vì dễ làm trẻ ọc sữa.

Hiện nay, vẫn còn phổ biến tình trạng sản phụ phải ăn cơm với muối tiêu, thịt kho thật mặn, kiêng cữ canh, rau, trái cây. Điều này làm cho bà mẹ khó ăn uống, thiếu năng lượng, mệt mỏi, táo bón, thiếu canxi, trong khi cơ thể người mẹ cần dinh dưỡng để bù năng lượng đã mất do sinh nở và cho trẻ bú. Do vậy, các bà mẹ phải ăn uống đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, trái cây và uống sữa thêm, uống nhiều nước, chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Theo suckhoedoisong.vn

CHĂM SÓC RỐN SƠ SINH

By on 25/04/2016

Khi còn là bào thai trong bụng mẹ, sợi dây nối kết duy nhất giưã mẹ và con đồng thời cũng là con đường vận chuyển dưỡng khí và chất bổ dưỡng để nuôi sống thai nhi chính là dây rốn. Ở thai đủ tháng, dây rốn dài trung bình từ 50 đến 60 cm, đường kính khoảng 1,5 cm, màu trắng, mềm mại. Một đầu dây rốn gắn vào da bụng thai nhi ở vị trí sau này gọi là RỐN, một đầu gắn với bánh nhau. Khi có bất thường xảy ra với dây rốn như dây rốn bị chèn ép , bị thắt nút thì mạng sống cuả thai nhi bị đe dọa. Đặc biệt là trong lúc sanh và sau khi sanh, việc chăm sóc rốn cho trẻ cũng không kém phần quan trọng.

Chăm sóc rốn phải được thực hiện ngay sau khi trẻ sơ sinh rời khỏi mẹ cho đến lúc rụng rốn và lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn để phòng tránh uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh là một bệnh rất nặng thường dẫn đến tử vong . Dụng cụ kẹp và cắt rốn phải được tiệt trùng , không được dùng mảnh sành, mảnh chai, dao kéo sắc bẩn để cắt rốn .Tay người đỡ đẻ không rưả sạch hoặc dùng găng tay, băng gạc làm rốn không tiệt trùng cũng là nguyên nhân dẫn đến uốn ván rốn. Điều này thường xảy ra ở nông thôn, vùng sâu vùng xa do các bà mụ vườn thiếu kiến thức về sự vô trùng thực hiện. Vì thế tình trạng nhiễm trùng rốn là mối nguy cơ cao cho trẻ sơ sinh.

.

chamsoccuongron-1170x520

Cách chăm sóc rốn theo các qui tắc như sau :

+ Sau khi cắt rốn, người hộ sinh chấm cồn Iode 5% tại đầu cuống rốn , kế đó sẽ lau đoạn dây rốn còn lại và 3cm da bụng quanh rốn với dung dịch Povidin 10% .
+ Cột rốn bằng chỉ tiệt trùng hay kẹp đã sát trùng .
+ Gói cuống rốn bằng gạc vô trùng , đắp lên rốn một lớp gạc mỏng rồi băng ngoài với băng rốn bằng vải sạch . Khi xuất viện về nhà, bà mẹ làm rốn cho bé phải sử dụng các loại gạc làm rốn đã tiệt trùng cùng với các dung dịch sát trùng để chung trong một gói, có bán sẵn tại các hiệu thuốc.
+ Trong khi tắm bé, tránh làm ướt rốn. Thay băng rốn hằng ngày hoặc khi bất cứ khi nào băng bị ướt . Thông thường, cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 6-10 ngày. Nếu rốn bình thường thì lau cuống rốn bằng dung dịch Povidin 10% . Nếu rốn có mùi hôi, chậm rụng, ẩm ướt thì chỉ dùng cồn Iod, không rắc bột kháng sinh vào rốn. Nếu thấy có dấu hiệu loét quanh rốn thì rưả bằng nước muối sinh lý ngày 2 lần . Tốt nhất là đưa bé đến Bệnh viện hoặc Bác sĩ Nhi khoa để khám và điều trị.

+ Rốn mới rụng phải giữ khô sạch tới khi lên sẹo.
+ Nếu rốn đã rụng nhưng còn tổ chức u hạt màu đỏ, tiết dịch vàng thì phải đưa bé đế cơ sở Y tế để được chấm Nitrate bạc 5-10% vào u hạt hoặc đốt điện nếu u hạt lớn .
+ Trường hợp trẻ đẻ rơi, đẻ ở nhà thì phải chăm sóc rốn càng sớm càng tốt. Tại bệnh viện, nên tiêm bắp huyết thanh chống uốn ván (SAT 1500 đơn vị) cho trẻ. Đề phòng uốn ván rốn hữu hiệu nhất là tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ trong thời gian mang thai . Mũi thứ 1 cách mũi thứ 2 một tháng và mũi cuối phải cách ngày sanh ít nhất 2 tuần lễ thì mới đủ thời gian tạo kháng thể chống uốn ván trong cơ thể mẹ. Kháng thể này sẽ được truyền sang cho thai nhi.

Tóm lại, khi thấy bất kỳ một dấu hiệu viêm nhiễm ở rốn hay quanh vùng rốn sau đây thì các bà mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở Y tế để được khám và điều trị :

+ Rốn hôi, chảy nước vàng.
+ Rốn sưng đỏ, có mủ.
+ Rốn có u hạt to, rỉ máu, ướt.
+ Rốn không sạch và trẻ sốt, bỏ bú.

Sản phụ và gia đình phải được hướng dẫn cách chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh vì không phải chỉ vô trùng trong khi đỡ đẻ và cắt rốn với dụng cụ tiệt trùng là đủ mà sự chăm sóc rốn không đúng cách cũng là nguyên nhân làm nhiễm trùng rốn và dẫn đến uốn ván sơ sinh.

PGS.TS.Vũ Thị Nhung
Bệnh viện Hùng Vương

NHỮNG TÁC NHÂN ĐỘC HẠI ĐỐI VỚI THAI NHI

By on 25/04/2016

Những yếu tố hay những chất gọi là độc hại đối với bào thai khi chúng có khả năng làm sẩy thai hoặc gây ra những dị tật bẩm sinh thai nhi nếu người mẹ tiếp xúc với chúng trong thời gian mang thai – nói chung, các yếu tố độc hại này được xếp vào 3 nhóm chính : nhóm gồm thuốc hay hoá chất, nhóm những tác nhân gây nhiễm trùng và nhóm những tác nhân vật lý.
Các yếu tố độc hại tác động lên bào thai bằng cách can thiệp vào sự phát triển tế bào, sự phân chia tế bào, sự di chuyển của tế bào trong thời kỳ tạo hình phôi thai. Ở con người, giai đoạn dễ làm tổn thương đến thai nhi nhiều nhất là từ tuần lễ thứ 3 đến tuần thứ 8 kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng. Đó là giai đoạn hình thành các cơ quan của cơ thể thai nhi – Đều không may là đa số phụ nữ không biết là họ đã có thai trong khoảng thời gian này nên không cảnh giác với các tác nhân có thể gây hại cho bào thai.

Sau đây là một số tác nhân độc hại đối với thai thường hay gặp:

1) Nhóm thuốc và hoá chất :
• Rượu : đây là một trong những chất nhiều độc tính nhưng lại thường được sử dụng, rượu gây hậu quả nghiêm trọng trên thai nhi: nhẹ cân, vòng đầu nhỏ, chậm phát triển, tâm thần, yếu cơ – Nếu người mẹ uống lượng càng nhiều tỷ lệ độc hại trên thai nhi càng tăng.
• Kháng sinh : phần lớn kháng sinh không gây dị dạng thai nhi – Tuy nhiên có một số kháng sinh có tác động xấu cho thai nhi. Thí dụ Tetracycline sử dụng từ tháng thứ 4 của thai kỳ làm vàng răng, thiếu sản men răng. Streptomycim và những loại cùng họ có thể làm tổn thương dây thần kinh tai dẫn đến điếc (xảy ra cho 10 – 15% bào thai có mẹ sử dụng các loại thuốc này.
• Thuốc hạ huyết áp : Trong những năm gần đây, một số loại thuốc hạ áp mới cho thấy có liên quan đến bệnh thiểu ối và vô niệu ở thai nhi, tuy không thấy có trường hợp dị tật bẩm sinh nào được ghi nhận, nhưng những loại thuốc này chống chỉ định khi có thai.
• Thuốc chống ung thư : dùng trong 6 tuần đầu của thai kỳ thường làm sẩy thai. Nếu dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm thai chậm phát triển, bất thường sọ não, tay chân và chậm phát triển tâm thần. Một vài thứ thuốc có thể làm dị dạng thai nhi như, chẽ vòm hầu, chi ngắn, dị dạng sinh dục.
• Thuốc chống đông máu dùng trong 03 tháng đầu làm tăng nguy cơ sẩy thai, bất thường hệ thần kinh, thai chậm tăng trưởng, chết lưu, Heparin là thuốc kháng đông không qua nhau nên có thể dùng trong 03 tháng đầu của thai kỳ và kéo dài đến tuần thứ 36.
• Thuốc điều trị đông lạnh: Thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh. Hydatoin có thể gây hội chứng đặc biệt ở thai nhi bất thường về đầu mặt, tật ở chi , chậm phát triển tâm thần, bất thường ở hệ tim mạch.
• Các chất nội tiết Steroid: Thai phụ được điều trị dọa sẩy với thuốc kết hợp Estrogen – Progesterone hoặc người đang uống thuốc ngừa thai mà có thai thì có thể gặp các bất thường như: Thai nhi gái bị nam hóa bộ phận sinh dục ngoài – Tỷ lệ xảy ra từ 1 – 2%.
• Thuốc lá: Người mẹ hút thuốc có thể sinh trẻ nhẹ cân, giảm kích thước vòng đầu, tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sanh non, vì chất nicotin ngăn cản việc cung cấp oxy cho bào thai và nicotin lại đi qua nhau dễ dàng. Nồng độ Nicotin tập trung trong bào thai có thể cao hơn 15% so với lượng nicotin có trong cơ thể mẹ – Ngoài ra nicotin còn có thể tập trung trong nước ối và sữa mẹ – Nếu người khác hút thuốc mà thai phụ hít phải khói thuốc thì hậu quả cũng tương tự như người trực tiếp hút thuốc.
• Sinh tố: Thiếu acid folique sẽ làm tăng nguy cơ bất thường hệ thần kinh, sẩy thai, thai chậm tăng trưởng, dị tật bẩm sinh, sinh tố A dùng nhiều có thể gây tật bẩm sinh về đầu mặt, rối loạn tâm thần tim bẩm sinh.

2) Tác nhân nhiễm trùng:
Nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và virus có thể gây ra tật bẩm sinh, bất thường về phát triển hệ thần kinh – Bệnh nhiễm trùng thường gặp đối với thai phụ là nhiễm trùng TORCH (Toxoplasmose, Rubella, Cytomegalo virus, Herpes) gây độc hại cho thai nhi với những tật bẩm sinh ở đầu, chậm phát triển thần kinh, viêm võng mạc – Bệnh ban đỏ do Rubella thường gây mù, điếc, còn tồn tại ống động mạch. Ngoài ra, nếu người mẹ nhiễm Giang mai có thể dẫn đến giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh vì từ tháng thứ năm của thai kỳ, vi trùng có thể qua nhau. Thai nhi có thể bị gan lách to, bệnh ngoài da, viêm xương, viêm thận, viêm màng não.

3) Tác nhân vật lý:
• Tia quang tuyến gây dị tật hệ thần kinh, gây ung thư, đột biến gen.
• Môi trường có nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến thai phụ gây dị tật thai nhi ở hệ thần kinh.

Tóm lại, trong khi mang thai, có rất nhiều yếu tố đặc biệt là những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của bào thai, nhất là nếu thai phụ sử dụng trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, khi đã biết mình có thai, nếu bị mắc bệnh, người mẹ nên đi khám thai để được hướng dẫn bởi thầy thuốc chuyên khoa và chỉ sử dụng thuốc theo y lệnh – Cũng phải chú ý đến môi trường sống của thai phụ để tránh những tác nhân có thể gây độc hại cho thai nhi như khói thuốc lá chẳng hạn.

Phòng khám sưu tầm