X

Tính chỉ số BMI

Chiều cao: cm

Cân nặng : kg

Tính

Được thành lập từ ngày 1/10/2002, Phòng khám Hoàng Gia Healthcare không ngừng phát triển, phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các cặp vợ chồng tại Thành Phố Hồ Chí Minh và cả nước chuyên cung cấp các dịnh vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, trữ trứng, khám thai sản, chẩn đoán tiền sản, siêu âm tiền sản. Lấy phương châm phục vụ khách hàng bằng cả trái tim, các Bác Sĩ Phòng khám cam kết đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Sản Khoa

SÀNG LỌC TRƯỚC SINH KHÔNG XÂM LẤN- NIPT

By on 31/08/2016
  1. Khái niệm về xét nghiệm trước sinh

Xét nghiệm trước sinh là xét nghiệm dành cho tất cả các bà mẹ mang thai để biết được thai nhi có mắc những dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể (NST) như hội chứng Down (trisomy 21), Edwards (trisomy 18), Patau (trisomy 13),… Kết quả sàng lọc trước sinh sẽ giúp cho gia đình thai phụ biết trước được nhiều thông tin về sức khỏe thai nhi và có những quyết định tốt nhất cho thai kỳ của mình.
Xét nghiệm trước sinh bao gồm: những xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán.
Chẩn đoán là phương pháp sử dụng mẫu từ các phương pháp xâm lấn (chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau) để xác định có hay không những bất thường NST. Độ chính xác phương pháp này rất cao (gần 100%) do sử dụng mẫu trực tiếp từ thai nhi. Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn một số rủi ro cho thai phụ và cũng có thể phát sinh những bất lợi cho thai nhi: sẩy thai, rỉ ối, chảy máu âm đạo, nhiễm trùng, khuyết tật chi…
Chính vì lý do đó các phương pháp sàng lọc được sử dụng đầu tiên để xác định những nguy cơ sinh trẻ bất thường NST ở thai phụ. Chỉ những thai phụ có kết quả sàng lọc nguy cơ cao mới được yêu cầu thực hiện chẩn đoán bằng phương pháp xâm lấn nhằm hạn chế những rủi ro do thủ thuật. Hiện nay có 2 phương pháp chính để sàng lọc trước sinh:

Phương pháp thông thường:

  • Ba tháng đầu: kết hợp tuổi mẹ, siêu âm thai khảo sát độ mờ da gáy (NT) và sinh hóa máu của người mẹ (double test) được thực hiện trong 3 tháng đầu ở tuổi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày (khả năng phát hiện là 90% và dương tính giả là 5%)
  • Ba tháng giữa: kết hợp tuổi mẹ và xét nghiệm sinh hóa máu của mẹ (triple test) trong 3 tháng giữa của thai kỳ ở tuổi thai 15 tuần đến 21 tuần (khả năng phát hiện 78% và dương tính giả là 5%) nếu thai phụ vì lý do gì đó không được thực hiện sàng lọc trong 3 tháng đầu.

Phương pháp hiện đại- Xét nghiệm trước sinh không xâm lấn (NIPT): thực hiện trên vật liệu di truyền (ADN) của thai nhi với khả năng phát hiện rất cao (>99%) và dương tính giả rất thấp ( < 1%)

NIPT là gì?

NIPT là chữ viết tắt của Noninvasive prenatal test (Sàng lọc trước sinh không xâm lấn), là một phương pháp được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của người mẹ để phân tích và đánh giá mức độ bất thường NST của thai nhi. NIPT cho kết quả với độ chính xác cao hơn rất nhiều so với những xét nghiệm sàng lọc trước đây (Double Test, Tripple Test). Chính vì lý do đó, NIPT giúp giảm số lượng đáng kể những thai phụ phải thực hiện các xét nghiệm xâm lấn (sinh thiết gai nhau hay chọc ối) làm giảm tối đa những nguy cơ có thể xảy ra khi làm thủ thuật.

  1. Ai cần thực hiện xét nghiệm NIPT?
  • Phụ nữ trên 35 tuổi.
  • Có xét nghiệm sàng lọc trước sinh (double test, tripple test) là nguy cơ cao hoặc trong “vùng xám” (nguy cơ từ 1/10- 1/1000).
  • Có tiền sử gia đình hoặc cá nhân liên quan đến bất thường NST.
  • Đã có lần mang thai trước đó bị bất thường NST.
  • Kết quả siêu âm thấy bất thường (không phải bất thường cấu trúc và dị tật ống thần kinh)

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HCM

BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG

GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN PHÒNG KHÁM HOÀNG GIA

ĐĂNG KÝ KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI:

Book

SÀNG LỌC TRƯỚC SINH KHÔNG XÂM LẤN NIPT

By on 31/08/2016
  1. Nền tảng khoa học của công nghệ xét nghiệm Panorama NIPT

Panorama là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT), kỹ thuật này được phát triển và phân phối toàn cầu bởi công ty Natera (Mỹ). Phương pháp này giúp xác định nguy cơ em bé chưa ra đời của bạn mắc những hội chứng bất thường NST gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Trong quá trình mang thai, một lượng nhỏ ADN tự do của thai nhi sẽ di chuyển vào máu người mẹ. Lượng ADN này chiếm khoảng 10% trên tổng số lượng ADN tự do.

Dựa trên nguyên lý đó Panorama Test được thực hiện trên mẫu máu của người mẹ chứa ADN tự do của cả mẹ và thai nhi. Đây là kỹ thuật sàng lọc trước sinh không xâm lấn có thể phân biệt ADN của mẹ và thai nhi dựa trên giải trình tự và phân tích các vị trí đa hình đơn nucleotide. Với công nghệ này, Panorama Test cho độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao ở các NST được phân tích, thậm chí ngay khi hàm lượng ADN tự do của thai nhi ở mức thấp.

Kết quả từ Panorama Test sẽ được báo cáo theo thang điểm nguy cơ, giảm tối đa tỉ lệ dương tính giả hoặc âm tính giả. PanoramaTest có thể thực hiện được ở tuần thai rất sớm (từ tuần thứ 9 của thai kỳ). Chính vì vậy Panorama Test có thể làm giảm 95% những trường hợp phải thực hiện các phương pháp xâm lấn (sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối).

  1. Panorama Test có thể sàng lọc được những bệnh gì?

Thông qua AND tự do của thai nhi, Panorama có thể phát hiện các bất thường do rối loạn NST:

  • Hội chứng Down (Trisomy 21)
  • Hội chứng Edwards (Trisomy 18)
  • Hội chứng Patau (Trisomy 13)

Bất thường NST giới tính:

+ Hội chứng Turner (monosomy X)
+ Hội chứng Klinefelter (XXY)
+ Hội chứng Jacobs (XYY)
+ Hội chứng Triple X (XXX)

Thể tam bội

Ngoài ra, Panorama còn xét nghiệm được 5 hội chứng vi mất đoạn NST thường gặp gây các khuyết tật nghiêm trọng về trí tuệ và vận động:

  • Hội chứng mất đoạn 22q11 (DiGeorge)
  • Hội chứng mất đoạn 1p36
  • Hội chứng Angelman
  • Hội chứng Prader – Willi
  • Hội chứng Cri-du-chat
  1. Phương pháp xét nghiệm và các dạng kết quả

Để tiến hành xét nghiệm Panoramacần có khoảng 20 ml máu từ người mẹ và mẫu tế bào niêm mạc miệng của người cha (không bắt buộc nhưng khuyến khích nên có). Mẫu của người cha mặc dù không bắt buộc nhưng sẽ rất hữu ích trong một số trường hợp nhằm hạn chế tỷ lệ phải thu mẫu lại (trong trường hợp hàm lượng ADN tự do thấp). Kết quả xét nghiệm từ các mẫu này chỉ nhằm phát hiện các bất thường số lượng NST hoặc các vi mất đoạn của thai nhi.

  • Nếu kết quả “Nguy cơ cao” có nghĩa là xét nghiệm phát hiện một nguy cơ rất cao về bất thường số lượng NST của thai nhi.
  • Một kết quả “Nguy cơ thấp” có nghĩa là xét nghiệm phát hiện một nguy cơ rất thấp thai nhi có bất thường về các NST được phân tích.
  • Một số rất ít các trường hợp không cho kết quả kết luận, cần phải thu mẫu lại do lượng ADN tự do trong mẫu quá thấp.
    Khi có kết quả, khách hàng cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề gì?
    Mặc dù xét nghiệm có khả năng phát hiện rất cao (> 99%), nhưng hiện nay, Panorama vẫn chỉ được xem là một xét nghiệm tầm soát. Trong trường hợp kết quả là “Nguy cơ thấp” thai phụ không cần làm thêm xét nghiệm gì. Trường hợp kết quả “Nguy cơ cao” thì khách hàng nên tham khảo ý kiến bác sỹ, cần thực hiện phương pháp sinh thiết gai nhau hoặc chọc dò nước ối để chẩn đoán xác định.
  1. Đặc điểm vượt trội của Panorama

Nhờ công nghệ độc đáo của mình, Panorama là NIPT duy nhất có thể phân biệt AND tự do của thai nhi và AND tự do của thai phụ. Nhờ đó, Panorama trở thành một phương pháp có độ chính xác cao.
Ngoài ra, Panorama là phương pháp duy nhất có thể phát hiện thể tam bội, đây là một bất thường NST nghiêm trọng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như thai lưu, sầy thai,…
So với các phương pháp sàng lọc cổ điển (Double Test, Tripple test) thì Panorama có rất nhiều ưu điểm như: có thể thực hiện từ rất sớm, khảo sát được 10 hội chứng liên quan đến bất thường NST trong khi các test sàng lọc cổ điển chỉ khảo sát được những hội chứng lớn (Hội chứng Down, Hội chứng Edwards, Hội chứng Patau).
Nhờ có công nghệ sàng lọc mới, các chị em có thể yên tâm hơn và giảm rất nhiều những lo ngại do phải làm các phương pháp xét nghiệm xâm lấn trong thai kỳ. Trong tương lai, phương pháp này có thể được áp dụng thay thế cho những xét nghiệm sàng lọc cổ điển do rất nhiều ưu thế đã được công nhận.

      5. Những hạn chế của xét nghiệm Panorama

Xét nghiệm Panorama không thể tiến hành trong một số trường hợp sau: Đa thai (sinh đôi, sinh ba…), mang thai hộ, người mẹ trước khi mang thai được cấy ghép tủy. Một số rất ít trường hợp, các kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả có thể xảy ra trong trường hợp thể khảm (có 2 dòng tế bào hỗn hợp giữa các tế bào chứa NST bình thường và các tế bào chứa NST bất thường) xảy ra ở thai nhi, nhau thai, thai phụ, hoặc trong trường hợp sinh đôi nhưng một thai nhi bị tiêu biến.
Trong số ít trường hợp khác, xét nghiệm Panorama không thể cho ra kết quả vì hàm lượng ADN tự do của thai nhi trong máu người mẹ quá thấp. Trong trường hợp này thì khách hàng sẽ được liên lạc lại và được yêu cầu cung cấp lại mẫu lần 2. Trong một số rất ít trường hợp, hàm lượng ADN tự do của thai nhi vẫn rất thấp mặc dù đã thu mẫu lần 2, điều này có thể do các nguyên nhân đặc biệt khác.

TÓM LẠI
Kỹ thuật này có khả năng phát hiện rất cao (> 99%) và dương tính giả rất thấp (<1%). Bên cạnh đó, chỉ cần lấy mẫu máu của người mẹ mang thai từ tuần thứ 9 là đủ để thực hiện xét nghiệm này. Panorama Test cho phép phát hiện lên đến 10 bệnh do bất thường di truyền NST. Phương pháp này an toàn cho cả mẹ và thai nhi, giúp giảm đáng kể số thai phụ phải làm các xét nghiệm xâm lấn vốn tiềm ẩn nguy cơ gây sẩy thai, nhiễm trùng, rỉ ối và nhiều biến chứng khác

Nguồn: Bệnh Viện Phương Châu

TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU TRUNG

Trưởng Phòng khám Phụ Sản- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Trưởng Đơn vị Hậu Sản- Hậu phẫu- Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 2)

Giảng viên Đại học Y dược

Bệnh viện Hùng Vương

Giám đốc chuyên môn Phòng khám Hoàng Gia- Hoang Gia Health

ĐẶT LỊCH KHÁM VÀ TƯ VẤN TẠI ĐÂY:

Book

THEO DÕI CỬ ĐỘNG THAI NHI

By on 04/07/2016

Cảm nhận về cử động của thai nhi là trải nghiệm đầu tiên của thai phụ về sự có mặt của một cơ thể khác đang phát triển từng ngày trong chính cơ thể mình. Những cử động này của thai nhi bao gồm: cảm giác thai nhi đang xoay, đạp, cuộn tròn trong bụng của thai phụ.

theo doi

Biểu hiện này cho thấy tình trạng hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương cũng như hệ cơ – xương – khớp của đứa trẻ. 

Các cử động này diễn ra đều đặn, xen kẽ – đó là khoảng thời gian ngủ hay nghỉ ngơi của thai nhi (RCOG, 2011). Việc theo dõi này giúp người mẹ theo dõi được tình trạng của thai nhi, từ đó, phát hiện kịp thời các bất thường. Các can thiệp y khoa tiến hành sau đó nhờ vậy sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo dõi cử động thai góp phần giúp người phụ nữ bớt lo lắng, căng thẳng hơn, nhất là trong những thai kì nguy cơ cao (Deralam, 2015).

3 THÁNG CUỐI

By on 27/05/2016

Các xét nghiệm khi mang thai 3 tháng cuối đa số nhằm mục đích kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi và tập trung vào các bệnh thường gặp như thiếu máu, tiểu đường thai kỳ, liên cầu khuẩn.

Dưới đây là những xét nghiệm khi mang thai 3 tháng cuối mà bạn có thể cần thực hiện:

  • Hematocrit/hemoglobin (Xét nghiệm dung tích hồng cầu): Đây là loại xét nghiệm khi mang thai được lặp đi lặp lại, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, nhằm phát hiện tình trạng thiếu máu. (Nếu bạn đã được xét nghiệm khi kiểm tra đường huyết và cho kết quả bình thường, bạn có thể không cần phải lặp lại xét nghiệm dung tích hồng cầu).
  • Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: Bạn có thể tạm thời yên tâm nếu có kết quả xét nghiệm đường huyết bình thường trong khoảng thời gian từ tuần 23 đến 27. Ngược lại, nếu kết quả bất thường và bạn chưa thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết, bạn cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào lúc này.
  • Xét nghiệm kháng thể Rh: Nếu mẹ mang kháng thể Rh âm (Rh-), xét nghiệm kháng thể sẽ được lặp lại (thường là cùng lúc với xét nghiệm đường huyết) và mẹ sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh ở tuần 27. Trong trường hợp không may nếu máu em bé lẫn vào máu của bạn, các globulin miễn dịch Rh sẽ ngăn cơ thể bạn phát triển các kháng thể có khả năng gây nguy hiểm cho con của bạn trong tương lai hoặc thậm chí ngay chính lúc này. Đặc biệt, nếu cha của bé cũng có kết quả xét nghiệm Rh âm như bạn thì bé cũng có Rh âm tính, và bạn sẽ không cần tiêm globulin miễn dịch Rh.
  • Các xét nghiệm bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục: Xét nghiệm khi mang thai này thường được chỉ định cho các trường hợp có nguy cơ cao. Bác sĩ sẽ lấy mẫu cổ tử cung để kiểm tra xem có dấu hiệu của bệnh chlamydia và bệnh lậu không, và bạn sẽ được xét nghiệm máu để tìm bệnh giang mai. Bạn cũng nên xét nghiệm HIV lần nữa nếu gặp bất kỳ nguy cơ lây nhiễm nào kể từ lần xét nghiệm đầu tiên. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ đưa ra những cách điều trị làm giảm đáng kể nguy cơ truyền bệnh cho em bé.
  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B: Từ tuần 34 đến 36, bạn sẽ được kiểm tra liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) trong âm đạo và trực tràng. Trong trường hợp kết quả dương tính, bạn cũng sẽ không được tiến hành điều trị ngay bởi vì việc này không đảm bảo rằng các vi khuẩn sẽ không trở lại. Thay vào đó, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh khi sinh nở. Trong trường hợp bạn đã từng sinh con nhiễm GBS, bạn chắc chắn sẽ được cho dùng thuốc kháng sinh mà không cần thực hiện lại xét nghiệm.
  • Kiểm tra tình trạng sinh lý và sức khỏe thai nhi: Các xét nghiệm khi mang thai dạng này nhằm kiểm tra tình trạng thai nhi nếu bạn bị một số biến chứng thai kỳ hoặc đã quá ngày dự sinh.

3 THÁNG ĐẦU

By on 27/05/2016

Các xét nghiệm được sử dụng khi mang thai ba tháng đầu nhằm tầm soát các dị tật thai nhi . Hiểu được những quy trình này sẽ giúp các mẹ bầu chuẩn bị tâm lý và cảm thấy không bị ngỡ ngàng tại sao mình phải thực hiện nhiều xét nghiệm như vậy.

– Trước khi đồng ý thực hiện một xét nghiệm nào đó, bạn nên hỏi bác sĩ xem đó là xét nghiệm gì, thực hiện ra sao và kết quả xét nghiệm sẽ cho biết điều gì.

– Một số xét nghiệm khi mang thai để sàng lọc chứ không nhằm mục đích chẩn đoán. Chỉ có xét nghiệm chẩn đoán có thể cho bạn biết chắc chắn liệu con bạn có vấn đề gì hay không. Những xét nghiệm sàng lọc thường chỉ trả lời cho bạn “nguy cơ bị bất thường lệch bội nhiễm sắc thể của thai nhi là cao hay thấp”. Khi kết quả tầm soát là “nguy cơ cao”, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn việc cần thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán xác định. Những xét nghiệm chẩn đoán xác định thường có tính xâm lấn, có nguy cơ gây sẩy thai như sinh thiết gai nhau, chọc ối…

– Những xét nghiệm sàng lọc dành cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu:

Bao gồm các xét nghiệm hóa sinh (Double test) trên mẫu máu của thai phụ và đo độ mờ da gáy bằng siêu âm (NT).

Việc đo độ mờ da gáy này được thực hiện trong khoảng tuần thai thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày và các xét nghiệm máu Double test có thể được thực hiện cùng lúc.

Xét nghiệm sàng lọc kết hợp ở ba tháng đầu thai kỳ cung cấp cho bạn thông tin về nguy cơ thai nhi bị mắc hội chứng Down và một số tình trạng lệch bội nhiễm sắc thể khác.

Xét nghiệm lấy mẫu nhung màng đệm CVS để phân tích yếu tố di truyền

Trong xét nghiệm chẩn đoán này, tế bào nhau thai sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích các yếu tố di truyền.

CVS có thể cho biết liệu bé của bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan tới nhiễm sắc thể hay các rối loạn di truyền khác hay không.

Xét nghiệm này có thể được thực hiện trong khoảng 10 đến 11 tuần thai, là một lựa chọn khác thay vì thực hiện thủ thuật chọc dò màng ối (có thể thực hiện ở tuần thai thứ 15 đến 19).

Các xét nghiệm khi mang thai ba tháng đầu mẹ bầu nên làm để xác định dị tật thai nhi trên đây bao gồm hai loại xét nghiệm là xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán. Các xét nghiệm chẩn đoán có khả năng gây sảy thai nên việc thực hiện xét nghiệm sàng trước để ra quyết định có nên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hay không là cần thiết. Trong 3 tháng đầu, thai nhi còn rất nhỏ, chính vì vậy, xác định sớm tình trạng của thai nhi sẽ giúp các mẹ bầu chuẩn bị tâm lý tốt cho việc chăm sóc thai nhi và trẻ sơ sinh sau này hoặc nếu phải bỏ thai thì quá trình hồi phục của mẹ bầu cũng trở nên dễ dàng hơn. 

TS.BS NGUYỄN HỮU TRUNG
Trưởng phòng khám Hoàng Gia
Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM